Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Thêm dạng câu hỏi mới, tránh "khoanh mò"
(Dân trí) - Theo Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 vẫn giữ tỷ trọng một số câu hỏi theo kiểu cũ, đề "mở" nhưng sẽ không công bố công khai trên mạng, tránh các em học tủ, học thuộc.
Nhiều người lo ngại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi, đề thi sẽ thay đổi theo chương trình phổ thông mới khiến thí sinh đột ngột.
Tuy nhiên tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 11/3, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đề thi sẽ có tính kế thừa và phát triển.
Theo đó, tính kế thừa trong đề thi tốt nghiệp THPT 2025 thể hiện ở việc vẫn giữ nguyên tỷ trọng một lượng câu hỏi theo kiểu cũ, tức vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; môn ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm.
Về phát triển, đề thi sẽ có thêm các định dạng mới như: Câu hỏi dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm 2025 hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn theo kiểu cũ trước đây; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018); xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn toán), 2,35 điểm (với môn lý, hóa, sinh,...).
Với dạng câu hỏi đúng/sai giúp kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. Ở dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.
Với tính toán như hiện nay, Bộ GD&ĐT cho rằng đề thi tốt nghiệp năm 2025 giúp giảm bớt khối lượng và sai sót công việc tổ chức thi, giảm số tờ giấy thi, giảm bớt rủi ro khi in ấn và ghép tờ đề thi.
Đề "mở" nhưng không công khai
Cũng theo ông Hà, đề thi tốt nghiệp THPT phát huy trí tuệ toàn ngành và có "tính mở".
Cụ thể, câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát của Sở GD&ĐT, đề kiểm tra học kỳ từ các trường. Các đơn vị gửi đề thi, kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích bằng lý thuyết khảo thí (cổ điển, hiện đại). Sau khi phân tích sẽ có một thư viện câu hỏi thi và làm nên ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
"Tính mở bởi các em đã quen với đề thi này từ các đề kiểm tra nhưng đề thi sẽ không được đăng tải lên mạng như thi giấy phép lái xe bởi tránh tình trạng thí sinh học thuộc, học tủ", ông Hà nói.
Trả lời phóng viên Dân trí trước đó về việc tại sao Bộ GD&ĐT đưa ra các định dạng trắc nghiệm mới, ông Hà cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.
Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.
Hiện, trừ ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án. Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.
Ông Hà cũng nhận định, mỗi dạng thức đề thi đều có ưu nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc có tranh cãi về đề thi vài năm qua, ông Hà cho rằng, một kỳ thi với hàng triệu thí sinh, với nhiều môn, đòi hỏi sự chuẩn bị quy trình rất kỹ lưỡng.
Vì thế, Bộ GD&ĐT luôn rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi, cố gắng hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).
Trước đó, dự thảo phương án thi năm 2025 đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến xã hội từ ngày 17/3 đến ngày 17/5.
Sau khi tổng hợp đến hết tháng 5/2023, trên hòm thư góp ý về dự thảo phương án thi có tổng số 25 email góp ý với một số quan điểm, nội dung đề cập đến môn thi, nội dung, hình thức thi.