“Sinh viên giỏi, tốt nghiệp trường lớn chỉ thích làm phòng máy lạnh”
(Dân trí) - Các nhà tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp chỉ ra cho đại diện các trường đại học thấy thực trạng của sinh viên hiện nay. Họ gọi đó là “căn bệnh” mà sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi của nhiều trường lớn đang mắc phải.
Ngày 31/5, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cho sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Đại diện các trường ĐH - SV - doanh nghiệp đã cùng tranh luận sôi nổi và tìm giải pháp bổ sung cho nhau để cả 3 bên tìm được tiếng nói chung trong quá trình đào tạo, sử dụng lao động.
"Thích ngồi máy lạnh vì nghĩ rằng giá trị bản thân cao"
Ở góc độ là người tuyển dụng, ông Nguyễn Triệu Thông, Trưởng phòng Tuyển dụng Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) có những chia sẻ rất thật về “bệnh” của nhiều SV khi tuyển dụng hiện nay.
Ông Thông cho biết doanh nghiệp mình hiện đang thiếu nhân sự ở một số vị trí, dù thông báo tuyển SV mới ra trường có thể được trả lương từ 5,5-6 triệu đồng/tháng và thưởng 5-6 tháng lương/năm nhưng vẫn không tuyển được.
Vị này băn khoăn rằng “nghe thông tin cả nước ta theo thống kê năm ngoái có hơn 270.000 SV ra trường không có việc làm nhưng thực tế ở đơn vị bán lẻ hiện đang rất thiếu nhân sự”. Ông Thông đặt nghi vấn: “Nguyên nhân ở đây là lệch đào tạo từ nhà trường, lệch trong lựa chọn trường ĐH của sinh viên. Họ gần như đang lựa chọn ngành học dựa trên cái mình đang học tốt”.
Nhà tuyển dụng này bình luận tiếp: “Nhiều người trẻ ra trường đang đánh giá sai về công việc mình sẽ làm. Họ sẵn sàng làm kế toán ngồi trong phòng máy lạnh để hưởng lương 5 triệu đồng/tháng nhưng từ chối làm công việc bán hàng với lương 7-8 triệu đồng/tháng”.
Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM tham gia ngày hội ứng tuyển việc làm ở lĩnh vực kinh tế
Thực tế từ doanh nghiệp mình, ông Thông cho biết, đơn vị mình sẵn sàng mời các SV tốt nghiệp từ các trường lớn về làm giám sát, quản lý bán hàng với lương 8-10 triệu đồng/tháng nhưng họ từ chối. Giải pháp mà doanh nghiệp này đưa ra là “buộc phải tìm đến những sinh viên từ các trường tốp dưới, trường dân lập hoặc bậc cao đẳng”.
Ở điểm này, ông Thông nhấn mạnh: “Thích làm công việc văn phòng, ngồi trong máy lạnh là “bệnh” của nhiều SV giỏi, tốt nghiệp từ các trường lớn. Ở họ đang có tâm lý ra trường phải làm công ty lớn để giá trị bản thân cao hơn”.
Ông Nguyễn Bình An, Giám đốc khối nội vụ Hoa Sen Group, cũng đồng quan điểm với đại diện Saigon Co.op. Theo ông An, việc tuyển dụng khá khó khăn ở những vị trí liên quan đến kinh doanh dù thu nhập khá hấp dẫn. Tình trạng này xảy ra vì suy nghĩ môi trường làm việc tiếp thị phải lăn lộn bên ngoài và giá trị bản thân không cao bằng công việc ngân hàng, quản lý.
Lao động trẻ cần được nhà trường trang bị kỹ năng
Theo ông Nguyễn Triệu Thông, các trường ĐH cần có những hoạt động định hướng chọn trường, ngành học và giá trị công việc sau khi ra trường. Đặc biệt là có những định hướng về các công việc hiện còn thiếu nhân lực, chẳng hạn ngành đang “nóng” nhất là mảng bán lẻ nhưng ít trường đào tạo chuyên sâu về mảng này.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng các trường phải chủ động có tìm giải pháp trong bối cảnh cạnh tranh lao động quốc tế ngày càng mở rộng. Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam, cho biết tuyển dụng nhân viên hiện nay không còn giới hạn trong nước mà đã mở rộng ra nước ngoài. “Nếu không tìm được người Việt Nam thì doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng tuyển dụng ra nước ngoài. Ngay cả nhân lực trong các nhà hàng khách sạn, các vị trí bếp trưởng hiện đang rất ít người Việt Nam”, ông Phúc chia sẻ.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP.HCM, để chuẩn bị hành trang cho thị trường lao động ngày nay, SV cần trang bị đủ 5 kỹ năng. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực hợp tác - năng lực mà sinh viên hiện còn rất thiếu do cách đào tạo hiện nay.
Kỹ năng tiếp theo là tư duy phản biện, đó là khả năng nhận biết vấn đề đa chiều. “Một nhân viên có kỹ năng này có thể phải đặt 5 lần các câu hỏi trước khi đặt vấn đề đó lên người sếp của mình để cùng giải quyết”, ông Tùng đưa ví dụ. Tiếp theo lao động trẻ cần có gồm: kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và năng lực học tập suốt đời.
Lắng nghe đóng góp từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Việc tăng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia giảng dạy là rất khó vì còn nhiều bất cập và ràng buộc, cụ thể là những quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để chúng tôi và các trường ĐH ngồi đây cùng nhìn nhận, cần và phải trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức gì cho SV. Đây cũng là những ý kiến bổ ích để chúng tôi hoàn thiện đề án xây dựng khung năng lực cho SV ĐH Quốc gia TP.HCM trong thời gian tới”.
Theo ông Quân, doanh nghiệp và SV chính là khách hàng của các trường nên phải lắng nghe nhằm có chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo sát thực tế. “Đây là trách nhiệm của các trường và nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận để cùng thay đổi thì không thể nào tiến được. So với nhiều nước trong khu vực thì chúng ta đã tụt lại rồi, nếu không bước nhanh, tiến nhanh thì chúng ta sẽ tụt xa hơn nữa”, ông Quân khẳng định.
Lê Phương