Ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm và trao giải thưởng lần thứ nhất

(Dân trí) - Sáng nay 4/2, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm và trao thưởng lần thứ nhất cho các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc về nghiên cứu lịch sử.

Đặc biệt, ngày hôm nay (4/2) chính là ngày sinh nhật lần thứ 93 của cố GS Đinh Xuân Lâm.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm, GS.TS Đinh Văn Khánh trưởng Ban điều hành Quỹ cho biết, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm là một nhà giáo, nhà khoa học tài năng, thuộc thế hệ những người đặt nền móng xây dựng nền Sử học cách mạng Việt Nam.

Ông được biết đến như một trong tứ trụ huyền thoại "Lâm, Lê, Tấn, Vượng", tức là 4 giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng của khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN).


Cố GS Đinh Xuân Lâm (ảnh: Bùi Tuấn)

Cố GS Đinh Xuân Lâm (ảnh: Bùi Tuấn)

Trong hơn 60 năm làm công tác nghiên cứu GS Đinh Xuân Lâm đã hoàn thành và công bố trên 400 công trình khoa học là các giáo trình, sách tham khảo, bài báo khoa học gồm nhiều thể loại và trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ lịch sử đến văn học, văn hóa dân tộc. Nhưng tâm sức và những đóng góp chủ yếu của ông lại dồn vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử Việt Nam cận - hiện đại.

Cùng với những thành tựu khoa học xuất sắc, GS Đinh Xuân Lâm còn là một nhà giáo mẫu mực. Các thế hệ học trò yêu mến và kính trọng ông không chỉ ở tài năng, hiểu rộng biết nhiều mà còn là tính cách nhân hậu, khiêm nhường, bộc trực mà thanh cao, phóng khoáng mà rất đức độ, đúng mực.

Lúc sinh thời, cố GS Đinh Xuân Lâm từng nói: "Nếu có kiếp sau và được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học". Nghề nghiệp dạy học không chỉ góp phần làm nên tên tuổi của GS, nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm tài cao, đức trọng, mà còn là niềm đam mê là máu thịt, và tình yêu mà ông đã gắn bó, trân trọng và cống hiến cả cuộc đời.

GS Đinh Văn Khánh cho biết, để tưởng nhớ và vinh danh, đồng thời nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tiếp tục học tập, tiếp nối sự nghiệp và nhân lên những thành tựu Sử học của GS Đinh Xuân Lâm, sau khi ông mất (25-1-2017, tức ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân), nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò và gia đình đã bàn bạc và thống nhất kế hoạch thành lập Quỹ Sử học mang tên Đinh Xuân Lâm.


Các sinh viên xuất sắc khoa Lịch sử nhận giải thưởng Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm lần thứ nhất

Các sinh viên xuất sắc khoa Lịch sử nhận giải thưởng Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm lần thứ nhất

Kế hoạch đó đã được lãnh đạo khoa Lịch sử và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện để Quỹ triển khai hoạt động.

Trong ngày ra mắt, Quỹ đã trao thưởng cho 15 sinh viên (mỗi giải thưởng 5 triệu đồng); 3 giải thưởng cho học viên cao học (mỗi giải thưởng 10 triệu đồng); 3 giải thưởng thưởng cho nghiên cứu sinh (mỗi giải thưởng trị giá 20 triệu đồng).

Ngoài ra, những sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở các tỉnh ngoài Hà Nội đến nhận giải thưởng còn được hỗ trợ tiền tàu xe đi lại.


Ông Đinh Xuân Thọ con trai cố GS Đinh Xuân Lâm là người sáng lập và Chủ tịch Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã trao kỷ niệm chương của Quỹ tới các GS đã tham gia đồng hành thành lập Quỹ

Ông Đinh Xuân Thọ con trai cố GS Đinh Xuân Lâm là người sáng lập và Chủ tịch Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã trao kỷ niệm chương của Quỹ tới các GS đã tham gia đồng hành thành lập Quỹ

Xúc động trong lễ ra mắt Quỹ, ông Đinh Xuân Thọ, con trai cố GS Đinh Xuân Lâm bày tỏ: "Bố tôi, trong cả cuộc đời của mình, ông không bao giờ phấn đấu vì chức danh, không bao giờ làm việc vì tiền của. Sau khi nhắm mắt xuôi tay, cái giá trị mà bố tôi để lại cũng là cái không thể đem ra cân đong đo đếm được. Đó là sự gắn bó của ông đối với bộ môn lịch sử và mong ước được truyền tải những giá trị của việc nghiên cứu học tập lịch sử tới các thế hệ mai sau. Chính vì những lý do trên, chúng tôi đã có ý tưởng thành lập Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm...".

Phát biểu tại buổi lễ, GS Phan Huy Lê bùi ngùi tâm sự: "Lễ ra mắt Quỹ đúng vào ngày sinh nhật của GS Đinh Xuân Lâm, tôi không khỏi xúc động bởi đến nay trong 4 cái tên "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" thì GS Vượng ra đi sớm nhất năm 2005, GS Lâm ra đi năm 2017, GS Tấn thì đang ốm rất nặng, còn mình tôi. Biết làm sao được, cuộc sống vốn là như thế. Nhưng bên cạnh sự xúc động và nỗi buồn cô đơn đó thì hôm nay chứng kiến lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã làm tôi rất vui".

GS Phan Huy Lê cho hay, khi sống, GS Đinh Xuân Lâm đã từng tâm sự với tôi, rất muốn có Quỹ sử học mang tên ông để làm kỷ niệm cuộc đời nghiên cứu sử học của mình, bởi ông sinh ra và sống không chỉ một quê mà rất nhiều quê. Quê gốc GS Lâm ở Hà Tĩnh, lớn lên học ở Huế, sau đó ra dạy học ở Thanh Hóa và sinh sống tại Hà Nội. Chính vì vậy, ông muốn có giải thưởng dành tặng những sinh viên yêu Sử thuộc những cơ sở đào tạo từ Huế trở ra.


GS Phan Huy Lê và cố GS Đinh Xuân Lâm

GS Phan Huy Lê và cố GS Đinh Xuân Lâm

Được biết, Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm được dành tặng thưởng cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành lịch sử, ưu tiên những người nghiên cứu đề tài thuộc giai đoạn lịch sử Việt Nam cận - hiện đại trong các cơ sở đào tạo từ Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội với những tiêu chí:

Sinh viên có thành tích học tập từ giỏi trở lên và có giải thưởng nghiên cứu khoa học; Học viên cao học có thành tích học tập từ giỏi trở lên, kết quả bảo vệ luận văn đạt loại xuất sắc và có thành tích nghiên cứu khoa học dưới dạng sách hoặc bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước.

Nghiên cứu sinh đoạt giải thưởng phải có kết quả bảo vệ luận án đạt xuất sắc và công trình trình công bố ở Nhà xuất bản, tạp chí quốc gia, quốc tế uy tín.

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm