Rối bời độ tuổi trẻ học ngoại ngữ

(Dân trí) - Không riêng gì các ông bố bà mẹ băn khoăn nên cho trẻ học ngoại ngữ ở độ tuổi nào mà ngay đến các nhà quản lý dường như cũng đang lúng túng về vấn đề này.

Câu hỏi chưa lời đáp

Câu hỏi nên cho con học tiếng Anh ở độ tuổi nào được đặt ra từ lâu và đến nay dường như vẫn chưa có giải đáp nào thật sự thỏa đáng. Nhiều gia đình cho con học ngoại ngữ từ sớm mà không biết xấu tốt ra sao, chỉ hy vọng sau này con nói được tiếng nước ngoài như người bản ngữ. Các trung tâm ngoại ngữ cũng mở vô số lớp học cho trẻ từ 3 tuổi, thậm chí cả lứa tuổi nhỏ hơn. 

Tiếng Anh được nhiều trường mần non ở TPHCM đưa vào giảng dạy. 
Tiếng Anh được nhiều trường mần non ở TPHCM đưa vào giảng dạy. 

Mong con sớm được học ngoại ngữ là mong muốn của nhiều phụ huynh nhưng cũng lo ngại con sẽ bị “loạn” ngôn ngữ, ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ. Tâm lý dùng dằng không học thì lo mà học cũng ngại không ít người gặp phải.

Chị Hoàng Thị Quyên, nhà ở Q.11, TPHCM chia sẻ, gia đình chị vẫn chưa thống nhất được có nên cho cô con gái chưa đến 3 tuổi học tiếng Anh hay không. Thấy nhiều trẻ độ tuổi này đã đi học, chồng chị cũng muốn con được tiếp xúc sớm. Còn chị lại cho rằng con mình chưa học tiếng Việt, chỉ mới nói được vài ba câu chưa đầu chưa đuôi, nếu học tiếng Anh ngay lúc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ.

Không riêng gì các ông bố bà mẹ băn khoăn nên cho trẻ học ngoại ngữ ở độ tuổi nào mà ngay đến các nhà quản lý dường như cũng đang… lúng túng về vấn đề này.

Tại TPHCM, một số trường mầm non tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình được giới thiệu từ Sở GD-ĐT. Trong nhiều cuộc họp giao ban bậc học này, vấn đề nên dạy ở độ tuổi nào cũng được nhiều quản lý nhà trường đặt ra nhưng vẫn không có câu trả lời xác đáng mà chỉ là những ý chung chung chưa có nghiên cứu cụ thể, dạy cho những trẻ phụ huynh có nhu cầu, điều kiện. 

Tiếng Anh được nhiều trường mần non ở TPHCM đưa vào giảng dạy. 
Sau một tháng có văn bản yêu cầu các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ, Bộ GD-ĐT đã "mở" cho phép các trường dạy với nhiều điều kiện đi kèm. 
 
Ngày 18/2/2014, Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ. Nhưng đến ngày 18/3/2014, Bộ lại “gỡ” công văn này, cho phép ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu. Sự thay đổi "chóng mặt" này được xem là linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, gỡ rối cho nhiều trường mầm non đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy lâu nay, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. 

Nhưng phải chăng, điều đó cũng phần nào cho thấy, ngay cả cấp quản lý cũng còn lúng túng về độ tuổi dạy ngoại ngữ cho trẻ?

Quan trọng là học đúng cách

Ngay cả các quan điểm khoa học cũng có những kết quả không hoàn toàn giống nhau về độ tuổi nên học ngoại ngữ. Các chuyên gia cũng mỗi người một ý và thay đổi theo thời gian. Khoảng chục năm đổ về trước, hầu hết cho rằng trẻ chỉ nên học ngoại ngữ khi đã sõi tiếng Việt. Con giờ đây, nhiều ý kiến nghiêng về học tiếng Anh càng sớm càng tốt. 

BS Phạm Ngọc Thanh, nguyên trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ nên cho trẻ học tiếng Anh khi các cháu trẻ đã nói tốt tiếng Việt, độ tuổi phù hợp nhất là lúc 5 tuổi và còn tùy thuộc và khả năng ngôn ngữ của từng đứa trẻ. 

Trong việc học ngoại ngữ, điều quan trọng nhất là đúng cách, trẻ học sai sẽ rất khó sửa.
Trong việc học ngoại ngữ, điều quan trọng nhất là đúng cách, trẻ học sai sẽ rất khó sửa. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, TPHCM trong giờ học tiếng Anh. 

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Trưởng khoa giáo dục mầm non (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, trước đây bản thân bà cũng quan niệm không nên để trẻ học ngoại ngữ quá sớm. Còn giờ, theo bà trẻ em được tiếp xúc sớm với ngoại ngữ là một lợi thế.

Vậy nhưng, TS Hiền nhấn mạnh quan trọng nhất là cách học như thế nào và tùy từng đứng trẻ. Nếu tiếp xúc đúng cách, thông qua giao tiếp, các trò chơi nhẹ nhàng và trẻ thật sự hứng thú là điều rất tốt. Còn học sai cách, mang tính nhồi nhép, ép buộc đối thì tuyệt đối không nên ngay với cả tiếng Việt chứ chưa nói đến tiếng nước ngoài.

Trong một chuyến đi công tác ở Philippines - nơi tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ hai, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề với các chuyên gia giáo dục nước này, việc trẻ học ngoại ngữ quá sớm có ảnh hưởng không tốt đến việc sử dụng tiếng mẹ đẻ hay không. Câu trả lời của họ là việc học ngoại ngữ sớm không nguy hại đến tiếng mẹ đẻ nhưng để hiệu quả thì phải học đúng cách.

Ngay từ rất, trẻ em Philippines bên cạnh với tiếng mẹ đẻ đã được học tiếng Anh. Tiếng Anh được người dân đất nước này sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và trong các văn bản hành chính. Nhiều nước đến đây tìm giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có Việt Nam.

Cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau về độ tuổi học ngoại ngữ, các chuyên gia đều có chung khuyến cáo, yêu cầu cao nhất đối việc học trẻ học ngoại ngữ là đúng cách, phù hợp lứa tuổi. Học sớm mà sai sẽ rất khó sửa nên thà muộn một chút mà chắc. Nhất là khi thực tế chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở các trường mầm non hiện còn quá nhiều vấn đề để bàn.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm