Sinh viên “than” khó phát triển dự án sau những cuộc thi khởi nghiệp
(Dân trí) - Trong buổi gặp gỡ đối thoại với Chủ tịch UBND TPHCM, nhiều sinh viên tiêu biểu ở TP.HCM bày tỏ mong muốn được cải thiện điều kiện học tập, tăng thời lượng thực hành… và đồng thời phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, về các vấn đề xã hội nóng hổi khác.
Sinh viên đề xuất tăng thực tập
Sinh viên Phan Công Đức, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: “Hiện nay có nhiều cuộc thi về khởi nghiệp, ứng dụng sáng tạo. Nhiều sinh viên đạt giải rất cao nhưng chỉ dừng lại ở cuộc thi. Sau kết thúc cuộc thi, các bạn chưa thể phát triển lên dự án của mình. Theo tìm hiểu, chỉ 10% dự án khởi nghiệp của sinh viên thành công….”.
Sinh viên này chia sẻ, mong thành phố hỗ trợ thêm các dự án khởi nghiệp và sáng tạo của sinh viên sau các cuộc thi hoặc có đầu mối hỗ trợ về tính pháp lý, thủ tục để các dự án này đi xa hơn, có thể thực hiện và ứng dụng lâu dài, hoặc tiếp cận được doanh nghiệp.
Trong khi đó, Huỳnh Tấn Khương, Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: “Vấn đề thực hành và thực tập tại doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề. Sinh viên phải học hết năm thứ 3, đến năm 4 mới thực tập tại doanh nghiệp thì rất trễ. Chúng em cần được khắc phục điều này. Ngoài ra, bạn cũng mong muốn TP có một cơ sở dữ liệu dành chung, có thể miễn phí cho sinh viên. “Như chúng em học công nghệ thông tin, mỗi lần cần làm một web hay phần mềm lớn mạnh thì không có nguồn cơ sở dữ liệu đáng tin cậy hoặc đủ lớn để làm vì sinh viên không có nhiều tiền để mua dữ liệu”, Khương cho biết.
Sinh viên Nguyễn Vũ Lâm Tuyền - trường ĐH Khoa học tự nhiên chia sẻ
Tương tự, sinh viên Nguyễn Vũ Lâm Tuyền của trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng lên tiếng rằng: “Sinh viên rất khó tiếp cận các công trình khoa học hàng đầu, cũng như những tài liệu, sách chuẩn quốc tế. Ở trường thường tiếp cận những tài liệu này qua slide của giảng viên. Như em đang học ngành Công nghệ sinh học, ngành của chúng em rất cần cuốn giáo trình Campbell để nghiên cứu nhưng một cuốn như vậy có giá từ 1,5-2 triệu nên không có điều kiện. Em mong muốn các thư viện trên TP có những tài liệu như vậy để hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu”.
Không chỉ quan tâm chuyện học, các sinh viên tiêu biểu của thành phố còn quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống xung quanh. Bạn Trần Công Hận, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu ý kiến: “Quá tải giao thông đang là vấn để lớn của thành phố, một phần vì sự bố trí cơ sở giao thông không hợp lý. Sau khi đưa ra nhiều dẫn chứng mà mình chứng kiến được trên đường đi học, sinh viên này cũng đề xuất thành phố nên có kênh để sinh viên, thanh niên góp tiếng nói của mình với các cô chú lãnh đạo”.
Sinh viên này còn cho rằng các chương trình văn hoá nghệ thuật cho người trẻ còn thiếu. Sinh viên chúng em rất cần nhưng vẫn còn thiếu. Hoạt động của các ca sĩ hiện nay có thu phí và đôi khi không phù hợp, thiếu định hướng về lối sống. Còn một số chương trình văn nghệ không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người trẻ. Cần các chương trình mang tính định hướng lối sống lành mạnh, đáp ứng được yêu cầu của người trẻ.
