Sinh viên Đà Nẵng chế tạo robot dắt người qua đường
(Dân trí) - Một robot cao 1,9 mét với lời chào “Tôi là robot dắt người qua đường…” do nhóm sinh viên ĐH Duy Tân, Đà Nẵng chế tạo vừa được thử nghiệm thực tế thành công.
Cùng với đó, một nhóm sinh viên (SV) khác cũng thử nghiệm hệ thống cảnh báo người tham gia giao thông dừng sai vạch khi đèn đỏ
"Robot tử tế”
Nhiều người dân chứng kiến buổi thử nghiệm thực tế robot dẫn người qua đường gọi đây là robot “tử tế” giúp người qua đường. Tác giả của "robot tử tế” này là nhóm 3 SV Nguyễn Công Tín, Võ Thành Nghĩa và Hà Kim Tùng ở khoa Điện - Điện tử, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng. Ý tưởng chế tạo robot này xuất phát từ một thành viên trong nhóm là SV Nguyễn Công Tín. Trong một lần đi du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, Tín thấy rất nhiều người, nhất là du khách nước ngoài, e ngại qua đường do xe cộ đi lại quá đông đúc phải bỏ tiền thuê người dắt sang đường, mỗi lần 10 - 20 nghìn đồng. Chàng SV Đà thành nảy ra ý tưởng chế tạo một robot có thể tự động dắt người sang đường miễn phí khi cần đến ở các giao lộ lớn. Trở về Đà Nẵng, Tín rủ thêm hai bạn học cùng khoa là Nghĩa và Tùng cùng nhau bắt tay vào chế tạo robot.
Buổi thử nghiệm thực tế robot dắt người qua đường vào sáng 31/3 tại ngã tư Phan Đăng Lưu - Lê Thanh Nghị (Đà Nẵng) của nhóm SV thu hút sự quan tâm của nhiều người, và tất thảy các lần thử nghiệm robot đều hoạt động tốt. Robot được đặt ngay bên lề đường và phát lời chào bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: “Tôi là robot dắt người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động. Tôi sẽ dắt bạn qua đường”. Khi cần, người tham gia giao thông ấn nút màu đỏ ngay chân robot và nắm tay robot để sang đường. Với các cảm biến được cài đặt bên trong, robot sẽ nhận biết xe cộ qua lại để đứng lại khi có xe đến gần và tiếp tục sang đường khi không có vật cản phía trước. Qua phía đường bên kia, robot lại tự động quay lại vị trí cũ và chờ người tiếp theo. Mỗi ngày, robot có thể dắt 70 lượt người sang đường với năng lượng được nạp sẵn.
Video clip: Robot dắt người qua đường
SV Võ Thành Nghĩa, một thành viên trong nhóm sáng chế robot chia sẻ: “Khó khăn nhất trong quá trình chế tạo robot là làm sao để robot tự động quay lại khi nhận biết đã sang đến lề đường bên kia. Thêm vào đó là nếu mặt đường quá gồ ghề cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của robot. Qua nhiều lần thử nghiệm tế đều thành công, cả nhóm rất mừng. Hy vọng là robot có cơ hội được ứng dụng trong thực tiễn thật sự”.
SV Nguyễn Công Tín cho biết sắp tới nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để robot hoạt động hoàn hảo hơn. “Robot được hoàn thành trong khoảng thời gian hơn 1 tháng tính từ khi các SV bắt tay vào lắp ráp. Một số động cơ được tận dụng lại từ động cơ của các các sản phẩm cũ. Do năng lượng của robot chia cho cả vận hành của ròng rọc dưới chân robot và các thiết bị điện tử bên trong nên các động cơ bên trong có thể còn chưa hoạt động chưa hết hiệu năng. Nhóm sẽ còn tiếp tục cải tiến để robot ngày càng hoàn thiện”.
Hệ thống cảnh báo dừng xe sai vạch
Cùng với robot giúp người qua đường, nhóm 2 SV Mai Thị Quỳnh Hoa và Phạm Hiếu Cường của khoa Điện - Điện tử, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng cũng thử nghiệm thực tế hệ thống cảnh báo người đi đường dừng xe sai vạch khi đèn giao thống có tín hiệu đèn đỏ.
Từ việc mỗi lần đi học, thường thấy mọi người khi dừng đèn đỏ ở các ngã tư thường hay dừng quá vạch quy định, Mai Thị Quỳnh Hoa - một thành viên trong nhóm sáng chế hệ thống cảnh báo trên đã hình thành ý tưởng cho đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Hệ thống hình hộp vuông khá nhỏ gọn với các mạch cảm biến điện tử và một máy mp3 bên trong có thể tự động cảnh báo phát hiện khi có người dừng đèn đỏ quá vạch quy định với đề nghị: “Bạn đã dừng sai vạch. Mời bạn lui lại” đã được Quỳnh Hoa và Hiếu Cường hoàn thành với sự hỗ trợ một phần kỹ thuật của SV Hồ Công Tín - thành viên nhóm chế tạo robot dẫn người qua đường.
Video clip: Hệ thống cảnh báo dừng xe sai vạch
Việc chế tạo hệ thống xuất phát từ một môn học ở trường yêu cầu SV phải đưa ra những ý tưởng cá nhân. Nhưng từ ý tưởng đến hình thành sản phẩm với Quỳnh Hoa là một quá trình không ít khó khăn. “Những ngày đầu việc cháy mạch động cơ là thường, thậm chí máy mp3 cũng bị cháy. Nản lắm nhưng rồi niềm đam mê lại hối thúc mình thử lại và thử lại cho tới khi hàn chỉnh được hệ thống giống như ý tưởng của mình. Nhóm vẫn muốn sẽ cải tiến thêm một bước là sau một lần phát cảnh báo tự động, mà người đi đường vẫn chưa lùi lại thì sẽ có một camera tự động ghi hình lại”. - Quỳnh Hoa chia sẻ.
Quan sát các SV thử nghiệm thực tế robot dẫn người qua đường và hệ thống cảnh báo người tham gia giao thông dừng đèn đỏ sai vạch quy định, anh Đỗ Văn Phước Bình - Cảnh sát giao thông, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng: “Đây thực sự là những sáng kiến của các bạn trẻ giúp ích cho cộng đồng. Robot và hệ thống hoạt động khá tốt trong buổi thử nghiệm thực tế. Song theo tôi, có thể điều chỉnh lại tốc độ di chuyển của robot và nếu có thể tích hợp thêm nhiều tiện ích nữa cho robot thì người tham gia giao thông sẽ thuận lợi, an toàn hơn”.
Khánh Hiền
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |