Sẽ công khai kết quả đánh giá đề Toán THPT quốc gia 2017
(Dân trí) - GS Đỗ Đức Thái (thành viên Ban phát triển Chương trình GDPT tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán) cho biết Hội Toán học Việt Nam sẽ tổ chức một diễn đàn công bố kết quả phân tích đề thi Toán - kì thi THPT quốc gia 2017 để mọi người cùng nhìn nhận về cách thức tổ chức thi và ra đề thi hiện nay.
Thông tin trên được GS Đỗ Đức Thái chia sẻ tại hội thảo “Toán học không xa cách” trong khuôn khổ ngày hội Toán học mở 2017 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức ngày 13/8.
Ông Thái cho biết, một số cá nhân trong Hội Toán học Việt Nam đang kết hợp để làm một báo cáo công khai về đề thi toán theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Theo đó mã đề 101 và 102 môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vừa qua sẽ được đem ra phân tích.
"Chúng tôi sẽ chọn ra 2 mã đề, phân tích ở nhiều các góc độ như lý luận dạy học, lý luận đánh giá, tác động xã hội để cho thấy cách thức thi như vậy được gì và không được gì”, ông Thái cho biết thêm.
Theo GS. Đỗ Đức Thái, trước nay chúng ta có tâm lý học để thi, thi gì học nấy. Lối suy nghĩ đó “nghiền nát” tất cả cải cách giáo dục. Ông Thái kể rằng, nhóm biên soạn đã nhận được nhiều câu hỏi của giáo viên rằng đi thi học sinh chỉ việc tích vào ô trắc nghiệm chứ có hỏi năng lực đâu mà bắt giáo viên phải dạy năng lực, như vậy thì môn Vật lý có cần dạy làm thí nghiệm nữa không…
Chủ biên môn Toán chương trình phổ thông mới cho rằng, môn Toán cũng có số phận tương tự. Về lí thuyết, thi trắc nghiệm là phát minh lớn của nhân loại nhưng mỗi kỳ thi có một tính năng khác nhau. Thi đại trà có thể thi trắc nghiệm; các cuộc thi mục đích chọn nhân tài có tính chất phân loại thì dùng hình thức trắc nghiệm cũng được nhưng có bao nhiêu chuyên gia đủ tài để ra được bộ đề đó?
“Chúng tôi sẽ làm việc này. Với tư cách của những người công dân yêu nước, chúng tôi sẽ làm”, GS. Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Năm 2017 là năm đầu tiên thí sinh thi THPT quốc gia làm bài môn Toán theo hình thức trắc nghiệm khách quan 100%. Môn Toán có 4 đề gốc nội dung giống nhau, nhưng 50 câu hỏi được sắp xếp khác nhau để tạo ra 24 mã đề, thời gian làm bài 90 phút.
Theo ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), mức độ khó của các mã đề tương đương nhau vì đã được xây dựng từng bước theo công nghệ làm ngân hàng đề thi chuẩn hóa của Hoa Kỳ.
Lệ Thu