Suy ngẫm về nghề giáo ở Việt Nam và LB Nga
(Dân trí) - Những ngày này, với tinh thần tôn sư trọng đạo người dân Việt Nam luôn dành những tình cảm trân trọng nhất đối với các thầy cô giáo bởi nghề giáo là một trong những nghề đặc thù chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, được xã hội tôn vinh.
Là một người thầy ở Việt Nam nhưng hiện nay tôi lại có may mắn được làm học trò ở xứ sở Bạch Dương, một đất nước có nền văn minh sớm với bề dày về khoa học và giáo dục đào tạo. Ở đây tôi có dịp được quan sát, học hỏi chiêm nghiệm về nghề làm thầy ở nước bạn.
Ngay từ những ngày đặt chân đến nước Nga, chúng tôi đã được gặp những thầy cô giáo tốt và nhân hậu. Năm đầu học tiếng Nga ở khoa dự bị còn nhiều bỡ ngỡ, các thầy cô nhiệt tình, quan tâm giúp đỡ và dạy dỗ chu đáo. Họ đến với học trò bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm của người thầy. Khi học chuyên môn là nghiên cứu sinh chúng tôi được nhận thầy và trực tiếp một giáo sư hướng dẫn.
Những giáo sư người Nga cao tuổi nhưng thực sự là những người thầy vĩ đại bởi kiến thức sâu rộng, uyên bác và cuộc sống lại rất bình dị đời thường. Tôi có may mắn được thường xuyên đến gặp làm việc với thầy tại nhà riêng, tại đây tôi được chứng kiến một cuộc sống giản dị, thanh cao.
Ngôi nhà của thầy không có sự xuất hiện nhiều của vật chất mà thay vào đó là những giá trị tinh thần vô giá, với một không gian ngập tràn sách vở, nhiều bằng khen, huy hiệu ghi nhận sự đóng góp cho khoa học của thầy. Thầy nhiệt tình chỉ bảo quan tâm đến học trò như người con của mình. Chúng tôi cũng đến với các thầy bằng tình cảm và sự ham học của người Việt Nam. Những dịp lễ tết, món quà tặng thầy cũng thật đơn giản, có khi chỉ là một phong kẹo sôcôla cũng đủ để tạo sự thân mật thầy trò.
Xã hội ngày càng phát triển, nghề thầy giáo cũng chịu sự tác động không nhỏ. Ở Việt Nam hay ở LB Nga, cũng vậy những người thầy ngoài tinh thần trách nhiệm với công việc họ cũng phải lo toan cho cuộc sống đời thường.
Trên các trang báo, đôi lúc chúng ta cũng hay thấy xuất hiện những chuyện không vui về người thầy ở Việt Nam như câu chuyện quanh cái phong bì, rồi vi phạm đạo đức nghề nghiệp... hay ở Nga cũng có những chuyện giáo viên đột nhiên bị cảnh sát bắt do nhận tiền chạy điểm từ sinh viên.
Cuộc sống là vậy, vốn chứa nhiều phức tạp. Nghề nào cũng chịu tác động, điều quan trọng là mỗi con người phải tự đấu tranh giữa ranh giới của cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiêu cực để giữ được sự thăng bằng, chuẩn mực trong nghề của mình.
Cùng nghề làm thầy giáo những cũng có người thế này người thế khác. Không ít người vụ lợi, thực dụng nhưng còn rất nhiều người thầy tận tâm với nghề và luôn cố gắng giữ vững đạo đức nghề nghiệp.
Người viết bài này cũng là một người thầy vì vậy xin được chia sẻ với các bạn bè đồng nghiệp và mọi người. Chúng tôi cảm ơn xã hội đã tôn trọng nghề giáo nhưng cũng mong sự cảm thông và nhìn nhận về nghề dạy học như bao nghề khác bởi nghề giáo bên cạnh vinh dự nghề nghiệp là những thăng trầm, rủi ro song hành.
Xã hội thì luôn vận động và chúng tôi những nhà giáo yêu nghề nghĩ rằng phải luôn học hỏi, thích ứng với xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt công việc chuyên môn cũng như cố gắng giữ vững đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với chữ “Thầy”.
Vũ Ngọc Thương
NCS - ĐH tổng hợp quốc gia Tula LB Nga