Sinh viên chế tạo tay robot giá rẻ cho người khuyết tật

(Dân trí) - Sau hơn 8 tháng mày mò nghiên cứu, sinh viên Ngô Văn Dết (trường Đại học Phạm Văn Đồng) đã chế tạo thành công bàn tay robot giá rẻ cho người khuyết tật.

Sinh viên chế tạo tay robot giá 3 triệu đồng cho người khuyết tật

Ngô Văn Dết (sinh năm 1996) hiện là sinh viên khoa Kỹ thuật công nghệ - trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi). Dết là tác giả của sản phẩm Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật với giá thành chỉ... 3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với những sản phẩm cùng loại đang được bán với giá hàng chục ngàn USD.

Theo Dết, tại Việt Nam còn rất nhiều người tàn tật nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể tiếp cận được với tay robot vì giá thành quá cao. Vì vậy, Dết mong muốn chế tạo tay robot giá rẻ để giúp nhiều người khuyết tật có điều kiện hòa nhập với cuộc sống.

Nghĩ là làm, Dết bắt đầu tìm hiểu các kiến thức về tay robot rồi mày mò nghiên cứu, chế tạo. Phải mất hơn 8 tháng lao động miệt mài Dết mới hoàn thành được ý tưởng của mình.

Dết sử dụng công nghệ in 3D để làm mô hình có cấu tạo và hình dạng mô phỏng theo bàn tay người thật. Các ngón tay có thể chuyển động linh hoạt và thực hiện các thao tác cầm nắm dễ dàng nhờ được cố định bằng chốt đàn hồi.

Ngô Văn Dết với bàn tay robot giá rẻ cho người khuyết tật
Ngô Văn Dết với bàn tay robot giá rẻ cho người khuyết tật

Về nguyên lý hoạt động, Dết cho biết, cảm biến áp suất sẽ được kết nối vào bắp tay của người khuyết tật. Khi người khuyết tật cử động cơ bắp thì cảm biến sẽ ghi nhận, xử lý tín hiệu sau đó truyền đến arduino để xử lý. Sau đó, servo sẽ quay kéo dây tại các ngón tay nắm lại.

Tùy vào độ to nhỏ của vật mà người khuyết tật tác dụng một lực nhất định vào cảm biến đủ để các ngón tay có thể nắm chắc được vật. Khi không có áp lực tác dụng lên cảm biến thì servo quay ngược lại vị trí ban đầu và các ngón tay sẽ mở ra.

"Sản phẩm đầu tiên hoạt động chưa như ý muốn, còn nhiều chi tiết thừa và có giá thành hơn 6 triệu đồng. Chưa vừa ý nên em tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Sản phẩm thứ 2 hoạt động tốt hơn trước rất nhiều và chỉ có giá 3 triệu đồng", Dết nói và cho biết sản phẩm này đã đạt giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường.

Dết hướng dẫn người khuyết tật thử nghiệm tay robot
Dết hướng dẫn người khuyết tật thử nghiệm tay robot

Theo anh Phạm Trường Tùng - giảng viên trường Đại học Phạm Văn Đồng, ý tưởng về bàn tay robot của Dết vừa có tính nhân văn lại vừa có tính thực tiễn. Do đó, giảng viên Tùng đã đồng hành, tận tình hướng dẫn Dết biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế.

"Tay robot là sản phẩm không mới nhưng nếu có điểm khác biệt với những sáng chế đã có trên thị trường thì sản phẩm này luôn có triển vọng phát triển", anh Tùng nhấn mạnh.

Mong muốn cải tiến sản phẩm tốt hơn nữa nên Dết đã mang sáng chế của mình đến với người khuyết tật để họ sử dụng và cho nhận xét. Ông Lê Quang Trọng (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) là một trong những người đầu tiên được sử dụng tay robot giá rẻ.

Giá thành chỉ 3 triệu đồng nhưng bàn tay robot do Dết sáng chế khá linh hoạt, người khuyết tật dễ dàng điều khiển các cử động một cách chính xác
Giá thành chỉ 3 triệu đồng nhưng bàn tay robot do Dết sáng chế khá linh hoạt, người khuyết tật dễ dàng điều khiển các cử động một cách chính xác

Theo ông Trọng, cánh tay giả ông đang sử dụng có giá hơn 100 triệu đồng nhưng hoạt động không được thuận tiện, bàn tay vẫn còn cảm giác vướng víu.

Khi được dùng tay robot của Dết, cử động của ngón tay linh hoạt hơn, cách điều khiển cử động cũng khá đơn giản.

"Với giá chỉ có 3 triệu đồng mà được bàn tay robot như thế này để sử dụng thì quá tuyệt vời. Nếu sản phẩm được hoàn thiện và bán ra thị trường sẽ giúp được nhiều người khuyết tật", ông Trọng chia sẻ.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm