Bạn đọc viết:
Tại sao học sinh giỏi “né” ngành Sư phạm?
(Dân trí) - Câu chuyện ngành Sư phạm “rớt giá” vẫn đang làm dư luận băn khoăn đi tìm lời giải. Người ta nói nhiều về chế độ đãi ngộ nhà giáo, tình trạng cử nhân thất nghiệp, những áp lực vô hình của ngành nghề đã không thu hút được học sinh giỏi về với giảng đường sư phạm.
Và dưới một góc nhìn khác của học sinh, tôi nghĩ nhiều bạn trẻ “né” Sư phạm bởi vì các con đã nhìn, đã nghe và đã thấm thía những bất cập của nghề giáo.
Tôi có đứa cháu gái đang học lớp 11. Cháu khá hiền, ngoan, chăm chỉ nên gia đình định hướng cho cháu trở thành giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, cháu nhất quyết gạt đi ngay ý định ấy của người lớn với những lập luận không thể nào phản biện được.
Lý do thứ nhất là “Học xong không có việc làm thì đeo đuổi giấc mơ “gõ đầu trẻ” làm gì?”. Người dì của cháu tốt nghiệp Sư phạm đã mấy năm mãi không xin được việc. Người chú của cháu mới cưới cô vợ làm công nhân may nhưng có bằng đại học sư phạm “treo tủ”. Rồi mấy con số thống kê về tỉ lệ cử nhân Sư phạm thất nghiệp được cháu đọc làu làu.
Dù bằng cấp tốt nghiệp loại ưu thì cũng chẳng có một cơ chế ưu đãi nào cho cử nhân có tấm bằng “đỏ”. Không dưới một lần cháu đã nghe người thân kể câu chuyện đi xin việc và nghe lời khẳng định oái ăm: “Bẳng giỏi vẫn thua bằng lòng”. Những lời rỉ tai mấy trăm triệu cho một suất vào biên chế thật sự là một gáo nước lạnh dội thẳng vào đam mê và nhiệt huyết của người trẻ.
Lý do thứ hai là mức lương bèo bọt của thầy cô đang trực tiếp đứng lớp dạy dỗ học sinh. Cháu kể cô giáo này phải làm thêm công việc bán bảo hiểm nhân thọ, cô giáo kia bán “tạp hóa” trên Facebook, cô giáo khác vẫn ngày ngày nhận thêm hàng may mặc.
Lắng nghe lời tâm sự của thầy cô về cuộc sống bấp bênh, bon chen nghề tay trái mới mong cuộc sống no đủ đã làm chùn chân mấy cô cậu học trò trước ngưỡng cửa lựa chọn hướng đi cho tương lai.
Lý do thứ ba là có những giáo viên là “tấm gương mờ” làm xấu xí hình ảnh người thầy trong lòng học sinh. Có người lên lớp theo kiểu làm qua loa, dạy đại khái; có người vì chút vụ lợi riêng tư nên gian dối trong đánh giá, điểm số, thành tích; có người dùng chiêu trò o ép, dọa nạt, gạ bài… để buộc học sinh đăng ký lớp dạy thêm…
Dù là thiểu số nhưng chính các cháu là người chứng kiến, thậm chí là người “chịu đòn” trước những biểu hiện lệch lạc, những tiêu cực ấy. Hình ảnh người thầy bị méo mó mất rồi, đâu còn sức hấp dẫn để học sinh lấy làm “thần tượng”!
Cuối cùng, chính các cháu cũng nhìn nhận sự khó bảo, khó dạy của học sinh thời @ này. Nhà trường đang phát huy tính dân chủ, xây dựng môi trường học đường thân thiện. Nhưng chính từ đây nảy sinh khá nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự tôn nghiêm của người thầy.
Học sinh kính trọng thầy cô giáo không? Có, nhưng một bộ phận học sinh đang “thừa gió bẻ măng”, lợi dụng tính dân chủ để có những biểu hiện lệch lạc, sai trái. Cá biệt, các em còn tuyên bố trước mặt bạn bè rằng dù mình lười học, quậy phá, hỗn láo thế nào đi nữa thì thầy giáo cũng chẳng dám làm gì. Và thế là vẫn lười học, vẫn quậy phá, vẫn ương bướng nhưng rồi cuối năm vẫn lên lớp đều đều.
Phụ huynh tôn trọng thầy cô giáo không? Chỉ một phần, còn lại đang có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với đội ngũ nhà giáo. Chỉ cần thông tin về một vụ việc giáo viên nào đó đánh học sinh là ngay lập tức làn sóng phản đối, chỉ trích, đe nẹt của phụ huynh lại được dịp dâng cao. Chưa cần biết đúng sai thế nào, họ cứ mặc nhiên “ném đá” tới tấp về phía người thầy.
Nỗi trăn trở về vị thế xã hội của nhà giáo đang giảm sút không chỉ tồn tại trong lòng của chính giáo viên mà nó còn định hình trong lòng học sinh. Học sinh vẫn ngày ngày chứng kiến điều đó, những cái nhìn không tốt, suy nghĩ không hay xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Ngành giáo dục đang tính đến các giải pháp mang tầm vĩ mô nhằm xoay chuyển tình thế, nâng cao chất lượng người thầy trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần có những giải pháp hữu hiệu để xây dựng hình ảnh người thầy mẫu mực, thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo!
Ngọc Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!