Chia sẻ xúc động của học sinh về "20/11 vắng thầy Văn Như Cương"

(Dân trí) - Đây là dịp 20/11 đầu tiên trong 27 năm qua trường Lương Thế Vinh không còn sự xuất hiện của thầy giáo Văn Như Cương. Các thế hệ học sinh của trường đã tổ chức buổi triển lãm tri ân thầy Văn Như Cương mang tên “Dấu ấn” để tri ân người thầy đáng kính của mình.

Ngày 18/11, trường THPT Lương Thế Vinh ở cả 2 cơ sở đã tổ chức buổi lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, các học sinh tổ chức buổi triển lãm tri ân thầy Văn Như Cương mang tên “Dấu ấn” để tri ân người thầy đáng kính của mình.

Đây là ngày 20/11 đầu tiên trong 27 năm qua trường không còn sự xuất hiện của thầy giáo Văn Như Cương. Các thế hệ học sinh của trường đã tổ chức buổi triển lãm tri ân thầy Văn Như Cương mang tên “Dấu ấn” để tri ân người thầy đáng kính của mình.

Buổi lễ là dịp để thế hệ học sinh Trường Lương Thế Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo, thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, và ghi nhớ công ơn của thầy Văn Như Cương.


Bức chân dung lớn của thầy giáo Văn Như Cương được ghép từ nhiều bức ảnh nhỏ, ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời dạy học của thầy.

Bức chân dung lớn của thầy giáo Văn Như Cương được ghép từ nhiều bức ảnh nhỏ, ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời dạy học của thầy.

Cô Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong suốt 27 năm qua ngày Nhà giáo 20/11 không có thầy ở trường, tôi cũng cảm thấy hụt hẫng.

Triển lãm lần này hoàn toàn là ý tưởng và thực hiện từ những cựu học sinh và các em đang học tại trường khiến tôi cũng như gia đình rất xúc động. Trước những tình cảm của học sinh, phụ huynh và di nguyện của thầy, trường sẽ cố gắng kế thừa, phát huy truyền thống dạy và học của trường”.

Nhà thơ Trần Hữu Việt (phụ huynh học sinh trường Lương Thế Vinh) chia sẻ: “Thầy là người thẳng thắn, rõ ràng, có khí phách, nghiêm khắc nhưng đầy trắc ẩn. Tôi chứng kiến một kỳ thi vào trung học cơ sở tại trường Lương Thế Vinh. Gần như tất cả phụ huynh đưa con đi thi đều đứng chờ ở cổng trường, bồn chồn, lo lắng.

Bỗng xuất hiện một ông lão gầy gò mặc chiếc áo mỏng (dường như là mặc vội) mở cổng trường, thân mật trò chuyện với các ông bố bà mẹ đáng tuổi con mình, nhắc mọi người bình tĩnh, trật tự cho các con làm bài. Đó là thầy Văn Như Cương, lúc ấy đã ốm lắm rồi.

Những năm cuối đời, mặc dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng thầy luôn lạc quan, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Những lúc khoẻ lại, thầy hay mời anh em văn nghệ, cùng đàn, hát những bài hát tiếng Nga và nói chuyện tiếu lâm.

Đối với tôi, thầy là tấm gương về sự ham học hỏi, lạc quan, yêu đời và vượt qua nghịch cảnh. Tôi tin tâm huyết và tinh thần của thầy Văn Như Cương sẽ được tiếp nối một cách khoẻ khoắn, thuyết phục bằng sự nỗ lực chung của tất cả mọi người”.


Hình ảnh của thầy Văn Như Cương được treo trang trọng trong khung hình logo của nhà trường, bao quanh là những con hạc giấy. Triển lãm đồng thời diễn ra tại hai cơ sở vào cùng ngày 18/11.

Hình ảnh của thầy Văn Như Cương được treo trang trọng trong khung hình logo của nhà trường, bao quanh là những con hạc giấy. Triển lãm đồng thời diễn ra tại hai cơ sở vào cùng ngày 18/11.


