Tại sao bạo hành trẻ thường xảy ra ở cơ sở mầm non nhỏ lẻ?

(Dân trí) - Báo cáo về vụ việc bạo hành trẻ em ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12, TPHCM), ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng việc bạo hành chỉ xảy ra ở các trường tư, nhóm giáo dục nhỏ chứ các trường mầm non công lập và trường tư thục có quy mô lớn lại không xảy ra. Tại sao lại như vậy?

Ông Sơn nhận định đây là trường hợp cá biệt, chủ cơ sở Mầm Xanh là người thiếu nhân tính. Chung quan điểm đó, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng đánh giá vụ Mầm Xanh là sự việc cá biệt.

Tôi nghĩ rằng việc trẻ bị bạo hành ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ ở TPHCM nói riêng, ở các địa phương khác nói chung không phải là hiếm có, mà chỉ khác nhau về mức độ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ trẻ em TPHCM nhận định: Những vụ việc bạo hành trẻ được phát hiện và xử lý mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng do không có bằng chứng.

Chính trong vụ Mầm Xanh, sau khi báo Tuổi Trẻ đăng video clip bạo hành trẻ kinh hoàng vào chiều ngày 26/11/2017 và cơ sở bị đình chỉ ngay sau đó, thì ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết cơ quan chức năng của quận vừa kiểm tra cơ sở này ngày 23/11/2017. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, mặc dù có nghe thông tin cơ sở này bạo hành trẻ nhưng do không có bằng chứng cụ thể nên chưa thể xử lý gì.

Vì không có bằng chứng cụ thể việc trẻ bị bạo hành, nên đoàn kiểm tra chỉ xử phạt hành chính khi phát hiện vi phạm về thủ tục giấy tờ.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12 - cơ quan cấp giấy phép và quản lý trực tiếp cơ sở Mầm Xanh cho biết ngày 23/11/2017, phường lập quyết định lập biên bản xử phạt hành chính cơ sở này do không có hợp đồng lao động. Hai cô bảo mẫu không có bằng cấp chuyên môn. Chủ cơ sở giải thích là họ mới vào làm, chưa kịp làm hợp đồng lao động.


Sau khi phát hiện các bảo mẫu tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) có hành vi bạo hành hàng chục trẻ em, chiều 26/11/2017, Công an quận 12 cùng lực lượng chức năng đã kiểm tra, mời chủ cơ sở về trụ sở UBND làm việc, đồng thời đình chỉ hoạt động cơ sở này.

Sau khi phát hiện các bảo mẫu tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) có hành vi bạo hành hàng chục trẻ em, chiều 26/11/2017, Công an quận 12 cùng lực lượng chức năng đã kiểm tra, mời chủ cơ sở về trụ sở UBND làm việc, đồng thời đình chỉ hoạt động cơ sở này.

Phải thừa nhận rằng từ trước tới nay, chúng ta đã từng đọc báo, nghe thông tin về nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non ở các cơ sở tư thục ở TPHCM nhưng có lẽ vụ Mầm Xanh này là vụ bạo hành trẻ “quy mô” nhất.

Gần đây nhất, trước đó vào tháng 2 năm nay, đã xảy ra vụ giáo viên tại nhóm trẻ không phép ở quận Bình Thạnh dốc ngược, dọa ném trẻ 22 tháng tuổi qua cửa sổ vì không chịu ăn; tiếp đó vào tháng 3 thì xảy ra vụ bảo mẫu tại nhóm trẻ không phép ở quận Gò Vấp đánh đập trẻ dã man trong lúc cho ăn cháo.

Đây đều là hai cơ sở không phép nên ít nhiều người ta có thể cho rằng hành vi bạo hành của bảo mẫu là do thiếu chuyên môn.

Nhưng phải đến khi báo chí phanh phui vụ bạo hành trẻ kinh hoàng ở cơ sở Mầm Xanh (đóng tại quận 12, được cấp giấy phép từ năm 2014, chủ cơ sở có bằng cấp chuyên môn Sư phạm Mầm non) thì dường như người ta mới đồng loạt phẫn nộ trước thực trạng trẻ được trông giữ như thế nào ở các cơ sở mầm non nhỏ lẻ.

Công an kiểm tra cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) chiều ngày 26/11/2017.
Công an kiểm tra cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) chiều ngày 26/11/2017.

Tại sao bạo hành trẻ thường xảy ra ở các cơ sở mầm non nhỏ lẻ?

Hiện trên địa bàn TPHCM có hơn 1.800 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp phép; 1.100 trường mầm non, trong đó có 450 trường công lập. Số trường tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục chiếm tỉ lệ hơn 55%. Trong đó nhiều quận, huyện đông dân nhập cư, số trường và nhóm, lớp tư chiếm gần như đa số.

Trong điều kiện như vậy, các lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của đối tượng phụ huynh là công nhân nhập cư, lao động nghèo.

Chị Nguyễn Ngọc Vy (37 tuổi, ngụ quận 12, cũng gửi con tại cơ sở Mầm Xanh) chia sẻ trên báo Phụ nữ Việt Nam: “Trong khu vực này ngoài nhà trẻ Mầm Xanh còn khoảng 5 nhà trẻ khác hoạt động nhưng nơi nào cũng đầy học sinh bởi quanh đây tập trung rất nhiều gia đình công nhân nên nhu cầu gửi con nhiều. Hàng tháng chúng tôi phải đóng 1,2 triệu đồng tiền gửi. Ngoài ra lúc nào tăng ca gửi thêm thì sẽ tính tiền theo giờ”.

Các cơ sở mầm non nhỏ lẻ này đều có điểm chung giống nhau là ở gần các khu dân cư, chủ cơ sở thuê nhà của người dân để làm cơ sở mầm non, trông giữ khoảng 10-30 trẻ, với mức phí gửi trẻ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, nhận trông trẻ cả ngoài giờ hành chính, cuối tuần.

Các cơ sở này hầu như là không có camera để phụ huynh giám sát. Phụ huynh gửi trẻ ở đây là các công nhân nhập cư, lao động nghèo, thời gian eo hẹp, họ tìm được nơi như vậy để gửi con đi làm cũng là cảm thấy may rồi, còn con được trông giữ như thế nào cũng là "hên xui", tùy lương tâm người giữ trẻ.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở Mầm Xanh bị công an quận 12 tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em. Bà Linh (người trực tiếp ra tay đánh trẻ tàn bạo nhất) có bằng cấp chuyên môn.
Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở Mầm Xanh bị công an quận 12 tạm giam vì có hành vi bạo hành trẻ em. Bà Linh (người trực tiếp ra tay đánh trẻ tàn bạo nhất) có bằng cấp chuyên môn.

Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, Bộ GD-ĐT quy định cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện này, chủ nhóm trẻ dễ dàng đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên chất lượng vẫn là điều đáng lo ngại.

Một người phụ nữ lớn tuổi sống ở gần cơ sở mầm non Mầm Xanh cho biết: “Không chỉ nơi này mới bạo hành trẻ đâu, các cơ quan quản lý hãy kiểm tra các điểm giữ trẻ quanh đây, sẽ thấy nhiều cơ sở, bảo mẫu đánh trẻ kinh khủng lắm. Trẻ con mà họ cầm xách ngược, tát vào mặt… Chúng tôi đi chợ về, đi qua nhìn thấy can ngăn là còn bị mắng”.

Một cơ sở mầm non đặt ở một nhà dân cho thuê, diện tích chật chội, vài cô chăm mấy chục cháu, thì trong môi trường làm việc ngột ngạt, áp lực, bảo mẫu sinh ra bực bội, căng thẳng cũng là điều dễ hiểu. Mà nếu không may lại rơi đúng vào nơi giáo viên "khéo nói ngọt" nhưng lại có "bản tính bạo lực" như bà chủ cơ sở Mầm Xanh thì trẻ em được gửi ở đây sẽ phải hứng chịu.

Cũng không thể trách hai cô bảo mẫu ở Mầm Xanh vì hai cô bị bà Linh “chỉ đạo”. Thực tế, theo nhiều người dân địa phương, cơ sở Mầm Xanh liên tục đổi bảo mẫu, cứ khoảng vài ngày, vài tuần là lại thấy thay. Có lẽ vì không bảo mẫu nào chịu được lâu khi làm việc dưới sự chỉ đạo "tra tấn trẻ" của chủ cơ sở bạo hành trẻ kinh hoàng như vậy.

Vụ việc ở Mầm Xanh giống như một hồi chuông báo động lớn nhất từ trước đến nay để dẫn đến một sự thay đổi thiết thực cho thực trạng giáo dục trẻ mầm non, nhất là trường mầm non cho con của công nhân nhập cư, lao động nghèo.

Để giải được bài toán trường mầm non ở những thành phố đông lao động nhập cư, cần có sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp sử dụng đông lao động.

Nguyên Chi

>> Công nhân lương thấp biết gửi con ở đâu cho yên tâm?

>> Giải bài toán trường mầm non: Phải có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp