Lạm thu đầu năm học ở Thừa Thiên - Huế:

Sai phạm quá nhiều nhưng chưa xử lý được ai

(Dân trí) - Từ 22-24/9, đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với 3 trường THPT về những khoản thu ngoài đầu năm học 2010-2011. Kết quả thanh tra cho thấy, cả 3 trường đều có nhiều sai phạm về việc thu, chi không rõ ràng khoản thu ngoài học phí.

Kiểm tra tới đâu, trường …sai tới đó

 

Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Phú Vang), kết quả thanh tra ngày 22/9 cho thấy trường đã đặt ra nhiều khoản thu ngoài, mặc dù, trong kế hoạch của trường này có rất nhiều hoạt động cho học sinh.

 

Qua quá trình kiểm tra cho thấy, có nhiều chứng từ chưa thanh toán, một số chứng từ gốc chưa được chặt chẽ. Phiếu thu chi chưa được đánh số thứ tự. 

 

Đồng thời, phần dự toán hoạt động công nghệ thông tin của giáo viên là quá lớn: 49.680.000đ chi cho 92 giáo viên x 9 tháng x 2 tiết/tháng. Quỹ xe đạp dự toán chi chưa đúng mục đích. Ngoài chi lương, phát triển cơ sở vật chất thì còn lại 29,9 triệu tiền giữ xe đạp từ học sinh được đưa vào quỹ phúc lợi của nhà trường.

 

Tổng 4 khoản thu tự nguyện đối với 3 khối lớp ở trường này lên tới 594.724.000đ. Gồm: hoạt động đoàn, ngoài giờ lên lớp, văn thể (30 ngàn đồng/học sinh) - Quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, chữ thập đỏ (45 ngàn đồng/học sinh) - hoạt động công nghệ thông tin (80 ngàn đồng/học sinh) - hoạt động hướng nghiệp, dã ngoại…

 

Kể cả khoản dư đầu kỳ trên 26 triệu đồng, dự toán chi ra hết gần 388 triệu đồng thì trường sẽ dư lại gần 233 triệu đồng - một con số dư không nhỏ.

 

Sai phạm quá nhiều nhưng chưa xử lý được ai - 1
Trường THPT Phan Đăng Lưu tuy có nhiều hoạt động cho học sinh nhưng vẫn thuộc dạng “thu nhiều”.

 

Trong biên bản kết luận thanh tra Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Huế) ngày 24/9 cũng đã phát hiện ra rất nhiều khoản trường chưa họp thông qua hội phụ huynh đầu năm mà hiệu trưởng đã phê duyệt bắt học sinh phải đóng.

 

Ví dụ như chi trả lương cho giáo viên Tin học: 30 triệu đồng; Quỹ hoạt động đoàn thanh niên dự toán chi trả phụ cấp lương cho cán bộ đoàn: 12 triệu và chi các hoạt động do đoàn Thanh niên tổ chức: 54,6 triệu. Tuy nhiên số tiền này không được liệt kê ra chi tiết là chi cho khoản nào.

 

Ngoài ra, trường bắt học sinh phải “trả nợ” cho trường phần kinh phí xây dựng cổng trường. Theo đó, tổng kinh phí xây cổng trường năm học 2009-2010 là 128.805.000đ (đã thanh toán). Về quỹ hội ghi âm tiền là 45.562.000đ. Do đó năm học 2010-2011, dự toán sẽ thu 120.000đ/học sinh theo kế hoạch trả nợ còn lại.

 

Những khoản thu đầu năm rất vô lý này của trường đã như thêm gánh nặng lên đầu phụ huynh. Tuy nhiên, vì lợi ích con em nên tất cả đã phải “cắn răng” chịu đựng.

 

Biên bản thanh tra đã kết luận Trường THPT Bùi Thị Xuân đã thực hiện chưa đúng quy trình theo văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong công lập số 1313/GD&ĐT-KHTC ban hành ngày 10/8/2010 của giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Và đã xuất nhập quỹ khi chưa lập phiếu thu, chi.

