Tôi mong được là giáo viên đúng nghĩa

Đọc xong bài viết "Học sinh mất trật tự và thái độ của thầy cô" của em Nguyễn Thị Hồng Phước, tôi là một giảng viên Đại học cũng muốn bầy tỏ đôi điều tâm sự của người thầy.

Là giảng viên của một trường Đại học lớn trong nước, tôi có  kinh nghiệm trong công tác đào tạo cũng như biết khá nhiều chuyện trong lĩnh vực giáo dục của nước nhà, nhất là chế độ, chính sách và cách cư xử đối với giáo viên còn nhiều điều đáng nói.
 
Trong trường của tôi đang giảng dạy, hầu như giáo viên chỉ được đề cao vai trò và “quan tâm” vào một ngày duy nhất trong năm, đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó cũng là lý do tôi thông cảm và hiểu thầy Võ Hải Bình hơn. Không ít cán bộ lãnh đạo ở các trường chưa có ý thức coi trọng và bảo vệ danh dự cho giáo viên. Có chuyện gì xảy ra đối với học sinh, sinh viên, nhất là những sự việc mà dư luận có thể lên tiếng, thì tốt nhất là đổ hết trách nhiệm lên đầu giáo viên. Không cần tìm hiểu ngọn nguồn sự việc một cách khách quan, mà chỉ xử lý nặng giáo viên để chứng tỏ rằng lãnh đạo nhà trường nghiêm minh và luôn đứng về phía học sinh, sinh viên, “nhân vật trung tâm” của giáo dục mà! Họ không biết rằng kỷ luật oan một Người Thầy thì làm thui chột nhiệt tình của biết bao thầy giáo khác và hậu quả lại do chính người học phải gánh chịu, hay nói rộng hơn là chính tương lai của đất nước phải chịu hệ lụy về lớp người “dở ông dở thằng’ không được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
 
Một trường Đại học lớn như trường tôi cũng nằm trong tình hình chung như vậy. Câu nói cửa miệng có tính khôi hài nhưng đã phản ảnh phần nào sự thật ở trường tôi: “mọi tội lỗi cứ đổ cho giáo viên, thế là xong”.
 
Vậy thì tội lỗi gì ở đây?
 
Chẳng hạn như việc phân công giảng dạy: người nắm quyền hành này không cần xem xét tình hình thực tế cũng như nguyện vọng giáo viên, cứ việc phân công theo ý chủ quan của mình, giáo viên không làm được là lỗi ở giáo viên. Nếu có trùng giờ, lỗi cũng tại giáo viên.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tình hình cũng diễn ra tương tự trong việc quản lý lớp (mà đây là bậc Đại học, chứ không phải bậc học phổ thông): sinh viên không đến lớp vì lý do nào đó, cũng lỗi tại giáo viên không theo sát diễn biến tư tưởng để khuyên can kịp thời.
 
Về thái độ, kết quả  học tập của sinh viên cũng quy vào trách nhiệm của giáo viên: nếu sinh viên không làm bài tập, không nghe giảng, kết quả kiểm tra thấp, nguyên nhân chủ yếu là do giáo viên !? v.v..
 
Kể ra thì nhiều lắm, quả thực là tôi không muốn nhắc đến những chuyện “biết rồi, khổ lắm…”. Trường THPT Lê Quý Đôn ư, trường không dám đứng lên bảo vệ lẽ phải cho Thầy Bình, sợ “mất quan điểm’ đối với học  sinh mà dư luận lại lên tiếng thì nguy to, cho nên “cách xử lý tốt nhất” của lãnh đạo trường này là kết tội nặng giáo viên và thi hành mức kỷ luật cao nhất là buộc Thầy Bình thôi việc!
 
Đối với bản thân, tôi nghĩ mình là người giáo viên “có tâm” trong công tác giảng dạy. Nhưng với cách quản lý như hiện nay, tôi đành “tùy cơ ứng biến” vậy. Lớp nào các sinh viên học nghiêm túc, tôi giảng dạy với ý thức trách nhiệm và lương tâm của mình. Lớp nào các sinh viên không học, tôi chỉ “dạy chữ” theo nội dung môn học được phân công, còn tham gia “dạy người” đối với người không muốn dạy thì thật khó. Tại sao ư, sẽ có những đồng nghiệp phản đối tôi. Nhưng ngẫm cho cùng, giáo viên hiện nay làm gì có “quyền” gì đâu. Sinh viên hiện nay còn có “quyền” hơn người dạy mình, họ được bỏ phiếu đánh giá người dạy mình cơ mà. Cơ quan quản lý dựa trên mấy “phiếu” đó  mà đánh giá giáo viên thì khỏi phấn đấu làm gì, càng nghiêm khắc và càng có trách nhiệm, muốn dạy dỗ và uốn nắn những sai sót, lệch lạc của sinh viên thì họ càng ghét, tốt nhất là nương nhẹ, bỏ qua mọi chuyện. Hậu quả chính là các em sinh viên phải gánh chịu, nhưng nhiều em chỉ cần có đủ điểm trước mắt mà không cần quan tâm đến chuyện trau dồi nhân cách và tích lũy nền tảng kiến thức cần thiết cho cả cuộc đời.
 
Từng có thời gian học tập ở nước ngoài, tôi chưa thấy đâu có cách quản lý như Việt Nam hiện nay. Ở nước bạn, giáo viên được bảo đảm đời sống và có điều kiện làm việc tốt để phát huy hết năng lực của mình, không bị ràng buộc bới những quy định vô lý, càng không bị đổ lỗi một cách vu vơ ! Còn sinh viên ra trường của họ thì sao, họ có đủ kiến thức, tay nghề và lòng tự tin để bước vào đời lập thân và lập nghiệp.
 
Ngẫm lại, mấy hôm trước, ông Calisto (huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam) hạnh phúc thật. Học trò Công Minh của ông ấy không “làm bài”, ông ấy cho chạy mười mấy vòng sân vận động. Nếu hôm đó, Công Minh kêu ốm vì thầy bắt chạy nhiều thì sao nhỉ? Bộ giáo dục có quyền kỷ luật “giáo viên Calisto” đó không ? Còn kết quả của việc làm của ông Calisto ư? “Mỹ mãn” là hai từ để mô tả. Việt Nam đã thắng Malaysia 3-1. Tôi kể câu chuyện trên vì nhiều người biết về sự kiện này.
 
Cách giải quyết "vấn đề trong giáo dục “hiện nay ở Việt Nam trước hết là làm thế nào để người đứng trên giảng đường được là “giáo viên đúng nghĩa”, chắc chỉ có Bộ giáo dục may ra mới có câu trả lời, còn trường THPT Lê Quý Đôn thì chịu rồi.
 
Rất mong có nhiều ý kiến đóng góp  về “vấn đề người thầy” cần được quan tâm như thế nào trong nền giáo dục của chúng ta, vì tôi nghĩ đây chính là khâu cần đột phá trước hết nếu như những người lãnh đạo thật lòng muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà..
 
                                                            Trần Hiệp
 
hiep5102003@gmail.com

 

LTS Dân trí - Tình hình mất nền nếp, kỷ cương trong lớp học đã trở thành phổ biến và ở mức độ đáng quan ngại ở nhiều bậc học. Nếu không lập lại được trật tự, kỷ cương trong giờ học, để mặc cho học sinh mất trật tự trong lúc thầy giảng bài hay công khai chép bài của nhau trong giờ kiểm tra, thì làm sao bảo đảm được chất lượng học tập.

 

Nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng nói trên là do chưa xác định đúng vai trò và quyền hạn Người Thầy trong lớp học cũng như quy định rõ bổn phận phải thực hiện trong giờ học của học sinh và nếu không làm tròn những bổn phận đó thì người học (học sinh hay sinh viên) phải chịu những hình thức kỷ luật tương xứng với lỗi nặng hay nhẹ.

 

Năm nay là năm đổi mới quản lý của ngành giáo dục. Thiết nghĩ một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc đổi mới quản lý chính là lập lại nền nếp, kỷ cương của môi trường sư phạm, trong đó Người Thầy phải có vị trí tương xứng với trách nhiệm nặng nề và cao quý của mình.