Quyết tâm số hóa bài giảng tiểu học của nữ hiệu trưởng vùng cao

CTV

(Dân trí) - 28 năm không ngừng sáng tạo, cống hiến, đặc biệt là quyết tâm triển khai số hóa trong thiết kế bài giảng cho học sinh, nhà giáo Nguyễn Thị Lan Anh đã vinh dự được phong tặng Nhà giáo ưu tú 2024.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân với 4 anh chị em, cô giáo Lan Anh có tuổi thơ gắn liền với các công trình cầu đường, thủy lợi. Bố mẹ đến công trường nào, lại bồng bế các con đi công trường ấy.

Ra trường năm 1996, cô được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Lào Cai. Với tình yêu nghề và ý chí nghị lực của tuổi trẻ, nhà giáo đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm giảng dạy, quản lí quý báu khi kinh qua các vị trí như giáo viên, phó hiệu trưởng và hiệu trưởng.

Quyết tâm số hóa bài giảng tiểu học của nữ hiệu trưởng vùng cao - 1

Nhà giáo Nguyễn Thị Lan Anh tại lễ tuyên dương khen thưởng Nhà giáo tiêu biểu tỉnh Lào Cai 2024 (Ảnh nhân vật cung cấp).

Khi đứng trước xu thế hội nhập của giáo dục, cơn lốc số hóa trong giáo dục ngày càng thôi thúc chị, với trách nhiệm là hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, chị đã nâng cao vai trò lãnh đạo, làm gương trong công tác học tập bồi dưỡng chuyên môn.

"Để chứng minh cho đồng nghiệp thấy, việc học tập sẽ không bao giờ muộn nếu bạn thật sự có quyết tâm, tôi đã theo học lớp Thạc sĩ Giáo dục tiểu học ở độ tuổi 48, và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở độ tuổi 50", cô giáo Lan Anh nhớ lại.

Không dừng lại đó, trước những rào cản về suy nghĩ giáo viên lớn tuổi khó áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học; không hiểu về công nghệ số và không thể áp dụng được số hóa trong giáo dục, chị lại bàn bạc với giáo viên tin học của nhà trường, tự tìm tòi các phần mềm dạy học, với sự hướng dẫn của giáo viên Tin, chị luôn thị phạm trước các phần mềm, sau khi đã hiểu rõ, vận dụng tốt mới tổ chức tập huấn cho giáo viên của trường.

Cô Lan Anh hồ hởi chia sẻ: "Chỉ sau 2 năm, trái ngọt đã đến với trường Hoàng Văn Thụ khi 100% giáo viên trong trường đã thực hiện các tiết dạy ứng dụng CNTT, trong đó trên 50% giáo viên ứng dụng CNTT ở mức độ cao. Đây có thể nói là kết quả rất đỗi tự hào với thầy và trò của nhà trường trong xu thế số hóa trong giáo dục".

Trong suốt mùa dịch Covid-19, do đã chuẩn bị sẵn các kiến thức và kĩ năng sử dụng các phần mềm kết hợp với các phương tiện dạy học nên việc giảng dạy trực tuyến của giáo viên trong nhà trường gặp khá nhiều thuận lợi với tổng số 47.520 tiết dạy; 288 video hướng dẫn tự học; 100% các tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nhà giáo còn lên kế hoạch xây dựng thư viện số với 1.080 giáo án điện tử, nhiều video và các hình ảnh số được lưu trữ.

Ngoài ra, cô Lan Anh còn có chính sách hỗ trợ sáng kiến, thưởng nóng cho những thành tích mà giáo viên trong nhà trường đạt được nên trong cuộc thi Thiết bị số do Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai tổ chức, giáo viên của nhà trường đã đạt giải nhất cấp thành phố.

Quyết tâm số hóa bài giảng tiểu học của nữ hiệu trưởng vùng cao - 2

Với cô Lan Anh, tất cả những nỗ lực, không ngại khó ngại khổ là tất cả vì các con học sinh thân yêu (Ảnh nhân vật cung cấp).

Bằng tình yêu, đam mê và tâm huyết của mình, cô đã dẫn dắt tập thể giữ vững và phát huy những thành tích đã có của nhà trường với các danh hiệu cao quý như Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng của Bộ TN&MT; Nhiều bằng khen cấp bộ, tỉnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn chị làm hiệu trưởng, nhà trường còn xác lập thêm thành tích ấn tượng như lần đầu tiên tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai và nhà trường có học sinh được vinh danh Trạng nguyên Tiếng Việt lớp 4 cấp quốc gia, lần đầu tiên có học sinh đạt huy chương vàng cuộc thi IOE cấp Quốc gia, nhiều học sinh đạt giải cao trong cuộc thi Toán, Tiếng Việt của câu lạc bộ Văn Toán tuổi thơ toàn quốc.

Về phía cá nhân, khi được hỏi về bí quyết để có được những kết quả như vậy, chị cho biết: "Không có bí quyết gì đặc biệt, những nhà giáo chúng tôi luôn tâm niệm tất cả vì các con học sinh thân yêu.

Chúng tôi sẵn sàng không ngại khó, không ngại khổ, không ngại rào cản về tuổi tác, mỗi thầy cô bằng cách làm sáng tạo của riêng mình, cố gắng vun đắp, bồi dưỡng các thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Chứng kiến các con khôn lớn trưởng thành là phần thưởng vô giá với những người làm công tác giáo dục như chúng tôi".

Quyết tâm số hóa bài giảng tiểu học của nữ hiệu trưởng vùng cao - 3

Cô Lan Anh (người phát biểu) trong buổi trao đổi chuyên đề với đồng nghiệp (Ảnh nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên, một đồng nghiệp của chị cho biết: "Trong đơn vị, chị Lan Anh như một người chị cả chu toàn chăm lo các em; trong chuyên môn chị lại là người hiểu sâu, nắm rõ và chỉ đạo sát; trong công tác quản lí, chị luôn đưa ra nhiều kế sách phù hợp, sáng tạo...

Có một nét rất riêng ở cô Lan Anh là đồng nghiệp không chỉ yêu quý chị vì giỏi chuyên môn, tài tình trong công tác quản lí mà còn bởi cách chị quan tâm, chăm lo đến mọi người. Nhà ai có việc hiếu, việc hỉ chị đều đứng ra lo liệu, hết phân công cán bộ giáo viên phụ trách các mảng công việc, chị còn tự mình túc trực quán xuyến.

Hơn 4 năm làm việc với chị, đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn được biên chế vào các nhóm lễ tân, xếp chỗ, mời khách, thư kí… rất chuyên nghiệp mỗi khi gia đình đồng nghiệp có công việc. Chúng tôi hay nói đùa: "Sau này về hưu chị Lan Anh thành lập luôn một đội lo việc hiếu, việc hỉ".

Ghi nhận những thành tích đạt được của chị, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho chị nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như 17 năm chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 năm chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 4 bằng khen cấp tỉnh, 1 bằng khen cấp Bộ, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Và ngay trước thềm 20/11 năm nay, nhà giáo, hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Anh còn được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Danh hiệu này là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho chị trong suốt cuộc hành trình 28 năm tận tâm, tận tụy, tận lực, tận tình và không ngừng sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lào Cai.

Quỳnh Nga