Sách đánh vần “hình tròn ô vuông” của GS Hồ Ngọc Đại bị rớt khỏi vòng thẩm định
(Dân trí) - Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt, Toán vừa bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1.
Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1", một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.
Ở sách Toán 1 - Công nghệ giáo dục, cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng, có nhiều nội dung "không nằm trong yêu cầu của chương trình", "vượt yêu cầu của chương trình".
Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có ba mức xếp loại "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt". Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị xếp "Không đạt" trong đợt thẩm định này.
Mặc dù vậy, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK nhận xét, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại được biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng.
Về phía Giáo sư Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí đánh giá SGK còn cứng nhắc, cơ học.
Được biết, sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 ra đời từ 40 năm trước, trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia. Mới đây nhất, sách tiếp tục được thẩm định vào tháng 7/2018.
Đánh vần bằng ô vuông trong sách Tiếng Việt Công Nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Tuy nhiên lần này, sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục, trong đó có tiếng Việt, không vượt qua vòng thẩm định để sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đó, sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã nhiều lần gây "sóng gió" trên công luận vì cách tiếp cận có phần khác biệt SGK phổ thông hiện hành.
Điển hình mới đây nhất, dư luận tiếp tục "dậy sóng" khi một clip đánh vần bằng hình tròn, ô vuông được đăng tải trên mạng xã hội.
Trong lần đăng đàn để nói về bộ sách này, PV Dân trí nêu câu hỏi: “Vì sao CNGD trong 40 năm qua vẫn chỉ dừng lại mức độ thực nghiệm. Có hai điều có thể xảy ra: Thực nghiệm đó chưa đủ cơ sở khoa học để triển khai đại trà hoặc cũng có thể Bộ GD&ĐT vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này?”.
GS Đại khẳng định, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn bởi đấy là công trình đích thực của lịch sử, không phải của cá nhân.
GS Đại cho rằng: “Trong xã hội hiện nay, tôi thuộc về hàng thiểu số. Tôi hoàn toàn không có xu nào ngoài việc làm để sống. Điều này có nhiều lí do, tư duy giáo dục hiện nói chung và kể cả một số giáo sư nữa còn thấp quá, cộng thêm cả vụ lợi. Nhưng cái này có khi cuộc sống tự chấp nhận, đôi khi cuộc sống tự loại bỏ.
Tuy nhiên, tôi phải có cuộc sống tự vệ của tôi. Quan trọng nhất tư tưởng của nó là gì và kĩ thuật thực thi ra sao. Vì sao kéo dài như thế, tôi nghĩ đã có lịch sử xử lý, tôi không xử lý”.
Về việc, trong chương trình phổ thông mới tới đây sẽ không áp dụng những công nghệ mới của CNGD, liệu những đổi mới của ông sẽ tiếp tục đi về đâu? GS Đại khẳng định, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn bởi đấy là công trình đích thực của lịch sử, không phải của cá nhân.
Mỹ Hà