Lãnh đạo TPHCM “đặt hàng” sinh viên cùng chung tay xây dựng đô thị thông minh
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận những ý kiến xác đáng, góp phần cho thành phố càng phát triển. Ông đề nghị Thành Đoàn, Hội SV nên bố trí thêm buổi để lắng nghe ý kiến của HS-SV dịp 9/1 để làm sao, cùng hiến kế cho lãnh đạo TP giải quyết các vấn đề đặt ra, đặc biệt xung quanh vấn đề hạ tầng, đô thị TP hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận những ý kiến của sinh viên
Theo ông Phong, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, còn là trung tâm khoa học công nghệ về đào tạo, giáo dục của quốc gia. Số người thường xuyên sinh sống làm việc tại TPHCM này lên tới 13 triệu người. “Chúng ta đóng góp 24-25% giá trị GDP của quốc gia. Hằng năm đóng khoảng 28-30% tổng thu ngân sách quốc gia. Các dự án FDI chiếm 40% tổng số dự án FDI của các nước… Từ một vài con số để thấy được vị thế của TP.HCM trong nền kinh tế Việt Nam, điều đó thấy được trách nhiệm của chúng ta đối với cả nước như thế nào. Cho nên chúng tôi tất trân trọng ý kiến để hiến kế cho thành phố ngày càng phát triển”.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Mục tiêu sắp tới của TP.HCM là hướng tới xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Muốn làm được điều đó, yếu tố về nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu. Chúng ta đang chịu tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, sự chuẩn bị nhân lực cho cuộc cách mạng này như thế nào là vấn đề lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Trong đó, sự đóng góp của các bạn rất quan trọng bằng việc nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức, ứng dụng kiến thức trong thực tiễn. Về sau này đóng góp cho đất nước nói chung cho TPHCM nói riêng.
Dịp này, Chủ tịch UBND TP.HCM nhắn nhủ các sinh viên 3 vấn đề. Thứ nhất, thành phố quan tâm, sẽ cố gắng dành nguồn lực tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Các bạn phải chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, chủ động trang bị kĩ năng cần thiết: ngoại ngữ, nghề nghiệp, kỹ năng thực hành xã hội, tham gia hoạt động xã hội do tổ chức đoàn hội tổ chức. Làm sao có chuyên môn giỏi và là tấm gương sáng về đạo đức hết lòng vì cộng đồng. Ngoài rèn luyện về mặt chuyên môn, chính môi trường xã hội, môi trường tham gia do đoàn hội tổ chức, góp phần chúng ta tham gia chúng ta trưởng thành tốt.
Chủ tịch UBND TPHCM trò chuyện với các sinh viên tiêu biểu (ảnh: H.H)
Điều thứ hai, các bạn hãy cố gắng đưa suy nghĩ, ý tưởng của mình thành thực tiễn. Có thể chưa được đưa vào triển khai ngay tại. Nhưng hãy hiện thực hóa ý tưởng, thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo. Phải có khát vọng làm sao để thành phố tiếp tục sẽ phát triển tốt hơn. Ban thư kí Hội sinh viên, ban thường vụ Thành đoàn tiếp tục rà soát, đề xuất những cơ chế thông qua ý kiến của sinh viên, để tham mưu cơ chế tốt hơn cho các bạn.
Điều thứ ba ông Phong nhắn, thành phố do dân số phát triển nhanh, 5 năm là 1 triệu dân tăng lên thì những, vấn đề hạ tầng đô thị như một bài toán, thách thức trong con đường phát triển. Do đó, các sinh viên hãy thỏa sức suy nghĩ, nêu ý tưởng, sáng tạo, đưa ra các ý kiến đóng góp cho thành phố này để giải quyết vấn đề như giảm ách tắc giao thông, tình trạng ngập, quá tải của hạ tầng đô thị. Các bạn sinh viên hãy cùng lãnh đạo thành phố tìm ra những đáp số có hiệu quả để góp phần, giải quyết các điểm nghẽn của thành phố.
Lê Phương