1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Sự trở về của Quang Hải

Dân trí

(Dân trí) - Tháng trước, cầu thủ danh giá nhất của bóng đá Việt Nam về nước sau một năm thi đấu ở câu lạc bộ hạng 2 của Pháp. Chuyện này nhìn rộng ra có thể thấy những khiếm khuyết trong đào tạo, hướng nghiệp...

Người lớn thường khuyên các con học đi, học đi sẽ có tương lai.

Thầy cô thường nói, hãy cố gắng vươn lên, vượt qua chính mình.

Các nhà truyền cảm hứng giáo dục thường hay khuyên học sinh từ cấp một tới đại học rằng hãy theo đuổi đam mê của mình. Nhưng đáng tiếc, ngoài câu hô hào đó, không ai chỉ ra được cho người trẻ, dựa vào đâu để nhận ra đam mê và cơ sở nào để theo đuổi đam mê.

Ông Heinrich Schliemann (1822-1890), người Đức, là một nhà khảo cổ học tay ngang, người tìm ra di chỉ thành Troy từ niềm tin sắt đá rằng những câu chuyện kể trong sử thi Iliad và Odyssey của Homer vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, là sự thật. Và ông đã tìm ra.

Mười bốn tuổi, bằng hoặc kém một chút với các bạn lớp 9 bây giờ, ông bỏ học và bôn ba phiêu bạt khắp nơi để tự mưu sinh. Trước khi bắt tay thực hiện giấc mơ đời mình từ niềm tin thuở bé, thì ông đã làm mấy việc sau:

Thứ nhất, học nhiều ngoại ngữ phục vụ học nghề và kiếm sống.

Thứ hai, kiếm thật nhiều tiền.

Thứ ba, sau khi kiếm được tiền, thì học thêm nhiều ngoại ngữ và ngôn ngữ cổ để phục vụ việc truy xuất dữ liệu gốc của lịch sử.

Thứ tư, học các lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật đào bới, khai quật, khảo cổ.

Ngày nay, rất hiếm những người trẻ có thể tự phát hiện ra được sở thích, đam mê hay sở trường, sở đoản của mình, cái gì thật sự quan trọng đối với mình, hay cái gì làm trỗi dậy khát khao mãnh liệt nhất.

Chúng ta hoàn toàn không cung cấp được cho người trẻ bất cứ công cụ, phương pháp, bộ nhận diện hướng đi nào cho tương lai của họ. Nhưng ít nhất, qua cuộc đời của Heinrich Schliemann, nền giáo dục, cha mẹ, và các em cũng nhìn thấy được sự cần thiết của ngoại ngữ. Nếu không cung cấp được cho các con được bất cứ điều gì hơn, thì việc có một ngoại ngữ trước khi kết thúc cấp 2 là vô cùng quan trọng.

Cách đây gần một tháng, cầu thủ danh giá nhất của bóng đá Việt Nam đã trở về nước, sau một năm thi đấu ở câu lạc bộ hạng 2 của Pháp. Anh kết thúc hợp đồng trước thời hạn 1 năm.

Sự trở về của Quang Hải - 1

Hình ảnh Quang Hải khi thi đấu cho CLB Pau FC, Cộng hòa Pháp (Ảnh: Pau FC).

Qua việc này, chúng ta cần xác định với nhau rằng, tầm vóc của cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt chưa đủ để có một chỗ ngồi chính thức trên ghế dự bị của câu lạc bộ hạng 2 nước Pháp, để thấy chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới.

Ngoài ra, nếu Quang Hải mà có ngoại ngữ tốt, thì sự hòa nhập sẽ nhanh hơn, tiếp thu huấn luyện, ý đồ của huấn luyện viên tốt hơn, và chưa chắc đã phải chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Quay sang câu chuyện Việt Nam là cường quốc toán, liệu có đúng thế hay không?

Từ kết quả các cuộc thi toán quốc tế IMO (do Ủy ban Olympic toán quốc tế tổ chức), nếu tính thứ hạng trung bình từ năm 2011 đến năm 2020, Singapore ở hạng 7, Thái Lan hạng 9 còn Việt Nam hạng 12.

Trong 10 năm đó, Việt Nam có 5 lần lọt vào top 10, 5 lần không đạt, và 2 lần rơi khỏi top 20.

Theo dữ liệu thống kê dân số 2023, dân số Singapore chỉ bằng 5,9% so với dân số Việt Nam, nhưng thành tích thứ hạng của họ theo thống kê 10 năm kể trên hơn Việt Nam 5 bậc. Tương tự, dân số Thái Lan tương đương Việt Nam mà thứ hạng của họ cao hơn 3 bậc.

Thái Lan đặc biệt có thí sinh Nipun Pitimanaaree, đoạt tổng cộng 5 huy chương, 01 HCB năm 2009, và 4HCV liên tục từ 2010 đến 2013. Có Pasin Manurangsi đoạt HCB 2007 lúc 13 tuổi 359 ngày, Pipitchaya Sridam đoạt HCV năm 2021 khi mới 14 tuổi 136 ngày, và Pasin Manurangsi đoạt HCV 2008 khi mới 14 tuổi 351 ngày. Singapore có Lim Jeck với 5HC các loại: HCĐ 2009, HCB 2010 và 3 HCV liên tục qua các năm 2011 đến 2013, có Sheldon Kieren Tan với 3 HCV liên tục từ 2014 đến 2016.

