Giải pháp nào chống "lạm thu” đầu năm học?

(Dân trí) - Để giải quyết bài toán “lạm thu”, nhiều địa phương xây dựng mức học phí mới, yêu cầu các trường công khai thu-chi và không thu thêm một số khoản bên ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, giải pháp này sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ.

Theo chị Lê Hà, một phụ huynh ở quận Ba Đình, Hà Nội thì năm nào cũng có yêu cầu không được thu thêm những khoản bên ngoài, công khai các khoản thu chi… nhưng do chỉ dừng ở ý kiến chỉ đạo, thiếu những biện pháp kiểm tra và xử lý sau đó. Vì vậy, chỉ những trường hợp cụ thể nào bị phản ánh lên công luận, trước sức ép của dư luận có điều chỉnh được phần nào những khoản tiền trường. Còn trên thực tế, chưa có những trường hợp bị xử lý vì lạm thu hay thu chi không đúng.

Thiếu biện pháp xử lý

Nhằm giải quyết lạm thu ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đang xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, yêu cầu tổ chức này không chỉ biết mỗi việc thu tiền mà còn tổ chức các hoạt động khác như phối hợp giáo dục học sinh yếu kém, chậm tiến, tổ chức các chuyên đề về giáo dục nếp sống trong học sinh.

Theo điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, việc huy động đóng góp của phụ huynh phải theo phương thức hoàn toàn tự nguyện và các phụ huynh có đủ khả năng chi trả và thấy khoản thu hợp lý thì ký đơn nộp cho ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, phải làm cách nào để sự tự nguyện của cha mẹ học sinh thể hiện tốt nhất. Và khi cha mẹ học sinh đã ký vào văn bản đóng góp thì phải tự chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.

Tuy nhiên như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, việc đóng góp các khoản dưới mác tự nguyện hay khoản thu “thỏa thuận” thì phụ huynh khó có thể mà từ chối. Trong khi đó hầu hết các khoản lạm thu vô lý như thế chắc chắn không phải do các bậc phụ huynh nghĩ ra mà do lãnh đạo nhà trường. Nhưng khi sự việc được “phanh phui” thì mọi trách nhiệm đều đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Thường thì hiệu trưởng nhà trường “gợi ý” như thế nào, thì ban phụ huynh sẽ thu thế ấy. Nhưng khi có vấn đề lạm thu, lạm chi dẫn đến các bậc phụ huynh kêu ca thì hiệu trưởng lại nói việc ấy do Ban phụ huynh tự nguyện, đã thỏa thuận, nhà trường không biết, tôi không biết”, một phụ huynh chia sẻ.

Để giải quyết triết để bài toán trách nhiệm khi xảy ra lạm thu, vừa qua UNDB TP Đà Nẵng đã ban hành quy định việc vận động, quản lý, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ phụ huynh. Theo đó ngoài việc đưa ra mức trần để đóng góp vận động, UBND TP Đà Nẵng cho quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, giáo viện chủ nhiệm khi xảy ra vấn đề lạm thụ.

Mặc dù mạnh tay là vậy nhưng khi bàn đến việc tiến hành thanh tra giám sát như thế nào thì các đơn vị quản lý vẫn còn khá bối rối.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Chinh - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng: “Mới vào đầu năm học nên tình trạng lạm thu gần như là chưa có. Trong thời gian tới Sở sẽ tiến hành thanh tra, giám sát một cách gắt gao. Nếu phát hiện trường nào lạm thu và làm sai với quy định của UBND Thành phố thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.

Tuy nhiên khi đặt ra vấn đề, đối với những khoản thu không có biên lai xác nhận thì rất khó để kiểm tra và lúc đó chỉ có phụ huynh là người đứng ra phản ánh. Song trên thực tế việc phụ huynh phản ánh với ai, với cấp nào và cụ thể ra sao thì lại chưa có lời hồi đáp.

Đâu là giải pháp?

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh thì để quyết "bài toán" lạm thu thì trước tiên là phải niêm yết công khai tại mỗi trường học những khoản thu theo qui định hiện hành. Như vậy để mỗi phụ huynh đều nắm được và có ý thức về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó cần thường xuyên kiểm tra công tác thu - chi tại các nhà trường. Nếu phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm đối với những nhà trường cố tình lạm thu, đặt ra các khoản thu trái qui định và sử dụng sai mục đích.

Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quản lý thì không thể giải quyết được tình trạng lạm thu nếu từ phía phụ huynh không có một thái độ, cách nhìn nhận khác về các khoản tự nguyện trong tiền trường. Nếu bản thân phụ huynh thực sự không muốn tự nguyện nộp những khoản tiền đó thì cũng đừng dễ dàng chấp nhận, khiến những ý kiến phản đối trở thành thiểu số.

Trước vấn đề này, một số cán bộ công tác trong ngành giáo dục cho rằng, chúng ta không thể đòi hỏi các bậc phụ huynh từ chối đóng các khoản thu do nhà trường hoặc hội phụ huynh yêu cầu. Chính vì thế cũng không thể đưa ra các quy định “cứng” để xử lý.

Vấn đề ở đâu là các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ các khoản đóng góp và thu chi “tự nguyện” bởi hiện nay nhiều người chỉ biết đóng tiền còn nhà trường có thực hiện như lời đã nói trước đó hay không thì lại không quan tâm. Bên cạnh đó nhà trường cùng cần quan tâm đến hoàn cảnh của từng gia đình học sinh để trách tình trạng nhiều hộ thuộc diện khó khăn, chính sách nhưng vẫn phải miễn cưỡng đóng các khoản “tự nguyện”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm