Sinh viên Việt kiếm việc ở Amsterdam

Sinh viên Việt Nam ở Hà Lan thường kiếm việc làm thêm ở các cửa hàng người Việt với tâm lý cùng đồng bào với nhau sống ở nước ngoài, chắc sẽ được đối xử tử tế.

Nhưng nếu bạn không tự trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật và bản lĩnh đối phó các tình huống cuộc sống thì dù có làm cho chủ ta hay Tây đều có thể bị lừa.  

Ở Hà Lan, thu nhập giữa người lao động chân tay và lao động trí óc không quá chênh lệch. Ví dụ: Lao công quét dọn ở phòng thí nghiệm thu nhập khoảng 2.000 Euro/tháng (khoảng 54,7 triệu đồng). Trong khi lương thử việc của cử nhân tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật điện tử ở Hà Lan là 2.400 Euro/tháng (khoảng 65,6 triệu đồng). Tuy nhiên, kiếm việc làm thêm ở Hà Lan đối với sinh viên (SV) Việt Nam không đơn giản. Công việc lương khá, sạch sẽ một chút như phục vụ bàn, bán hàng... đòi hỏi nhân viên phải nói tiếng Hà Lan, trừ khi bán hàng ở khu trung tâm, nơi đông khách du lịch qua lại thì nhân viên chỉ cần biết tiếng Anh. Sinh viên Việt thường không biết tiếng Hà Lan (hoặc biết rất ít) nên rất khó xin việc.

Gõ cửa xin việc từng nhà hàng

Có hai cách kiếm việc làm thêm ở Hà Lan. SV có thể nộp hồ sơ ở các trung tâm môi giới việc làm. Chi phí tư vấn miễn phí, bù lại người lao động không nhận lương trực tiếp từ chủ mà nhận lương qua trung tâm. Bằng cách này trung tâm kiếm tiền hoa hồng trên lương của người lao động.

Cách thứ hai là tự đi tìm việc. Những ngày đầu mới tới Amsterdam, tôi chẳng có chút kinh nghiệm.

Cứ đến cuối tuần, tôi đi cùng hai người bạn Romania để tìm hiểu cách SV Châu Âu kiếm việc làm thêm ra sao. Chúng tôi cầm đơn xin việc lang thang khắp các con phố trung tâm. Rares và Christina gõ cửa từng nhà hàng, xin gặp ông chủ rồi để lại đơn xin việc với lời nhắn “Bất kỳ khi nào cửa hàng của ông tuyển nhân viên, xin hãy gọi cho tôi”. Tôi chẳng đếm nổi bao nhiêu tờ giấy xin việc họ đã gửi và bao nhiêu lần bị các ông chủ lắc đầu từ chối. Cứ kiên trì như vậy, hai tuần sau Rares có việc làm thêm ở chợ hoa Tulip còn Christina được nhận vào làm ở nhà hàng với mức lương 7 Euro/tiếng.

Một sinh viên Việt đang học cách pha chế Cocktail cho nhà hàng ở Amsterdam.
Một sinh viên Việt đang học cách pha chế Cocktail cho nhà hàng ở Amsterdam.


Làm “chui”

Ở Hà Lan, SV muốn đi làm thêm cần có giấy phép lao độngvà bị giới hạn giờ làm tối đa 10 tiếng/tuần. Thực tế, nhiều ôngchủ và người làm thuê móc ngoặc để “làm chui” (tức là làm không có giấy phép hoặc ghi trên hợp đồng 10 tiếng/tuần nhưng thực tế làm nhiều hơn). Christina cho biết: “Các ông chủ thường có nguồn tin riêng, họ được báo động mỗi khi cảnh sát mở chiến dịch kiểm tra. Yên tâm đi, một khi ông chủ đồng ý thuê lao động bất hợp pháp tức là họ thừa biết cách đối phó”.

Đa phần SV Việt xin làm “chui” việc chân tay, không yêu cầu trình độ cao như bồi bàn, quét dọn, rửa bát...Xin giấy phép lao động ở dạng này rất khó và mất nhiều thời gian. Chính vì làm thêm không có giấy phép nên thường tiền công rất thấp, thậm chí không ít người bị chủ quỵt tiền, chèn ép. Thông thường đối với những lao động “chui”, ông chủ sẽ trả tiền vào cuối ngày. Nhiều SV Việt lơ ngơ, bị chủ lừa bắt làm cả tháng vất vả nhưng đến cuối tháng bị xù lương mà không dám báo cảnh sát, vì nếu báo, cả chủ lẫn người làm thuê đều bị phạt tiền.
 
Một nhóm sinh viên Việt Nam ở Amsterdam bên mâm cỗ đón Tết.
Một nhóm sinh viên Việt Nam ở Amsterdam bên mâm cỗ đón Tết.

Bị chủ quỵt tiền như cơm bữa

Các ông bà chủ nắm rất rõ tâm lý SV du học, đa số đều mong có việc làm thêm để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Không phải chủ người Việt nào cũng xấu nhưng không ít người lợi dụng tâm lý đó để tìm cách bớt xén tiền công hoặc lừa đảo, quỵt tiền. Chủ Việt thường thích thuê SV Việt hơn là SV Tây. Đơn giản vì SV Việt dễ bảo, trả công thấp, ít khi dám cãi lại ông bà chủ.

Tôi được bạn bè giới thiệu quán ăn Thái (chủ là người Việt) ở trung tâm Amsterdam đang cần tuyển gấp nhân viên giao đồ ăn và bồi bàn. Ông bà chủ hẹn tôi đến nhà riêng để “phỏng vấn xin việc”. Sau một hồi tra hỏi lý lịch cá nhân của tôi, bà chủ liến thoắng: “Lương 6 Euro/tiếng. Em làm cho anh chị thì không phải lo. Anh chị đều là dân có học, làm ăn đàng hoàng. Em mà gặp chủ không tốt, họ quỵt tiền lương. Anh học Đại học X... ở Hà Lan, còn chị làm Thạc sĩ trường Z... đấy. Chị thừa biết bố mẹ cho em ăn học bên Hà Lan đắt đỏ, đi làm thêm tiền kiếm chẳng được là bao so với số tiền đó. Khi nào nhà hàng vắng khách, cứ lôi sách vở ra, học mới là quan trọng nhất. Mà em khéo ăn khéo nói thế nào để được khách tip cho. Được bao nhiêu em giữ cả”.

Tôi kể chuyện của mình cho Christina. Cô bạn kêu toáng lên: “Điên à? Đi làm với giá 6 Euro/tiếng thì ngang bằng làm nô lệ cho mấy người đó. Ở Hà Lan, luật pháp quy định lương tối thiểu là 7 đến 8 Euro/tiếng. Trả lương thấp hơn thế là bóc lột sức lao động”. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định không nhận việc.

Vài tháng sau, Trà My, cô bạn từng giới thiệu việc cho tôi, nhận việc ở chính quán Thái đó với lương 4 Euro/tiếng (khoảng 109 ngàn đồng) và tiền tip bị chủ lấy một nửa. Điều này trái ngược hoàn toàn với những hứa hẹn của ông bà chủ khi chúng tôi đến xin việc. Có một quy định bất thành văn khi làm bồi bàn ở Châu Âu, tiền tip của nhân viên trong quán thường được góp chung, đến cuối tháng, số tiền chia đều cho mọi người, nhưng tại một số quán ăn của người Việt, nhân viên bị bắt chia đôi tiền tip với ông chủ một cách vô lý.

Vũ Thùy Linh (19 tuổi) kể: “Ông chủ toàn tính thiếu giờ làm của mình. Ví dụ một tuần mình làm 10 tiếng nhưng chỉ ghi sổ lương 7 tiếng. Hồi đầu mình ngại không dám hỏi, nhưng càng về sau càng tính thiếu nhiều. Mình thắc mắc thì ông chủ giải thích là do nhầm lẫn nhưng sau đó vẫn không trả lại số tiền tính thiếu”.

Các ông bà chủ thường tìm mọi cách bớt xén tiền công hết mức có thể. Nếu không cố tình tính thiếu giờ làm thì lại trừ lương với lý do truy thu tiền ăn. Linh kể lại “Mặc dù trừ tiền ăn hàng tuần của mình nhưng ông chủ toàn bắt ăn mấy đồ linh tinh còn thừa trong quán. Hôm thì bữa tối của mình là bát mì tôm, hôm thì rang ít cơm nguội còn thừa...”.

* * *

Có nhiều lý do trả lời cho câu hỏi vì sao SV Việt vẫn làm thuê cho chủ Việt dù biết mình bị chèn ép, bóc lột. Thứ nhất vì SV Việt thường thụ động, ít kiên nhẫn chịu khó đi gõ cửa từng nhà hàng để xin việc như SV Tây; Vì không thành thạo tiếng Hà Lan; Tiếp đến là xin giấy phép lao động rất khó khăn.  Hơn nữa, SV Việt thiếu kiến thức về pháp luật nên bị thua thiệt.

Theo Nguyễn Lan Hương
Báo Lao Động