1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Sắp ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025

Mỹ Hà Hoàng Hồng

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT đã thành lập ban soạn thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến quý IV năm nay sẽ công bố.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Lễ tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/8.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập ban soạn thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, dự kiến sẽ công bố vào quý IV năm nay để phụ huynh và học sinh nắm rõ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm quản lý thư viện/ngân hàng câu hỏi thi và hỗ trợ ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Sắp ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Hội nghị (Ảnh: Mỹ Hà).

Khoảng 99,40% thí sinh đỗ tốt nghiệp

Báo cáo tại lễ tổng kết, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, gần 2.400 điểm thi với hơn 45.000 phòng thi.

Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức kỳ thi khách quan, công bằng.

Nội dung đề thi năm 2024 được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều câu hỏi gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đề thi có sự phân hóa phù hợp để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng tuyển sinh.

Phổ điểm từng môn thi và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích và thông tin công khai.

Công tác chấm thi được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%.

Ngoài nói về chất lượng giáo viên, chất lượng giáo dục và một số "điểm nghẽn" trong giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Doan (nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) đánh giá cao kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và tỷ lệ gần 100% học sinh đạt tốt nghiệp là minh chứng. 

Sắp ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: M. Hà).

Lỗi in sao đề thi ở Đắk Lắk

Mặc dù vậy theo nhìn nhận của Bộ GD&ĐT, do kỳ thi lớn, tổ chức trong toàn quốc nên vẫn còn một số lỗi. Nếu năm 2023 có 49 thí sinh vi phạm quy chế thi, năm nay 30 thí sinh vi phạm quy chế. Tại Đắk Lắk còn xảy ra lỗi trong in sao đề thi.

Cụ thể, theo phản ánh của phụ huynh, mã đề thi 119 môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đắk Đắk bị lỗi hàng chục vị trí. Trong đó, đề vừa lỗi văn phong tiếng Việt, vừa lỗi về mặt ký hiệu toán học. Một số câu lỗi cả câu hỏi, cả đáp án, sai công thức, sai bản chất, thiếu dữ liệu. Những lỗi này gây ảnh hưởng đến kết quả thi.

Đặc biệt, phản ánh tới báo chí, hai thí sinh tại một điểm thi tốt nghiệp THPT ở TPHCM mất 20-30 phút làm bài môn ngữ văn vì giám thị ký nhầm giấy thi…

Ngay khi xảy ra các vấn đề trên đây, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đã kịp thời nắm bắt thông tin và hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cách thức xử lý thực hiện đúng quy trình của quy chế thi và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Cuối năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã "chốt" phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm toán, văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Như vậy, từ năm 2025, thí sinh không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2023, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với môn thi trắc nghiệm ở một số địa phương có đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung về kỳ thi, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tổ chức kỳ thi.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 thể hiện ở việc vẫn giữ nguyên tỷ trọng một lượng câu hỏi theo kiểu cũ, tức vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; môn ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm.

Về phát triển, đề thi sẽ có thêm các định dạng mới như: Câu hỏi dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm 2025 hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn theo kiểu cũ trước đây; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018); xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn toán), 2,35 điểm (với môn lý, hóa, sinh,...).