Quảng Nam thực hiện giáo án điện tử bằng góp vốn
(Dân trí) - Trong chương trình đổi mới giáo dục, việc hỗ trợ giáo viên tiếp xúc với phương pháp soạn và giảng dạy bằng giáo án điện tử được các ban, ngành Giáo dục tại tỉnh Quảng Nam quan tâm. Nhiều đoàn trường tại tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình soạn giáo án điện tử.
Giáo viên góp vốn mua máy tính
Thông tư số 01/2011/TT-BNVcủa Bộ Nội vụ ngày 19/1/2011 về Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính giúp giáo viên tiếp cận với cách thức soạn giáo án. Tuy nhiên không phải giáo viên nào cũng có điều kiện mua sắm máy tính để thực hiện.
Ông Lê Trung Cường - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Giáo án điện tử đã được triển khai nhiều năm nay, mặc dù lúc đầu tiếp cận có khó khăn, nhưng khi đó, quy định của Bộ chưa ngặt nghèo lắm, chỉ mới ở mức độ khuyến khích, về sau này mới áp dụng tất cả các trường. Nhưng ngay từ ngày đầu, các trường trên huyện Duy Xuyên đã có nhiều sáng kiến giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình này".
Theo ông, thì ngay từ năm 2000, các giáo viên đã được tiếp cận với phương pháp này, các giáo viên cùng trường đã cùng nhau góp vốn, tự mua máy tính và tự học. Còn đối với các chương trình giảng dạy bằng trình chiếu, thì các tổ trong trường hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tiết dạy. "Do vậy mà hầu hết giáo viên sau hơn 10 năm đã thành thạo kỹ năng học và sử dụng máy tính và thực hiện các tiết dạy bằng máy chiếu"- ông Cường nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, nguyên là Chủ tịch công đoàn Trường THCS Chu Văn An (huyện Duy Xuyên) cho biết: "Khoảng 10 năm trước, việc áp dụng máy tính soạn giáo án không khắt khe như bây giờ. Hồi đó, trường chỉ có 10 chiếc máy tính, mà toàn trường có 40 giáo viên, do vậy việc đảm bảo tiết học trở nên khó khăn", cô chia sẻ thêm, thời điểm ấy lương giáo viên vẫn còn thấp, việc mua máy tính lại càng trở nên xa xỉ, vì vậy, trường đã nghĩ ra phương pháp góp vốn xoay vòng".
Theo phương pháp này, mỗi tháng các giáo viên đóng góp 100 nghìn đồng/người, và 40 người thì có 4 triệu đồng/tháng. Số tiền góp được dùng để mua 1 chiếc máy tính và chiếc máy này sẽ trao cho 1 người trong 1 tổ cho đến khi tất cả các giáo viên đều nhận được.
Cô Thu cho biết: "Tổ Ngoại ngữ người ta cần trước, cho nên các giáo viên ưu tiên sắm cho các giáo viên trong tổ Ngoại ngữ, rồi đến Toán - Lý, Hóa - Địa,…".
Đã có máy tính nhưng việc tiếp cận với phương pháp dạy, soạn thảo như thế nào, quy cách làm sao… lại là việc khác. Không chỉ dừng lại ở việc góp vốn mua máy tính, mà các giáo viên cũng tự hướng dẫn cho nhau phương pháp tiếp cận thông tin, theo dõi học tập, soạn thảo qua máy tính. Cô Nguyễn Thị Thu cho biết: "Các thầy Toán - Tin biết trước và là người am hiểu máy tính, vì vậy, các thầy sẽ dạy cho các giáo viên trong tổ khác còn lại".
Theo đó, sau tiết dạy, tranh thủ khoảng 1 giờ, các giáo viên ngồi lại để học lớp vi tính cho các thầy Toán - Tin dạy.
"Bài toán" giáo án điện tử cơ bản được giải quyết
Cô Nguyễn Thị Thu cho biết: "Trước khi chương trình này đưa vào bắt buộc, thì 10 năm trước, các giáo viên đã tự nguyện tìm và học, trở thành một phong trào tốt trong trường. Không chỉ có Trường THCS Chu Văn An mà nhiều trường trên toàn huyện đã theo và học hỏi phương pháp này khi điều kiện kinh tế còn khó khăn".
Kế nhiệm cô Thu là cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ nhiệm công đoàn Trường THCS Chu Văn An, cho biết: "Đến nay hầu hết các giáo viên đều có máy tính, thậm chí nhiều giáo viên đã tự sắm máy tính xách tay, giảng dạy trên lớp đều thực hiện bằng dạy và học trực quan".
Cơ bản cái khó trong thực hiện soạn giáo án điện tử được giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, ông
Lê Trung Cường - Trường Phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên cho biết: "Ban đầu khi quy định này ban hành, đã có nhiều khó khăn nhưng đến nay đã cơ bản đã thực hiện tốt, ngoài trường THCS Chu Văn An còn có trường tiểu học, mầm non khác trên huyện. Tuy nhiên có nhiều vấn đề còn hạn chế".
Ông Lê Trung Cường - Trường Phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên chia sẻ những khó khăn khi tiến đến thực hiện hoàn toàn bằng điện tử.
Theo ông Cường, hạn chế còn tồn tại chính là vấn đề thực hiện sổ điểm điện tử. "Rõ ràng soạn giáo án điện tử thì hầu hết các giáo viên đã thực hiện tốt, tuy nhiên với sổ điểm điện tử thì ngược lại, bởi về pháp lý thì sổ điểm phải có dấu mộc, nhưng nếu cập nhật điện tử thì sẽ không đóng dấu, vậy tính pháp lý của sổ điểm không có".
Ông cũng cho rằng, việc ra đời của sổ điểm điện tử cũng có mặt thuận lợi trong việc giảm hồ sơ cho các giáo viên, nhưng việc kiểm soát tính pháp lý lại gặp trở ngại.
Do vậy, ông Cường mong muốn rằng cần có phương pháp để việc đưa điện tử vào giảng dạy và học tập có hiệu quả hơn.
Nguyễn Trang
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |