Sinh viên chế tạo màng bọc thực phẩm có thể ăn được
(Dân trí) - Màng bọc thực phẩm ăn được làm từ nguồn nguyên liệu phế phẩm của tôm, cua và lá ổi, có thể ăn được mà không gây nguy hại cho sức khỏe.
Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên F.I.M vừa đạt giải Nhất cuộc thi "Bach khoa Innovation" lần VI-2023 do Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Chia sẻ về ý tưởng đạt giải Nhất, Lê Yến Nhi - thành viên nhóm F.I.M - cho biết, rác thải, bao bì nhựa đang là vấn đề lớn cho môi trường. Hằng năm, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải được thải ra môi trường xung quanh.
Trong đó, bao bì thực phẩm chiếm gần 44% (bao gồm hơn 30 triệu bao bì nhựa). Điều này dẫn đến tác hại xấu đến môi trường sống của con người, động vật và thực vật. Chính vì thế, nhóm muốn chế tạo ra màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học tốt, Nhi chia sẻ.
Sản phẩm này được làm từ chitosan và lá ổi. Chitosan là nguồn nguyên liệu từ phế phẩm lớn thứ hai thế giới. Tiền thân của chitosan chính là chitin có nhiều trong vỏ của động vật giáp xác.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy hải sản lớn trên giới, do đó, có thể tận dụng lượng phế phẩm vỏ và đầu của tôm, cua.
"Từ loại phế phẩm này, chúng ta có thể tận dụng một cách tối đa và đem lại giá trị kinh tế cao. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chitosan được xem là nguồn nguyên liệu an toàn và có thể sử dụng cho con người để giảm lượng cholesterol trong cơ thể", Nhi cho hay.
Ở một số quốc gia phát triển, việc sử dụng chitosan để giảm cân được đánh giá là an toàn.
Nói về công dụng của lá ổi, thành viên Đinh Thiết Anh cho hay, đây là một nguồn phế phẩm mang nhiều hoạt tính sinh học nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Dịch chiết có trong lá ổi mang tính kháng khuẩn.
Vì vậy, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã hướng tới sử dụng chitosan và lá ổi là nguồn nguyên liệu chính, tạo ra 1 loại màng bọc thực phẩm sinh học mang nhiều tính chất tốt và hướng người tiêu dùng đến với lối sống "xanh", bảo vệ môi trường.
Công trình được thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm nghiên cứu giữa Trường Đại học Bách khoa và Viện Công nghệ Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chi nhánh phía Nam.
Để cạnh tranh với những sản phẩm đã có sẵn trên thị trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết điểm mạnh của loại màng bọc này là có thể kháng khuẩn, kháng oxy hóa để tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn giữa thực phẩm và tránh cho thực phẩm không bị oxi hóa khi để ngoài không khí.
"Điểm hạn chế của nhiều màng bọc trên thị trường là chúng có thể tan trong nước, ít có các đặc tính mong muốn như kháng khuẩn, kháng oxy hóa và một số chức năng khác", Lê Yến Nhi chia sẻ.
Điểm thú vị là côn trùng và các loại động vật khác hoàn toàn có thể ăn màng bọc này. Mọi thành phần trong màng đều an toàn và ở mức cho phép đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện nhóm bày tỏ thêm: "Ý nghĩa quan trọng khác là chúng em đưa ra được giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay; đồng thời là giải pháp kinh tế cho người tiêu dùng có thể sử dụng được màng bọc an toàn, thân thiện với môi trường với mức giá hợp lý".
Để thực hiện sản phẩm này, nhóm đã lên ý tưởng từ năm nhất sinh viên. Sau đó, mất gần 2 năm để tiến hành nhiều thí nghiệm, kiểm tra tính chất sản phẩm, viết và công bố bài báo khoa học.
Dù có trải qua nhiều lần thất bại nhưng vẫn nhóm vẫn kiên trì, nỗ lực tạo ra sản phẩm mong muốn.
Đánh giá về nghiên cứu trên, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa nhận định, tính ăn được và tính kháng khuẩn cao là hai đặc điểm nổi bật phải kể đến đầu tiên ở màng bọc.
So với các màng bọc thông thường có tác dụng chủ yếu là ngăn cản tiếp xúc với không khí bên ngoài để tránh hiện tượng oxi hóa, màng bọc của nhóm F.I.M còn có khả năng kéo dài thời gian bảo quản cho thực phẩm.
Ông Hạ đánh giá sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao ở quy mô công nghiệp với giá thành hợp lý.
Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ góp ý rằng để có thể thuận tiện hơn trong việc thương mại hóa, nhóm cần cải tiến thêm một số đặc điểm, chẳng hạn như ở chế độ cơ lý để có thể tạo lớp màng bọc dày mỏng thích hợp.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của nhóm còn có thể được mở rộng theo các hướng nghiên cứu khác nhau, có thể kết hợp với các loại tinh bột biến tính để tạo độ dẻo, độ giãn cho màng bọc hoặc điều chỉnh các hàm lượng thành phần phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm cần được bảo quản.
Sau hơn 4 tháng khởi động, cuộc thi đã nhận về 60 dự án khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm 53 dự án khối đại học và 7 dự án khối THPT. Trải qua 2 vòng tranh tài gay cấn, Ban giám khảo đã lựa chọn và trao giải cho 6 đội khối đại học cùng 3 đội khối THPT.