Tấm lòng thương trẻ khuyết tật của cô giáo xứ cù lao
(Dân trí) - Không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật, nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với trẻ khuyết tật nên cô giáo Lý Thị Thanh Thúy (giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 2B, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đã nhận dạy trẻ khuyết tật ở địa phương, giúp cháu học hành tiến bộ.
Nói về cơ duyên đến với nghề dạy học, cô Lý Thị Thanh Thúy (SN 1969) kể: “Năm 1995, tôi mới học hết lớp 9. Lúc đó, ở địa phương thiếu giáo viên nên có nhu cầu tuyển giáo viên. Được sự động viên của mọi người, tôi đăng ký xin vào dạy lớp 1 ở xã. Nói thật lúc đó đi dạy cũng khá vất vả vì mình có qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm gì đâu. Nhưng được sự giúp đỡ, động viên của nhiều người nên mình cũng cố gắng vừa dạy vừa… học nghề luôn. Sau này tôi cũng học xong chuyên ngành sư phạm Tiểu học của Trường Đại học Huế”.
Những năm đầu mới vào nghề, cuộc sống giáo viên ở đất cù lao còn nhiều khó khăn thiếu thốn, lương nhà giáo không cao, lại luôn bị chậm trễ nên ngoài giờ dạy, cô Thúy về nhà tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và để yên tâm trụ lại với công việc “gieo chữ” của mình.
Nói về việc dạy học sinh khuyết tật, cô Thanh Thúy tâm sự: “Ở địa phương tôi có cháu Trần Thị Hiếu Thảo sinh ra không được trọn vẹn hình hài một con người, không có tay, không có chân. Khi cháu đến tuổi vào lớp 1, tôi thấy thương cháu quá nên mạnh dạn nói với gia đình cứ cho cháu vào học tại trường Tiểu học của xã, tôi sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm lo và dạy cho cháu”.
Theo cô Thúy, dạy các em học sinh bình thường ở lớp 1 đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần phải kiên trì, phải có tấm lòng, có tình yêu thương, sự thông cảm... đối với các em.
Những ngày cháu Thảo đi học, cứ mỗi buổi sáng, khi bà ngoại đưa cháu tới trường thì cô Thúy đã chờ sẵn ở bên ngoài, trực tiếp bế cháu vào trong lớp đặt lên ghế ngồi. Đồng thời, cô phân công một học sinh nữ khác ngồi chung với cháu Thảo để giúp Thảo lấy sách vở, phấn, bút, đồ dùng học tập trong cặp để lên bàn. Do cháu Thảo không có tay nên không thể cầm phấn hay cầm bút được mà chỉ có cách để phấn hay bút kẹp vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để viết hay vẽ; làm toán thì bạn bày que tính trên bàn rồi Thảo theo hướng dẫn của cô dùng “tay” sử dụng que tính để làm bài như các bạn khác.
Để giúp cháu Thảo, cô Thúy luôn đứng bên cạnh cháu, động viên, an ủi, hướng dẫn cháu cách viết. Cứ như thế, chỉ hết khoảng nửa thời gian của học kỳ 1 năm học 2015-2016, cháu Thảo đã viết được thành thạo.
“Ban đầu cháu viết chữ rất to, sau đó cháu đã viết được chữ nhỏ như các cháu khác và nét chữ rõ ràng, tròn trịa và khá đẹp. Thảo tuy khuyết tật về cơ thể nhưng cháu rất ham học và học rất nhanh nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá trong học tập”, cô Thúy cho biết thêm.
Cô Thanh Thúy tâm sự: “Lúc nhận dạy em Thảo, tôi luôn tâm niệm mình là người mẹ của em. Để dạy được em, trước hết mình phải tạo được cảm giác gần gũi, thân thiện, phải thật sự có tình yêu thương, lòng kiên trì và nhẫn nại để giúp em học tốt, vượt qua được mặc cảm về bản thân”.
Bà Lý Thị Cho (bà ngoại cháu Thảo) cho biết: “Khi cháu đến tuổi đi học, gia đình tôi cũng lo vì không biết có nơi nào nhận dạy những người như cháu hay không. Đưa cháu đi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật thì vợ chồng tôi cũng lo vì cháu phải ở xa nhà, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Thật may khi có cô Thúy và nhà trường nhận cháu vào học, dạy cháu học tập tốt. Cô đã mở lối cho cháu tôi vào đời. Gia đình tôi mang ơn cô và nhà trường nhiều lắm”.
Thầy Lê Hoàng Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2B, nhận xét: “Trong những năm công tác, cô Lý Thị Thanh Thúy rất nhiệt tình với công việc, cô tích cực tham gia các phong trào. Nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện. Lớp của cô phụ trách chất lượng luôn ổn định, số học sinh lên lớp luôn đạt chỉ tiêu đề ra”.
Được biết, ngày 28/8/2018, Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã họp và thống nhất chọn cô Lý Thị Thanh Thúy là đại diện cho đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật của ngành tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018.
Cao Xuân Lương