Đôi lúc, những dòng thơ, dòng chia sẻ hài hước, dí dỏm của thầy Văn Như Cương khiến các học sinh bật cười

Đôi lúc, những dòng thơ, dòng chia sẻ hài hước, dí dỏm của thầy Văn Như Cương khiến các học sinh bật cười

Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Không chỉ giỏi Toán, thầy Cương còn được biết đến với tài văn chương, nói chuyện dí dỏm và có khả năng "truyền lửa" cho học trò.

Tống Hoàng Nguyên, học sinh khóa 2010-2013 chia sẻ: “Các bạn học sinh vẫn nhớ bài phát biểu trong mùa khai giảng cuối cùng trước khi qua đời, thầy Văn Như Cương đã căn dặn học trò: "Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi".

Thầy từng kể: "Hồi cấp 3 tôi chỉ có hai cái quần, một mới, một cũ. Cái quần mới thì đã cũ, cái quần cũ thì đã rách... Dù thế, cuộc đời học sinh vẫn rất vui tươi và đầy mộng ước".

Ở trường, thầy Cương nổi tiếng hiền, chưa một lần nặng lời với học sinh, luôn giúp đỡ trò khi gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Các thế hệ học sinh chúng em đều xem thầy như người ông gần gũi”.


Những khoảnh khắc rất đời thường về người thầy tận tụy cho công tác trồng người.

Những khoảnh khắc rất đời thường về người thầy tận tụy cho công tác trồng người.

Với cựu học sinh khóa 2014-2017 Đặng Thanh Vân (18 tuổi), ký ức về thầy Văn Như Cương không gắn liền với những giờ lên lớp mà là những điều nhắn nhủ về cách sống, đạo làm người.

"Thầy nhiều lần nói chúng em có thể trở thành những lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công… nhưng trước hết phải là người tử tế. Thầy cũng dạy chúng em phải có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện dù rất nhỏ, thân thiện với mọi người. Và chính thầy đã là tấm gương của sự thân thiện, tử tế ấy", cựu nữ sinh nói.

“Chúng con yêu và sẽ nhớ Thầy lắm, ông bụt của chúng con, người Thầy, người cha, người bạn của chúng con”, những học sinh Lương Thế Vinh đã chia sẻ như vậy khi nói về thầy giáo của mình.

Hoàng Ngọc Giang (cựu học sinh khoá 2007 - 2011) kể: “Thầy nghiêm khắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Thầy nhìn thấy học sinh vi phạm đồng phục đều không bắt phạt hay mắng mỏ gì mà chỉ nhắc nhở. Thầy cực kì hóm hỉnh và thân thiện với học sinh, nếu như chào thầy thì thầy sẽ quay lại vẫy tay cười tươi chào lại, thậm chí còn đến gần hỏi các em đang làm gì rồi chơi cùng học sinh.

Thầy biết học sinh không thích nghe những bài diễn văn khuôn mẫu, sáo rỗng, nên mỗi dịp khai giảng, lễ tết, bài phát biểu của thầy lúc nào cũng ngắn gọn, súc tích và quan trọng nó còn là cái tâm của người thầy.

Ngược lại hoàn toàn so với học sinh nhiều trường khác, học sinh Lương Thế Vinh chúng mình còn mong chờ được lắng nghe những lời căn dặn vàng ngọc của thầy, bởi từng bài phát biểu của thầy đều rất xúc động, chứa đựng những lời răn đầy ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống học trò chúng mình”.


Những lời tri ân, cảm ơn được các thế hệ học sinh lưu lại.

Những lời tri ân, cảm ơn được các thế hệ học sinh lưu lại.

Em Trịnh Hải Minh – lớp 7A4 xúc động gửi lời nhắn đến người thầy đã khuất: “Dù thầy đã ra đi mãi mãi nhưng con sẽ không bao giờ quên một người thầy hiền hậu, râu tóc bạc phơ như bụt. Con sẽ không quên một người thầy, một người ông luôn đứng trước cổng trường đón chúng con vào lớp.

Thầy đã cống hiến cho mái trường này rất nhiều, để con có chỗ được học tập, rèn luyện và thành người. Con hứa sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy”.


Những vần thơ, câu chuyện về người thầy Văn Như Cương được chia sẻ.

Những vần thơ, câu chuyện về người thầy Văn Như Cương được chia sẻ.

Hồng Minh