"Sinh viên đại học Việt Nam vẫn còn quá trẻ con!"
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Ái Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN trăn trở chuyện "Sinh viên đại học Việt Nam luôn đặt mình vào vị thế trẻ con thay vì tự nghĩ mình là người lớn".
Tại sự kiện VSL-Talk 14: "Giáo dục Đại học và Khát vọng Việt Nam 2045" do CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN (VNU-VSL) tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Quốc tế Pháp ngữ (VNU-IFI) các diễn giả đã thẳng thắn bàn đến những "điểm nghẽn" trong tư duy đổi mới sáng tạo của trường đại học.
Đụng đến các vấn đề lớn của xã hội: "Ôi chuyện này to tát quá"
PGS.TS Nguyễn Ái Việt chia sẻ: "Sinh viên đại học Việt Nam, không biết vì lý do gì hay do các thầy cô dạy… mà chúng vẫn là trẻ con. Chúng luôn đặt mình vào vị thế trẻ con.
Sinh viên đại học ở Mỹ tự nghĩ họ là người lớn nó sẽ tìm cách thay đổi thế giới. Năm thứ nhất ông Bill Gates thấy rằng, các thầy giảng không còn gì để tôi học nữa nên tôi nghỉ học ra lập công ty. Tại sao tôi phải theo các thầy khi không còn gì để học".
Theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt, trong tư duy cho sinh viên, đầu tiên là phải dạy cho chúng đức tính, tư cách "tôi là sinh viên đại học", "tôi có sứ mệnh ra để thay đổi cuộc sống"… Thế mới bàn đến sự thịnh vượng chung được. Còn cứ đụng đến các vấn đề lớn của xã hội lại: "Ôi chuyện này to tát quá, trong Đại hội Đảng có hết rồi!" thì bao giờ mới phát triển?
"Cái tư duy đó từ sinh viên chuyển sang các thầy. Thậm chí, các thầy giáo trẻ. Giờ tiến sĩ rồi, ba mấy tuổi rồi, cách cư xử vẫn thụ động như một đứa trẻ con. Các em lên đại học, thầy vẫn phải nói chuyện với bố mẹ các em nhiều thay vì nói chuyện với các em.
Sinh viên đại học phải nghĩ đến chuyện chúng ta phải bàn về những vấn đề lớn của xã hội thì như vậy mới thịnh vượng được", ông đặt vấn đề.
Entrepreneurship (Lập nghiệp/ khởi nghiệp) là thế nào?
PGS.TS Nguyễn Ái Việt lưu ý, "entrepreneurship không chỉ là làm chủ. Khi mà ông Bill Gates lập Microsoft, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng ông cũng có 5 thành viên sáng lập nữa. 5 ông ấy không nhất thiết phải có tố chất làm chủ. Tinh thần khởi nghiệp khác với việc phải ra làm chủ tịch hội đồng quản trị hay chủ doanh nghiệp.
"Tôi tư vấn với sinh viên 3 tiêu chí: hội nhập, cộng đồng, khởi nghiệp. Khởi nghiệp có nghĩa là sẵn sàng làm việc với tinh thần khởi nghiệp chứ không nhất thiết anh phải ra khỏi doanh nghiệp, bỏ hết chuyên môn rồi đi buôn lúc ấy mới gọi là khởi nghiệp.
Chúng ta phải hiểu đúng tinh thần khởi nghiệp. Trong khởi nghiệp có nhiều vai trò, vị trí. Tôi là CEO tôi đâu cần phải quan tâm đến chuyện thị trường, nói chuyện với khách hàng. Tôi chỉ cần làm sao chắc chắn rằng, ý tưởng của tôi có người dùng. Thị trường đang cần sản phẩm đó và tôi sẽ thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường chứ không phải nhất thiết là phải đi làm chủ", ông Việt nhắn nhủ bạn trẻ.
Rất thiếu kiến thức tự chủ, tự lập, khởi nghiệp
Đồng tình với PGS.TS Nguyễn Ái Việt, TS. Lê Đình Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cũng cho rằng, sinh viên của chúng ta học xong ra chỉ có kiến thức về chuyên môn nhiều hơn. Còn kiến thức, tinh thần về tự chủ, tự lập hầu như không có, rất thiếu.
"Cũng các cháu như thế nhưng học kém hơn các cháu trong nước nhưng khi ra nước ngoài đi du học thì rất tự tin, về nước đi đến đâu xin việc đều "mặc cả" rằng tôi phải được số lương thế này, vị trí thế này. Chứ các cháu nhà mình khi tốt nghiệp xong bảo về công ty nào, vị trí nào để làm việc không thì không biết. Không biết thì cháu có biết chỗ nào giúp cháu cái việc thế không? Dạ, không biết. Cháu chỉ biết nhờ bác, nhờ anh, nhờ chị xem chỗ nào giúp cháu".
"Vậy cái tinh thần tự tin tự lực đó từ đâu mà ra? phải là giáo viên", TS. Lê Đình Tiến nhấn mạnh.
Ông cho rằng, phải đẩy mạnh trao đổi luân chuyển giữa doanh nghiệp với trường đại học, phải mời doanh nghiệp vào trường truyền đạt với sinh viên qua những câu chuyện người thật, việc thật. Việc mời doanh nghiệp vào để thuyết giảng như thế rất cần thiết chứ không phải lại dạy về lý thuyết. Xem những chương trình thực tế như Thương vụ bạc tỷ hoặc những công ty tư nhân giảng về quản trị sẽ giúp đưa vào giảng đường tinh thần đó rất tốt.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy Ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục Đào tạo, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN phản biện rằng, thực trạng trên cũng "có cái khó"…
Thời của tôi, học lên đến đại học, chương trình Vật lý ngoài môn Mác - LêNin ra toàn bộ tích phân, đạo hàm không có một môn nào là xã hội, là kinh tế… Cuối cùng, không biết một cái gì hết. May là bây giờ được thế này là may lắm rồi", GS.TS Nguyễn Hữu Đức dẫn chứng.
Trong chương trình học đại học, chuyên môn tích phân đạo hàm chỉ 80% thôi, 20% còn lại là phải những môn khởi nghiệp, kinh tế vĩ mô. Bây giờ, trường đại học phải xoay chuyển tư duy phù hợp với thế hệ mới…
Thêm nữa, thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong đại học là truyền thổi tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Và không chỉ sinh viên mà kể cả giảng viên.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, các trường đại học thường nghĩ đến việc thu học phí nhưng cũng càng nên nghĩ đến chuyện đổi mới cho sinh viên.
"Mình lấy tiền thì mình phải làm thế nào đổi mới cho con người ta phải ra khởi nghiệp được. Tôi nhận thấy các đại học thay đổi rất ít. Gần như chương trình đại học hồi xưa bọn tôi học thế nào bây giờ gần như thế", ông nói.
Nhà khoa học chưa có "máu" làm kinh tế
PGS.TS Nguyễn Ái Việt phát biểu thêm rằng, một trong những nguyên nhân khiến đại học Việt Nam chậm đổi mới sáng tạo là vì tư duy của các nhà khoa học.
Ông nhận định, hiện nay tư duy của các nhà khoa học không chỉ ở Việt Nam hay trên thế giới thì tư duy thuần túy là làm khoa học. Tư duy ấy gần như không có đổi mới sáng tạo để nói chuyện sang với doanh nghiệp được.
Ông Việt nhấn mạnh, lập nghiệp là phải có tinh thần kinh doanh, kinh thương còn gọi nôm na là "máu" làm kinh tế. Và nhà khoa học phải hướng tới làm kinh tế.
Nếu như trước đây giá trị nhà khoa học là các bài báo khoa học để được thăng tiến về chức danh hoặc đề tài nghiên cứu khoa học thì có kinh phí thu nhập để có cuộc sống bình yên. Và như thế không cần biết đề tài định hướng gì mà chỉ cần nó có thể đáp ứng được cho nhà khoa học những giá trị đó.
Bây giờ tư duy khác hẳn, cần thay đổi. Nhà khoa học hướng tới đổi mới sáng tạo phải có tư duy rằng, kết quả nghiên cứu có ứng dụng được vào thực tế, đưa ra được thương trường và nhà khoa học nhận được nhiều tiền ở đấy.
"Nếu có tư duy đó như các nước tư bản thì nó sẽ khác hẳn. Khi tư duy đổi rồi thì lúc bấy giờ, ngay từ khi xác định nhu cầu đề tài nghiên cứu là phải xác định nó hướng đến nhu cầu của thị trường và hướng đến doanh nghiệp. Lúc bây giờ mới hướng đến đổi mới sáng tạo được. Khi làm nghiên cứu cũng phải nghĩ đến việc đăng ký bản quyền để thương mại hóa sản phẩm. Nếu không có đảm bảo sở hữu trí tuệ người ta cũng không mua.
Mặc khác, trong khi làm nghiên cứu thì nhà khoa học đã phải liên kết với doanh nghiệp rồi, có như vậy thì nhà khoa học mới bán được sản phẩm. Bây giờ khó khăn là nhà làm khoa học có phẩm chất khác với doanh nhân. Đấy là cái khác nhau", PGS.TS Nguyễn Ái Việt chia sẻ.
Theo ông, giải pháp là phải kết hợp với doanh nghiệp. Một trường đại học nghiên cứu trước hết phải có tinh thần "kinh thương". Thứ hai là phải có tinh thần "Innovation" - nghĩa là trường đại học phải sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp, quy trình để có thể thương mại hóa, biến tri thức khoa học công nghệ thành sản phẩm hàng hóa dịch vụ phục vụ thị trường.