Tất cả các thành tích vượt trội đó, chúng ta chưa có. Nhiều nhất chúng ta chỉ có 2 HCV.

Sự trở về của Quang Hải - 2

Đội tuyển Việt Nam tại cuộc thi toán quốc tế IMO 2023 (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Thành công về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam cũng không cạnh tranh được với người Thái và người Sing. Chưa nói, cả hai quốc gia đó đều gần như miễn phí giáo dục cho toàn bộ các cấp học phổ thông.

Nhưng có cái lạ, là người Thái và người Singapore lại không có kiểu ăn mừng vào trường chuyên lớp chọn như ở ta. Họ nhìn ra thế giới, và khiêm tốn. Ta nhìn vào ao làng, và nức nở. Kahlil Gibran (1883-1931, nhà thơ nổi tiếng người Li-Băng) được biết đến ở Việt Nam với câu "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương", có nói đại ý là đứng trong nắng và quay lưng về phía mặt trời, rất điển hình cho cách hành xử hiện thời của chúng ta. Nhất định cứ phải thấy cái bóng mình vĩ đại, chứ không bao giờ nhìn nhận mặt trời chói chang tạo ra nắng.

Trở lại với giáo dục, năm nay Hà Nội có gần 110.000 học sinh dự thi vào lớp 10, trong đó đỗ vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 66,5%). Như vậy, sẽ có khoảng 38.000 sĩ tử trượt.

Có ai làm con số thống kê để thấy trong số 38.000 học sinh đó, có bao nhiêu em có đủ điều kiện theo học các loại hình ngoài công lập? Trong số trường có học sinh thủ khoa, có bao nhiêu em trượt công lập, và số trượt đó nhiều hơn, hay ít hơn so với số thủ khoa, nhiều hơn bao nhiêu? Nhà trường, thầy cô, hội phụ huynh, có ai quan tâm đến các học sinh bị trượt không, và quan tâm bằng cách nào, có biện pháp nào giải quyết?

Sự trở về của Quang Hải - 3

Năm 2023, Hà Nội tuyển sinh gần 72.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập trong tổng số hơn 110.000 thí sinh dự thi (Ảnh: Mạnh Quân).

So với các nước lân cận, thành tích chúng ta không bằng họ. Tính nhân văn, xét đến yếu tố vì tương lai con em thông qua học phí, cũng không bằng họ. Việc hướng nghiệp cho con em chúng ta lại càng không bằng họ. Nền sản xuất và dịch vụ của chúng ta, nơi tạo điều kiện tìm kiếm công việc cho con em mình, cũng không bằng họ.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người Thái Lan gấp đôi, và Singapore gấp 20 lần Việt Nam, mà giáo dục dành cho con trẻ còn được miễn phí. Còn phụ huynh Việt, với thu nhập bình quân chỉ bằng 1/2 và 1/20 của họ lại phải vất vả gồng gánh cuộc sống và chi trả học tập cho con cái.

Khi chưa có số liệu thống kê chính thức, nếu giả định rằng, 80% của 38.000 học sinh trượt công lập kia sẽ vào học các trường ngoài công lập thì 20%, tức hơn 7 ngàn trẻ em tuổi 14, 15, sẽ đi học nghề hoặc lêu lổng.

Khi định hướng tương lai nghề nghiệp cho hơn 7 ngàn trẻ em không rõ ràng, ngoại ngữ không có, sẽ là hệ lụy không nhỏ cho tương lai các em nói chung, và sự phức tạp trong vấn đề kiểm soát trật tự xã hội nói riêng, bởi có quá nhiều trẻ vị thành niên vô nghề nghiệp và thiếu định hướng cho tương lai.

Cộng gộp con số của 10 năm như hành trình tham gia IMO, riêng Hà Nội đã có gần 70.000 người thuộc diện này. Sẽ giải quyết thế nào cho công tác hướng nghiệp, đó mới là điều quan trọng nhất.

Khi giải quyết chưa thông, đến mức Ban bí thư phải ra Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để định hướng và chấn chỉnh.

Vậy chúng ta khoe thủ khoa để làm gì?

Quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, trước thực trạng đó, Ban bí thư TW đảng ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023, nêu rõ về thực trạng giáo dục dạy nghề và hướng nghiệp hiện nay, yêu cầu cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn, tránh hình thức, duy ý chí.

Ban Bí thư chỉ đạo quán triệt đến từng chi bộ nhận định, quy mô giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn nhỏ; cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến.

Chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng. Năng lực quản lý nhà nước, nhất là ở địa phương còn hạn chế.

Gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động; công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời.

Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ.

Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của xã hội, người dân về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, tâm lý chạy theo bằng cấp cao vẫn còn phổ biến.

Công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông chưa hiệu quả, có mặt còn yếu kém. Chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ khu vực, quốc tế; chính sách, pháp luật chưa tạo đột phá để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với hoạt động doanh nghiệp; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Kỹ sư Lê Dũng