Tâm sự của con gái cố nhà giáo Văn Như Cương
(Dân trí) - Dịp Tết nguyên Đán Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội tổ chức gói những chiếc bánh chưng yêu thương để mang đi vùng cao theo như ước nguyện của cố nhà giáo Văn Như Cương lúc còn sống, cô Văn Thùy Dương, con gái của cố nhà giáo đã viết đôi dòng ngắn ngủi nhưng chứa chan tình cảm với người cha đã khuất
Trong nhật kí cuối năm, cô Văn Thùy Dương, con gái cố nhà giáo Văn Như Cương viết về cha - cố nhà giáo Văn Như Cương đã viết:
“Hôm qua các con gói bánh chưng ở trường!
Lời đầu tiên các con phát biểu: "Năm nay là một năm đặc biệt với tất cả chúng ta vì năm nay chúng con và các thày cô đã mất đi người Ông, người Thày đáng kính... Năm nay là cái Tết đầu tiên vắng Thày và là lần đầu tiên gói bánh chưng mà không có Thày...
Khi được phỏng vấn, một cậu bé lớp 6 đã trả lời: "Đây là lần đầu tiên em được gói bánh chưng ở trường và cảm giác đầu tiên em rất nhớ Thày. Sau đó là cảm giác thật đầm ấm và thật xúc động khi thấy cả trường quay quần bên nhau!"
Mình chỉ muốn nói với các con thêm một điều trong muôn vàn điều ý nghĩa rằng: "Để hoàn thành một nồi bánh chưng, nghĩ sâu xa sẽ thấy chúng ta không chỉ cần 2 ngày để đãi đỗ, vo gạo rửa lá mà cần nhiều ngày hơn thế để trồng lúa lấy gạo, trồng cây lấy lá, chăm sóc cây đỗ để thu hoạch được những hạt đỗ xanh óng ánh ruột vàng ươm...
Cũng như việc học vậy, không chỉ học hai ngày để thi 2 tiếng mà việc học phải là việc hàng ngày và lâu dài. Chiếc bánh muốn thơm ngon, muốn dền thì phải cẩn thận từng công đoạn, cũng như việc học, muốn bài làm trọn vẹn tròn trịa thì phải học hành cẩn thận từng tý như lúc ta tỉ mẩn đãi đỗ, rửa lá, thêm nước và bớt lửa vậy..."
Hôm qua! Cả sân trường ngập nắng! Phụ huynh và học sinh bên nhau cùng gói những chiếc bánh yêu thương. Tự dưng muốn nói với Bố " Bố ơi! Bố cứ yên tâm, những gì tốt đẹp từ Bố chúng con sẽ gìn giữ và phát huy. Chúng con sẽ cố gắng hết mình để có thể làm được nhiều điều tốt đẹp như Bố từng làm".
Ngày hôm nay, khi những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, trong dòng tạp bút cuối năm, cô Văn Thùy Dương một lần nữa lại nhắc đến bố, người thầy mà hàng triệu thế hệ học sinh luôn dành một phần yêu thương để tưởng nhớ.
“Ngoài đường,... thấy mọi người hối hả ngược xuôi, mua mua sắm sắm mà sao con thấy mình lạc lõng đến vậy! Tết đầu tiên vắng Bố có cái gì đó như xé lòng con! Con nhớ Bố! Nhớ dáng Bố ngồi bên máy tính, nhớ hình bóng Bố ngồi bên bàn nước ngắm chậu mai hay cành đào, nhớ lúc Bố ngồi tỉa cái lá cây trong vườn với đôi tay run run vì người chưa thật khoẻ!
Tết đầu tiên không có Bố, con cùng học sinh gói bánh chưng, nước mắt con cứ chực chảy xuống. Bọn trẻ bảo " tết này là Tết đầu tiên chúng con không được gói bánh cùng Thày ...". Nghe chúng nó nói, mà con thắt cả lòng lại! Con bỗng hiểu tại sao Bố yêu cuộc sống này đến vậy. Từ lúc con biết nhận thức, Bố là người dạy con tất cả, từ buộc lạt, cuốc vườn, bó rau đến làm con gà, mổ con cá! Bố dạy con đi xe đạp, lái xe máy rồi cho con được đi theo Bố mọi chỗ mọi nơi, lắng nhẵng như một cái đuôi.
Tết đầu tiên không có Bố, mẹ cứ lụi cụi đi ra đi vào rồi lại lên xe đi về Lạc Hồng Viên với Bố. Mẹ cứ nghĩ Bố sẽ vui khi mẹ đến thăm nhưng con không chắc điều đó, việc làm đó chỉ khiến người sống yên lòng thôi còn Bố, Bố đâu có ở cái nơi chật hẹp thế, giờ này chắc Bố đang bay bổng ở những nơi đẹp đẽ vô ngần.
Tết đầu tiên vắng Bố, con biết, vợ chồng con sẽ đi cả đoạn đường 300 km về quê mà không được nghe một cuộc điện thoại nào từ Bố nữa. Mỗi đoạn đường về quê đều thấm đẫm kỷ niệm với Bố, câu chuyện về những quả dừa dọc đường, về cây cầu đầy kỷ niệm của Bố mẹ, về câu chuyện vui thời Bố đi dạy ở nơi trường sơ tán... Bố ơi!
Tết đầu tiên không có Bố! Con thấy vắng cả một bầu trời sáng! Chợt đọc được câu Anh Phạm Xuân Nguyên viết cho một sự chia tay "Những người chết là vô hình nhưng không vắng mặt. Nhất là những người ruột thịt thân thiết với ta." Con chợt nhận ra" sẽ không bao giờ Bố vắng mặt trong cuộc đời con”!
Văn Thùy Dương