Sở GD-ĐT TPHCM nên xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình

(Dân trí) - Hình thức kỷ luật với thầy Bình như thế là quá nặng, vô lý; Hội đồng kỷ luật nên xem lại kết luận của mình; Cục nhà giáo sẽ “vào cuộc” nếu có đơn khiếu nại của thầy Bình...

Đó là ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về Hội đồng kỷ luật của trường THPT Lê Quý Đôn bỏ phiếu với kỷ luật buộc thôi việc sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ của thầy giáo Võ Hải Bình đã phạt học sinh Lê Anh Tuấn thụt dầu trong lớp khiến học sinh này phải nhập viện vì hội chứng ly giải cơ (nhức cơ, tiểu máu đỏ).

Sở GD-ĐT TPHCM nên xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình - 1
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Hình thức kỷ luật với thầy Bình như thế là vô lý!

Tôi đã theo dõi rất kỹ sự việc này. Tôi thấy hình thức kỷ luật với thầy Bình như thế là quá nặng. Thực tế, trong lớp học không phải tất cả học sinh đều ngoan mà có rất nhiều học sinh hư, ngang bướng, rất khó giáo dục xem thường thầy giáo. Ngay trong trường chúng tôi, có em học sinh quá hư, nhiều phụ huynh bảo đuổi học nhưng chúng tôi không làm như thế, các em cần phải giáo dục, đuổi học là bước đường cùng.

Mặc dù, hình thức phạt học sinh của thầy Bình tuy hơi quá tay nhưng có lẽ do thầy không kìm chế được cảm xúc với học trò ngang bướng của mình.

Bên cạnh đó, tôi nhận thấy qua sự việc này thầy hiệu trưởng của trường THPT Lê Quý Đôn nhận xét về giáo viên của mình là dạy không tốt, lớp học có nhiều học sinh yếu kém... là không được vì đó phải là trách nhiệm của thầy hiệu trưởng xem việc đó có đúng thực chất không.

Qua theo dõi báo chí, tôi cũng rất tán thành với nhiều học sinh và đồng nghiệp không đồng tình về hình thức phạt thầy Bình. Tôi mong rằng Sở GD-ĐT TPHCM nên xem xét lại hình thức kỷ luật với thầy Bình, nếu để như vậy thì hết sức vô lý.

Tôi có đứa cháu mới sang Mỹ học lớp 12 ở một trường tư, sau 4 tháng nhập học, gia đình nhận được giấy báo của nhà trường, cháu bị phạt 4 giờ rửa bát trong căng tin của trường với lý do đi học muộn 1 phút 12 giây. Sau đó, 1 tháng thì cháu bị phạt 2 giờ rửa bát vì đi dép lê vào phòng ăn. Tôi hoàn toàn đồng tình với hình thức phạt của trường và rất yên tâm khi gửi cháu vào học.

Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục:

Sở GD-ĐT TPHCM nên xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình - 2
 Cục Nhà giáo sẽ “vào cuộc” nếu có đơn khiếu nại của thầy Bình

Tôi cũng chỉ theo dõi vụ việc thầy giáo Võ Hải Bình, trường THPT Lê Quý Đôn qua báo chí. Thực sự, tôi thấy rất đáng tiếc và không vui khi một nhà giáo bị buộc thôi việc. Cũng là nhà giáo, cá nhân tôi muốn chia sẻ với thầy Bình, hãy coi đây là một tai nạn nghề nghiệp.

Nhưng, để kỷ luật, buộc thôi việc một người cán bộ, đặc biệt là nhà giáo là vấn đề không đơn giản, phải thận trọng, khách quan, đúng người, đúng tội. Khi đưa ra kết luận này, tôi nghĩ Hội đồng kỷ luật đã phải xem xét, phân tích rất kỹ các tình tiết rồi chứ không thể đưa ra kết luận vội vàng, hồ đồ.

Để nhận xét là mức độ kỷ luật này có quá nặng với thầy Bình hay không thì tôi không thể khẳng định được vì Cục không có hồ sơ vụ việc. Hơn nữa, Cục nhà giáo đã phân cấp quản lý nên việc xem xét giải quyết và quyết định là ở Sở GD-ĐT TPHCM, Cục Nhà giáo chỉ tham gia khi thầy giáo Bình có đơn khiếu nại lên Cục.

Sở GD-ĐT TPHCM nên xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình - 3
Ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng giáo dục THPT Sở GD-ĐT Hà Nội: Đưa ra hình thức răn đe là đủ!

Là đồng nghiệp, tôi chia buồn cùng thầy giáo Vũ Hải Bình. Theo tôi, buộc thôi việc một nhà giáo thì Hội đồng kỷ luật cần có trách nhiệm, cân nhắc dựa trên 2 yếu tố: Thứ nhất, dựa vào quy định của ngành, nghĩa vụ nhà giáo và quy định của pháp luật; Thứ hai, dựa vào bản chất của sự việc có phản ánh đúng sự xuống cấp của đạo đức nhà giáo hay không và thầy giáo đó có đủ tư cách để đứng lớp.

Tôi thấy hình thức kỷ luật với thầy Bình hơi nặng. Thầy giáo cũng là con người cụ thể, có nhiều cảm xúc nên nhiều khi với học trò hư thì không kìm chế được hành động nên để lại ấn tượng không tốt cho học trò. Nhưng ngược lại, nhiều học trò cũng quá nghịch, gây ức chế cho các thầy.

Khi thầy giáo mắc khuyết điểm nào đó, bị học sinh, phụ huynh và xã hội phản ánh thì danh dự họ bị tổn thương, đau đớn và ân hận.

Do vậy, Hội đồng kỷ luật nhà trường chỉ cần đưa ra hình thức răn đe và chỉ ra khuyết điểm để thầy giáo đó khắc phục chứ không nên cho nghỉ việc.

 
Hồng Hạnh
(thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm