Rớt lớp 10 vì... “ảo tưởng”
(Dân trí) - Cạnh tranh vào lớp 10 ở TPHCM căng thẳng nhưng không ít học sinh rớt vào lớp 10 công lập không phải vì tỷ lệ cạnh tranh mà vì "ảo tưởng" khi đánh giá thực lực của mình.
Ráng chọn trường quá sức
Một giáo viên Trường THCS Trường Chinh, TPHCM kể gần như năm nào cô cũng chứng kiến có những học sinh (HS) học lực tốt nhưng... rớt lớp 10. Các em chọn nguyện vọng (NV) vào các trường có điểm chuẩn cao vượt quá điểm thi của các em, trong khi lại không "chừa" cho mình một đường nào lui nào.
Theo cô, HS thường chọn trường theo NV của cha mẹ, phụ huynh đinh ninh con mình phải vào trường này trường nọ. Có thể là trường họ từng theo học hoặc đó là những ngôi trường mơ ước của họ. Hay các em chọn theo bạn mà quên đi thứ quan trọng nhất là năng lực của mình đến ở mức nào.
"Có những em cả 3 NV đều chọn các trường tốp trên, không cho mình một phương án "dự phòng". Khi điểm thi không mong muốn hay điểm chuẩn vào các trường tăng vọt là các em... rớt hết. Các em rơi vào cú sốc tâm lý và phải chọn cho mình hình thức học tập khác rất áp lực", cô nói.
Cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, Q.1 nhắc lại những trường hợp đáng tiếc năm vừa rồi. Khi HS đăng ký NV, cô đã "cảnh báo" nhiều trường hợp nhưng bố mẹ, HS "ảo tưởng" lại thêm sĩ diện nên vẫn cố đăng ký vào những trường quá sức của các em.
Đến khi có kết quả, điểm chuẩn lại tăng vọt, nhiều trường trên 40, ở trường tốp thấp mà 30 - 35 điểm vẫn không vào nổi, HS và phụ huynh đều "sốc", nhiều em mất cơ hội học lớp 10 ở công lập, phải chọn những lối đi ngoài dự định.
Dồn dập thi thử
Để HS biết lượng sức, chọn NV hợp lý, không chỉ tư vấn HS và phụ huynh, nhiều trường THCS dồn dập tổ chức thi thử cho HS. Qua đó, các trường hy vọng HS và đặc biệt phụ huynh phải tỉnh táo trong việc đánh giá năng lực của con vì phần lớn phụ huynh đều "tưởng con mình giỏi".
Chị Trần Thùy Dung, có con học ở Trường THCS Kiến Thiết, Q.3 cho hay, sau khi có kết quả thi thử, chị và con đã ngồi lại cùng đánh giá khả năng để theo đuổi NV vào Trường Marie Curie. Cháu sẽ phải nỗ lực hoặc có thể phải thay đổi NV vào những trường an toàn hơn.
Trường THCS Lữ Gia, Q.11 vừa tổ chức kỳ thi thử lần 1 như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của thành phố, mức độ đề khó tương đương, tổ chức nghiêm túc như thi thật.
Các em HS đăng ký NV dựa vào kết quả thi học kỳ và điểm kiểm tra trên lớp nên thường đưa ra NV rất cao. Nhưng kết quả thi thử gây "choáng váng" khi hầu hết học sinh trượt NV1, có hơn 280 em nằm trong hướng học GDTX hoặc học nghề.
Trong tháng 4 này, trường sẽ tiếp tục tổ chức thi thử lần 2. Đây được xem là lời cảnh tỉnh để các em nỗ lực học tập hơn cũng như lựa chọn NV một cách tỉnh táo phù hợp với năng lực của mình hơn. Đặc biệt là để phụ huynh nhìn thẳng vào sức học của con, tránh những ép buộc, kỳ vọng quá sức khi con chọn NV.
Năm nay, TPHCM có khoảng 100.000 học sinh lớp 9, chỉ tiêu vào lớp 10 của 112 trường công lập là 67.299. Sẽ có hơn 32.000 học sinh không thể theo học lớp 10 công lập. Đây được xem là con số HS "rớt" khỏi lớp 10 công lập cao nhất từ trước đến nay của thành phố.
Cẩn trọng!
Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà quản lý, giáo viên ở TPHCM dành cho học sinh và phụ huynh khi đăng ký NV vào lớp 10. Tỷ lệ dành cho lớp 10 công lập ở thành phố hàng năm giảm dần theo kế hoạch phân luồng nên mức cạnh tranh ngày càng cao.
Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5/2019, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS năm học 2018- 2019.
Các buổi tư vấn sẽ đi sâu giải quyết các băn khoăn của HS, phụ huynh về đăng ký như thế nào để phù hợp với 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập; chọn trường nào để phù hợp với năng lực của HS; học trường tư thục có bảo đảm chất lượng và học phí có phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình các em...
Đồng thời, tư vấn về các ngành nghề phân luồng giúp cho HS lựa chọn hướng đi sau THCS ở các trường trung cấp, cao đẳng, liên thông, nghề ngắn hạn…
Hoài Nam