Sinh viên xem “đạo văn” là… chuyện thường
(Dân trí) - Học sinh, sinh viên xem việc lên mạng “cóp” lại thông tin thành của mình là việc tràn lan, phổ biến và các bạn xem đó là điều bình thường. Đó chỉ mới là một trong những hệ lụy làm bào mòn tư duy khi lạm dụng công nghệ.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Võ Thị Tường Vy, ĐH Sư phạm TPHCM tại chuyên đề “Những tác động của công nghệ số đối với đời sống gia đình và việc giáo dục đạo đức lối sống cho con trẻ” do Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 13/9.
Mỗi khi ra chuyên đề, bài tập cho sinh viên, TS. Tường Vy nói rằng bà luôn phải kèm theo lời dặn dò: “Em nào mà lấy chủ đề, nội dung trên Iinternet đem vào bài xem như rớt môn cô”. Nếu giảng viên không “cảnh cáo” trước, thì hầu hết sinh viên chỉ cần một lệnh duy nhất để giải quyết việc học của mình cóp và dán, em nào giỏi tiếng Anh thì “trình” cao hơn một bậc là dịch ra tiếng Việt thành bài của mình.
Không chỉ các anh chị sinh viên mà còn phổ biến ở bậc học phổ thông. Hàng chục em có bài Văn giống nhau, bài làm các môn cũng y chang nhau không phải là chuyện hiếm. Một hiện tượng dễ thấy là nhiều em làm bài xong, tung lên Facebook để các bạn chép lại. Môn này bạn này làm, môn kia có bạn khác giải, nhiều học sinh chỉ cần thao tác chép, chỉ việc lấy của người khác, bản thân không cần tư duy nữa.
Đạo văn trở thành một hiện tượng tràn lan trong học sinh, sinh viên, các bạn xem điều này là rất bình thường. Việc học với nhiều em đơn giản chỉ là trò chơi của việc cắt - dán mà theo bà Vy, đó là sản phẩm của lối mòn tư duy trừu tượng, bào mòn về nhân cách, không còn sự sáng tạo.
Công nghệ kỹ thuật số tác động ngày càng lớn đến đời sống của mỗi người, đặc biệt là với các bạn trẻ, có điều kiện tiếp xúc từ sớm. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của công nghệ nhưng hiện nay “mặt trái” dường như lại được học sinh, sinh viên “tận dụng” nhiều hơn.
Đối với trẻ, Tiến sĩ Tường Vy cảnh báo, công nghệ thông tin tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, lạm dụng công nghệ thông tin thì cảm xúc, trí tuệ của đứa trẻ bị thấp đi. Khi phụ thuộc vào các công nghệ, tư duy của các em bị chậm lại kéo theo nhiều hệ lụy về nhân cách, cảm xúc, sức khỏe. Chúng có sức tàn phá khủng khủng khiếp, xâm nhập nguy hiểm nhưng theo cách vô hình, âm ỉ không nhìn thấy ngay được. Nó tước đi nhiều thứ của các em, nhiều em nghiện game, internet khi bước ra thế giới thực thì không khác nào “xác chết di động’.
Tuy vậy, việc cấm trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin là chuyện không thể và cũng không nên. Theo tiến sĩ Tường Vy, bố mẹ cần thiết lập “khung” sử dụng công nghệ cho con bằng thỏa thuận về thời lượng, tần số và nội dung.
Và đặc biệt, các em cần được cung cấp về mặt nhận thức những tác động tiêu cực, tích cực từ công nghệ thông tin để trang bị nội lực cho bản thân. Bố mẹ hãy khuyến khích con sử dụng công nghệ để tiếp cận những thông tin hữu lành mạnh cho việc học tập, giải trí, giao lưu.