 

Sai phạm quá nhiều nhưng chưa xử lý được ai - 2
Nợ từ việc xây dựng cổng trường THPT Bùi Thị Xuân phải bắt học sinh “gánh” qua 2 năm học.

 

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, làm việc với ban giám hiệu nhà trường ngày 23/9, đoàn Thanh tra Sở cũng đã phát hiện nhiều điểm thu ngoài không đúng với quy định mà sở đã đề ra.

 

Trong 2 tuần tới, đoàn thanh tra sẽ dự kiến làm việc với Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy), THPT Đặng Trần Côn (TP Huế), THPT Thuận An (huyện Phú Vang) và một số trường tiểu học, THCS đang có “vấn đề” khác.

 

Chế tài xử lý chưa có

 

Chiều 27/9, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thư, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc sẽ xử lý các trường học này theo phương án ra sao thì được ông Thư cho biết: “Hiện các chế tài chưa có quy định về xử phạt hành chính đối với các khoản thu ngoài ngân sách.

 

Cụ thể, trong điều 19, chương II thuộc nghị định số 106/2003/NĐ-CP ban hành ngày 23/9/2003 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí thì chỉ có quy định xử phạt từ 20 đến 50 triệu đồng đối với các trường hợp thu, chi sai phí, lệ phí mà không có khoản thu ngoài ngân sách.

 

Trong nghị định 49/2005/NĐ-CP ban hành ngày 11/4/2005 mới đây của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì không có mục nào đề cập đến vấn đề xử lý các khoản thu ngoài ngân sách”.

 

Theo ông Lê Thư, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng lạm thu tại Huế đang diễn ra ngày càng “rầm rộ”. Tuy nhiên, so với các thành phố như Đà Nẵng, TPHCM và Hà Nội thì mức thu, chi trái phép của Huế là ít hơn nhiều do đời sống kinh tế ở đất cố đô vẫn còn thấp nên các trường không “mạnh tay” với học sinh như các tỉnh bạn.

Theo ông Thư, sau khi làm việc xong, nhiều lãnh đạo của các trường đã nói một câu rất chung chung nhằm khẳng định trường mình sẽ không vi phạm là “Chúng tôi xin rút kinh nghiệm (?!)”.

 

Một điều rất “buồn cười” là cách đây 2 năm, có trường đã vi phạm và đã ký vào biên bản ghi nhớ “sẽ không vi phạm nữa”. Nhưng rồi, trường đó lại …tiếp tục vi phạm với những lỗi nặng hơn. Về nguyên nhân dẫn tới lỗi sai có 2 ý: một là chưa đọc văn bản hướng dẫn của sở về khoản thu ngoài; hai là đọc xong nhưng vẫn làm “lơ”.

 

“Thực tế là càng ngày trường học càng “tinh khôn”. Lợi dụng “con tin” là học sinh nên trường đã lập dự toán các khoản thu ngoài ngân sách từ trong hè, sau đó thông qua các phụ huynh từ đầu năm và bắt nộp một lượt”, ông Thư cho hay.

 

Trong thời gian đi kiểm tra tiếp các cơ sở còn lại, đoàn thanh tra vẫn chưa thể tiến hành các thủ tục xử phạt mà chỉ có “cầu mong” vào phán xét của Sở và tỉnh.

 

Hiện các trường vi phạm mới chỉ “xin lỗi bằng miệng” và viết giấy cam kết không vi phạm. Theo ông Thư, đoàn sẽ gửi lên ban giám đốc Sở GD-ĐT toàn bộ kết luận trong quá trình thanh tra. Tiếp đến, Sở GD-ĐT sẽ đệ trình lên tỉnh phương án giải quyết tối ưu nhất.

 

Vòng quay trong giải quyết rốt ráo vấn đề này vẫn đang bế tắc. Và hơn ai hết, phụ huynh lẫn học sinh vẫn là người “gánh chịu” cho những thầy, cô giáo với đồng lương ít ỏi - đang tìm mọi cách để có thêm thu nhập cho riêng mình.

 

Đại Dương