Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư

(Dân trí) - “Mỗi nghề đều có sự cao quý riêng. Trút bỏ bộ quần áo đứng lớp, tôi cũng là người mẹ, người vợ. Thế nên làm gì ra tiền, miễn là lao động chân chính, tôi đều làm cả. Từ nhặt ve chai đồng nát, đến lau nhà, quét vôi, quét sơn... tôi không nề hà. Dẫu sao tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi nhiều người còn khó khăn hơn gấp vạn”.

Trên đây là tâm sự của cô giáo Vương Thị Thùy - giáo viên dạy mỹ thuật ở trường tiểu học Viên Sơn (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Cô là một trong số các giáo viên vừa đoạt Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2017 do Sở GD&ĐT tổ chức nhân dịp 20/11 năm nay.

Nhặt đồng nát, lau nhà... chăm chồng trọng bệnh

Hôm nay ngày nghỉ, cô Thùy không có giờ lên lớp. Vơ vội bộ quần áo cũ, đôi giày ba ta, đeo khẩu trang, khoác cái nón mê lên đầu, cô Thùy đi phân loại ve chai, đồng nát. Dáng cô giáo Thùy liêu xiêu trong cái rét đầu đông, trên tay là bao phế liệu.

Ở khu làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) này, cô có một cửa hàng Internet quen. Đó là nhà bố đẻ của cô nhân viên ngân hàng, nơi gia đình Thùy đã vay nợ. Biết gia đình cô khó khăn, ông chủ cửa hàng gọi cô hàng tuần đến thu mua ve chai, phế liệu do cửa hàng tích cóp lại.

Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư - 1

Được biết thời gian đầu đi làm nghề thu mua đồng nát, nhiều người trong gia đình mong muốn cô làm việc gì đó nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng thời điểm đó vừa chăm chồng ở viện, vừa chăm hai con nhỏ, không cố định thời gian nên có việc gì làm tử tế mà ra tiền, cô đều nhận cả. “Hồi mới lấy nhau, tôi còn chả biết đi xe máy. Thế nhưng từ khi chồng bị trọng bệnh, có khi tôi còn đi quét sơn, vôi ve, mặc dù những việc đó tôi chưa làm bao giờ”, cô cho hay.

Hiện tại, trường cô Thùy dạy có 11 lớp, với 14 tiết Mỹ thuật/tuần. Do nhà cô Thùy xa trường nhất (7km), hoàn cảnh lại khó khăn nên BGH linh động, chuyển các giờ dạy Mỹ thuật gần nhau giúp cô Thùy rảnh một số ngày đi lao động kiếm thêm thu nhập.

Dáng cô giáo Thùy liêu xiêu trong chiều đông, trên tay là bao phế liệu (ảnh: Mỹ Hà)
Dáng cô giáo Thùy liêu xiêu trong chiều đông, trên tay là bao phế liệu (ảnh: Mỹ Hà)

Biết hoàn cảnh gia đình như thế, các đồng nghiệp ở trường tiểu học Viên Sơn cũng luôn đùm bọc, tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất cũng như động viên về tinh thần. Trong trường có việc gì cần thuê người, hoặc có chai lọ, chị em lại gọi Thùy. Những việc trang trí lặt vặt, nhà trường cho Thùy nhận làm thêm.

Nhiều chị em đồng nghiệp bảo nhau, gọi Thùy đến dọn dẹp, lau chùi nhà cửa ngoài giờ để cô có thêm việc. Mỗi ngày như vậy, cô kiếm được tầm 20 đến 25 nghìn, cũng có hôm được 50 nghìn tiền đồng nát, ve chai. Còn lau nhà, người trả theo giờ, người trả trăm rưỡi, một trăm tùy tấm lòng.

Khi được hỏi, chị có ngại khi phụ huynh và học sinh thấy cô đi nhặt ve chai? Cô cười: “Mỗi nghề đều có sự cao quý riêng. Trút bỏ bộ quần áo đứng lớp, tôi cũng là người mẹ, người vợ. Thế nên, làm gì ra tiền miễn là lao động chân chính giúp được gia đình, tôi đều làm cả. Từ nhặt ve chai đồng nát, đến lau nhà, quét vôi, quét sơn... tôi không nề hà. Dẫu sao tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi nhiều người còn khó khăn hơn gấp vạn”.

Bán nhà nuôi chồng trọng bệnh

Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư - 3

Kể về gia đình nhỏ và những biến cố khiến cô phải lao động quần quật trong những năm qua, Thùy cho hay, mình và chồng yêu nhau hồi hai người đang học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội vì... cả hai đều học giỏi.

Năm 2005 họ kết hôn. Thùy làm giáo viên Mỹ thuật ở Trường tiểu học Viên Sơn còn chồng cũng dạy Mỹ thuật ở Trường THCS Trung Hưng, thuộc thị xã Sơn Tây. Hai người sinh được hai đứa con, cháu đầu là Phạm Trường Thành và cháu Phạm Hà Thủy.

Hai vợ chồng mua đất, cất nhà ra ở riêng. Thời điểm đó, thi thoảng chồng cô cũng kê đau bụng nhưng nghĩ bị dạ dày nên chữa quanh quéo lại đỡ.

Vất vả, lo toan nhưng cô vẫn tận tụy với sự nghiệp trồng người (ảnh: Mỹ Hà)
Vất vả, lo toan nhưng cô vẫn tận tụy với sự nghiệp trồng người (ảnh: Mỹ Hà)

Ngày 27/11/2012, chồng Thùy lên cơn đau bụng dữ dội. Gia đình đưa chồng cô đi khám và được biết phải mổ cấp cứu. “Tôi rối bời trong lòng kí vào giấy mổ. 8h tối mổ xong, bác sĩ ở BV Đa khoa Sơn Tây cho biết, bụng anh ấy có khối u to như quả trứng. Ngày hôm sau, tôi nhờ đồng nghiệp mang bệnh phẩm xuống viện K ở Hà Nội vì một mình tôi đang phải chăm hai con. Đến 3 ngày sau, tôi không tin và mắt mình khi biết chồng ung thư ác tính giai đoạn cuối”, cô nhớ lại.

Cô kể, lúc đó lo lắng lắm, liệu chồng mình có kéo dài được không? Thế nhưng cô cắn răng tự nhủ phải cố lên. Nếu mình không vững vàng, chồng cũng sẽ suy sụp.

“Một năm trời, tôi vừa đi dạy vừa chạy qua viện nọ, viện kia chăm chồng truyền hóa chất. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Thậm chí có lúc đang ở viện, ai thuê việc gì, tôi nhận làm luôn. Các con thì nhờ ông bà nội ngoại, mỗi nơi một đứa.

Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư - 5

Từ đó đến nay đã 5 năm, tôi không còn sốc nữa mà dần quen với việc chạy qua chạy lại như con thoi. Thiếu thì thiếu nhiều vì khi anh ốm, tôi vay chỗ nọ đập chỗ kia nhưng tôi nghĩ mình vẫn may mắn hơn người khác”, cô nói.

Được biết lương của cô và chồng tổng cộng được 10 triệu đồng. Sau cơn trọng bệnh của chồng, cô bán nhà trả nợ và xin mẹ chồng mảnh đất nhỏ trong vườn, cất cái nhà nho nhỏ chui ra chui vào. Đồ đạc trong nhà mỗi người cho một thứ. Cô làm đủ mọi việc, còn chồng cố gắng vẽ hoặc chép tranh để chi phí thuốc men.

“Cứ 3 tháng, chồng tôi đi viện kiểm tra một lần. Cũng may sức khỏe anh ấy ổn hơn. Mỗi tháng như thế, tiền thuốc cho chồng tầm 2 triệu đồng, trả nợ lãi ngân hàng 4 triệu đồng, cộng với con cái học hành... Giờ kiếm được đồng nào quý đồng đó chứ lương thưởng của vợ chồng tôi cũng chỉ đủ một phần chi phí. Anh ấy ăn kiêng nên đâm ra, nhà cũng chỉ chủ yếu rau dưa, ít thịt cá", Thùy cười chia sẻ.

Cô giáo Thùy đùa: Do chồng ăn kiêng nên bữa cơm nhà đâm ra cũng ít thịt cá. (ảnh: Mỹ Hà)
Cô giáo Thùy đùa: "Do chồng ăn kiêng nên bữa cơm nhà đâm ra cũng ít thịt cá". (ảnh: Mỹ Hà)

Dạy ngoại khóa miễn phí

Trong suốt buổi nói chuyện của chúng tôi với cô giáo Thùy, ấn tượng để lại là hình ảnh cô giáo nhỏ bé, tay luôn thoăn thoắt và không lần nào kêu khổ. Cô vẫn bảo, em còn hạnh phúc hơn rất nhiều người. “Em đi nhanh, nói nhanh, làm mọi việc cũng nhanh đã quen. Nếu làm chậm thì không đủ thời gian”, cô thật thà tâm sự.

Điều đáng ngạc nhiên là giữa bao thứ bộn bề lo toan, các con cô học giỏi. Năm học vừa qua, con trai đầu của cô- cháu Phạm Trường Thành, đoạt giải khuyến khích cấp thị xã Olympic tiếng Anh trên Internet dành cho học sinh phổ thông năm 2016- 2017.

Ngoài ra, cô vẫn dạy ngoại khóa miễn phí cho học sinh. Cô bảo, ở đây không giống thành phố, học sinh còn ít lớp học kĩ năng. Vậy nên nhiều em có niềm say mê thực sự với Mỹ thuật, cô sẵn lòng dạy cho các em ở trường vào giờ nghỉ giải lao. Có học sinh nhờ năng khiếu cộng với sự kèm cặp của cô, đã được dự thi Mỹ thuật cấp thành phố.

Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư - 7

Trong hơn 10 năm làm giáo, 3 lần thị xã Sơn Tây tổ chức thi giáo viên giỏi môn Mỹ thuật, cô đều đoạt giải. Trong buổi tôn vinh và trao giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2017 do Sở GD&ĐT tổ chức nhân dịp 20/11, Thùy là một trong hai giáo viên của thị xã được đứng lên bục tôn vinh.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Viên Sơn cho biết: "Thùy là giáo viên Mỹ thuật nhưng năm nào cũng nhận được danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Không những cô có nghiệp vụ tốt mà còn được nhiều học sinh, đồng nghiệp quý mến. Một số học sinh của cô cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi Mỹ thuật cấp thị xã và đi dự thi thành phố.

Do thời lượng môn Mỹ thuật ở cấp tiểu học khá ít nên ngoài giờ dạy, cô phải đi làm thêm. Mặc dù thế, cô vẫn trau dồi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn.

“Tôi mới được điều động về trường 1 năm nay nhưng tấm gương của vượt khó của Thùy thật hiếm có. Cô đã vượt qua mọi khó khăn, làm từ giúp việc, đến nhặt ve chai, làm việc lặt vặt... Thậm chí khi đi giúp việc ở những gia đình khá giả, họ có nhiều sách truyện thừa, cũ bỏ đi, cô thu gom lại mang tặng những học sinh khó khăn trong trường. Cô ấy là tấm gương nghị lực trong cuộc sống”, cô Phương nhận xét.

Cô giáo Thùy với bao vất vả lo toan nhưng các con vẫn học giỏi và bản thân cô luôn đoạt giải giáo viên giỏi. (ảnh: Mỹ Hà)
Cô giáo Thùy với bao vất vả lo toan nhưng các con vẫn học giỏi và bản thân cô luôn đoạt giải giáo viên giỏi. (ảnh: Mỹ Hà)

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)