TPHCM:

Học trò “ngập mặt” luyện thi lớp 10

(Dân trí) - Tỷ lệ vào trường công lập giảm, số lượng học sinh rớt cao... - áp lực này đẩy cuộc đua ôn thi vào lớp 10 của các học sinh, gia đình ở TPHCM trở nên căng thẳng.

Không kịp ăn cơm cùng gia đình 

16h15 kết thúc giờ học ở trường, nữ sinh T.B.L, học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Bình Thạnh, TPHCM) về nhà ăn uống vội vàng rồi đến lớp ôn thi do giáo viên tổ chức. Học 2 tiếng đồng hồ, về đến nhà là hơn 8 giờ tối, em lại bắt đầu học bài và làm bài tập cho ngày hôm sau.

Học trò “ngập mặt” luyện thi lớp 10 - 1

L. theo học tại nhà thầy cô từ các năm trước nhưng chủ yếu chỉ học môn mình yếu. Bắt đầu từ lớp 9, cũng như hầu hết bạn bè, L. theo học cả ba môn Văn, Anh, Toán, tuần 3 buổi. Mới đây thì tăng cường học tuần 6 buổi để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 sắp tới. 

Hiện tại chưa nộp hồ sơ, nhưng L. dự định thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và Võ Thị Sáu. Bản thân em xác định, để đỗ được vào trường chắc chắc phải tập trung ôn luyện cao độ. 

Nhà trường chưa tổ chức ôn thi nhưng năm lớp 7, Tuấn Anh, học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở quận 3 cho biết, em và nhiều bạn đã theo học tại nhà giáo viên để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. 

Từ đầu năm học này, ngoài việc học thêm tại nhà thầy cô, Tuấn Anh cùng nhiều bạn học còn theo học tại trung tâm luyện thi, nơi có nhiều giáo viên nổi tiếng chuyên luyện thi lớp 10.

"Ngày học ở trường, chiều tối và những ngày cuối tuần thì xếp lịch học tại nhà thầy cô, tại trung tâm", câu học trò cho biết với lịch học này, 2 tháng qua, cậu không ăn cơm được cùng với gia đình. Sáng ăn vội vàng, trưa ăn ở trường, chiều ăn quán, tối về mới... dùng bữa đêm mẹ chuẩn bị sẵn. 

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường THCS chưa có kế hoạch ôn tập chính thức, chỉ mới là lịch học sinh "tự bơi" ôn luyện bên ngoài. Sắp tới, khi các trường vào cuộc ôn tập thì nhiều khả năng lịch học của các em còn dày đặc hơn nữa. 

Bố mẹ cũng mất ăn mất ngủ 

Từ ra Tết, vợ chồng anh Vũ Minh Thanh, nhà ở Phú Nhuận phải sắp xếp linh hoạt lịch làm việc luôn phiên đưa đón con đi học thêm. Trước con đi học bằng xe buýt nhưng giờ lịch học thêm kín mít, bố mẹ phải đưa đón mới kịp. 

Học ở trường, học ở trung tâm, tại nhà thầy cô, nhiều ca học vào giờ cao điểm anh chị ngồi trước quán cà phê chờ chở con về. Anh Thanh thở dài: "Ngày nào đưa đón con là về đến nhà tôi cũng mệt phờ, thế mà con phải học bài, làm bài tập. Nhưng không ôn thì đâu dễ đỗ vào lớp 10 công lập". 

Học trò “ngập mặt” luyện thi lớp 10 - 2

Học sinh lớp 9 ở TPHCM đang bước vào mùa luyện thi để tìm suất học lớp 10 ở trường THPT công lập 

Ông Vũ Hoàng Sơn, cũng là một giáo viên, có con chuẩn bị thi lớp 10 sắp tới cho biết mình không hiểu và giải được các bài tập cũng như kiến thức của bậc THCS, kiến thức thay đổi rất nhiều so với trước đây. Thế nên, thầy cũng không còn cách nào khác để con đi học thêm. Cứ hết giờ ở trường là cháu đi học thêm, về nhà lại lo làm bài tập. 

"Chỉ có những bậc cha mẹ có con chuẩn bị tham dự kì thi tuyển sinh 10 mới cảm thấy việc học của các con quá vất vả, căng thẳng. Bản thân các con phải chịu rất nhiều áp lực", ông Sơn cho biết. 

Dù hiểu như vậy, nhưng ông Sơn thừa nhận phụ huynh cũng không còn cách nào ngoài việc động viên con ráng đậu vào một trường công lập để có thể theo học phổ thông. Vì với đồng lương giáo viên của hai vợ chồng ông không thể kham nổi việc cho học học dân lập, tư thục. Điều gia đình có thể làm giảm áp lực cho con là tư vấn con chọn vào ngôi trường điểm đầu vào mức trung bình, gần nhà. 

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, chỉ tiêu lớp 10 công lập của thành phố năm học 2019-2020 dự kiến chỉ khoảng 70.000 trong tổng số trong 105.000 học sinh lớp 9. Như vậy, sẽ có khoảng 35.000 học sinh lớp 10 không có chỗ để học lớp 10 công lập. 

Dù rằng thành phố có nhiều mô hình phân luồng cho học sinh sau THCS như Trung tâm GDTX, trường ngoài công lập, trung cấp nghề... Nhưng thực tế là số đông học sinh và phụ huynh vẫn hy vọng có thể vào trường THPT công lập phù hợp với mong muốn, điều kiện gia đình. 

Hoài Nam