Sẽ chuyển từ thi sang xét giáo viên dạy giỏi

(Dân trí) - Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo - Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho hay, Cục này vừa hoàn thành dự thảo về việc chuyển từ thi sang xét để có được giáo viên giỏi.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ GD&ĐT mới đây, ông Hoàng Đức Minh cho biết, Bộ đã rà soát tất cả các cuộc thi của giáo viên cũng như thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi.

Bộ đã tích cực cùng với các chuyên gia, các thầy cô để thực hiện, chọn những gì còn tốt và loại bỏ những điều không còn phù hợp, chuyển đổi cách thức cho phù hợp.

“Chúng tôi đã có dự thảo về việc thi chuyển sang xét để có được giáo viên giỏi, thông qua các tiêu chí cốt lõi gắn với giáo dục.

Dự thảo tiến tới việc công nhận thông qua hậu kiểm, thông qua tiến bộ của học sinh về đạo đức, về học tập và thông qua sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh, của đồng nghiệp cũng như cộng đồng" - ông Minh nói.

gioi-thieu-chuong-trinh-gd-pho-thong-moi-19-15459857049071083857293.jpeg

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

Cũng theo ông Minh, điều này có thể giải quyết được rất nhiều chuyện vô hình tạo áp lực cho giáo viên, sẽ không gắn kết quả thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích của tập thể, đây là sự tự nguyện, là sân chơi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần phát biểu, năm 2019 sẽ tập trung giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên. Vậy điều này đã được triển khai trong thực tế ra sao? Kỳ thi giáo viên dạy giỏi, một trong những kỳ thi khiến giáo viên áp lực nhất bởi bệnh thành tích, sẽ được thay đổi như thế nào?”.

Ông Minh cho hay, ngành GD&ĐT đang nỗ lực từng bước cắt giảm những yêu cầu không cần thiết, gây tốn thời gian, công sức của giáo viên, để tập trung cho công việc chuyên môn.

thi giao vien.jpg

“Từ đầu năm tới nay, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn công tác, kiểm tra thực tế giáo dục ở cơ sở, trong đó có nội dung này. Các địa phương đều đánh giá, yêu cầu cắt giảm hồ sơ sổ sách đáp ứng được mong đợi từ thực tế và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giảm áp lực cho giáo viên”, ông Minh khẳng định.

Được biết, dự thảo này xây dựng thông qua ý kiến của thực tiễn, địa phương và nhất là của chính giáo viên.

Hiện cơ quan chuyên môn đã chúng tôi đã trình bộ trưởng dự thảo này và trong thời gian sớm nhất (khoảng 1 - 2 tuần tới) sẽ công bố dự thảo lần 1 để xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian gần đây, Bộ nhận thấy nhiều cuộc thi không thực chất nên đã bãi bỏ. Biểu hiện rõ nét nhất về bệnh thành tích trong giáo dục là thi giáo viên dạy giỏi đang diễn ra rầm rộ, bộc lộ nhiều bất cập.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ chỉ đạo tích cực trong thời gian tới để có những thay đổi căn bản trong cách thức tổ chức thi giáo viên giỏi cũng như cách đánh giá giáo viên. 

Mỹ Hà