Sinh viên ngành du lịch muốn nghỉ học, hướng dẫn viên bỏ nghề làm shipper
(Dân trí) - Thấy ngành du lịch lao đao suốt 2 năm qua, nhiều sinh viên lo lắng, có em nuôi ý định bỏ học.
Hướng dẫn viên bỏ nghề làm shipper mưu sinh
Ngày 28/9, phát biểu tại buổi tọa đàm quốc tế về cơ hội việc làm ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19 do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức, các đại biểu tham dự đều có chung quan điểm là ngành du lịch Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có.
Theo thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM, hiện lao động ngành này đa số không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Chí Công, Phó Giám đốc Điều hành và Hướng dẫn viên công ty Du lịch Bến Thành, bày tỏ mình không muốn nhắc nhiều đến tình trạng khó khăn của ngành du lịch vì hầu như ai cũng đã biết.
Ông Chí Công nêu vài con số ở TPHCM, như: 90% nhân sự ngành lữ hành phải nghỉ việc, cả trăm doanh nghiệp phải giải thể, còn lại cũng đóng cửa và chờ đợi, xoay xở khắp nơi tìm vốn để duy trì doanh nghiệp tồn tại.
Ông Công nói đã chứng kiến nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển sang các ngành khác như bất động sản, bảo hiểm, thậm chí là làm shipper để mưu sinh.
Nhiều sinh viên ngành du lịch có dịp gặp ông, họ đều hỏi: "Tụi em học xong có việc làm không? Tại sao phải tiếp tục học du lịch trong tình hình này?".
Thậm chí, nhiều bạn còn chia sẻ với ông Công về ý định nghỉ học.
Tuy nhiên, các diễn giả tại hội thảo đều tin tưởng tương lai không xa, ngành du lịch sẽ trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Huỳnh Chí Công cho rằng, khi toàn dân đã tiêm vắc xin và Covid-19 được xem như một loại bệnh thông thường như cảm cúm, thì ngành du lịch sẽ trở lại bình thường như xưa.
Hết dịch sẽ khủng hoảng nhân sự
Theo ông Trần Anh Tuấn, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch "đau đầu" với tình trạng thất nghiệp. Nhưng sau dịch, ngành sẽ phải đối mặt với bài toán khủng hoảng nhân sự.
"Trước đây, người "nhảy việc" hầu như vẫn hoạt động trong ngành, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Việc rời bỏ nghề du lịch để chuyển sang hoạt động lĩnh vực khác trong bối cảnh hiện nay, khác biệt với biểu hiện "nhảy việc" thông thường", ông Tuấn lo lắng.
Với kinh nghiệm 40 năm làm việc trong mảng dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, cho rằng sẽ có một lượng lớn nhân sự ngành du lịch bỏ nghề trong 2 năm qua không quay lại nữa. "Chảy máu" nhân lực đang diễn ra và cuộc khủng hoảng nhân lực này sẽ tiếp tục đến khi ngành du lịch trở lại bình thường.
Lý do của việc này rất nhiều, nhưng chuyên gia cho rằng có thể họ đã kiếm được công việc mới với thu nhập ổn định, không muốn thay đổi; hoặc kỹ năng sau 2 năm không làm nghề đã suy giảm; hoặc độ tuổi đã qua giai đoạn sung sức để làm nghề…
Ông Huỳnh Chí Công cũng nhận định bài toán nhân sự với các doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ việc sẽ rất nan giải khi ngành này phục hồi.
Hiện các doanh nghiệp lớn đều tìm đủ cách để giữ chân nhân sự, nhưng hầu hết doanh nghiệp nhỏ không đủ vốn, phải cho nhân viên nghỉ việc. Dự báo khi ngành du lịch hồi sức và trở lại, "khát" nhân sự chắc chắn sẽ xảy ra.
Do đó, ông Công cho rằng, các sinh viên ngành du lịch phải học thật tốt, nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng và ngoại ngữ để đón chờ cơ hội nghề nghiệp sắp tới.
Tiến sĩ Lê Văn Tấn - Phó hiệu trưởng CĐ VH-NT&DL Sài Gòn cũng đồng quan điểm cho rằng các sinh viên cần nhìn xa hơn, có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ bởi kinh tế du lịch sẽ nhanh chóng hồi phục và sẽ cần một lực lượng trẻ có đủ tố chất, kĩ năng để phát triển.
Tiến sĩ Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng CĐ VH-NT&DL Sài Gòn thì đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có dự báo cụ thể hơn về nguồn nhân lực ngành du lịch sắp tới.
Ông cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn vấn đề này để có những giải pháp, mô hình, chương trình hành động mới mẻ hơn và không để cuộc "khủng hoảng nhân sự" ảnh hưởng đến việc đón đầu cơ hội ngành du lịch bùng nổ sau dịch Covid-19.