Quảng Bình: Đề xuất bỏ mô hình trường trung học phố thông kỹ thuật

(Dân trí) - Chiều 1/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, Sở vừa có đề xuất lên UBND tỉnh về việc bỏ mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật, đồng thời không nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN).

Mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Phú Thọ Đồng Tháp và Cần Thơ.

Tại Quảng Bình, mô hình này được thực hiện tại một trường ở huyện Lệ Thủy từ năm 2004. Ngôi trường thành lập nhằm thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho học sinh vừa có trình độ trung học phổ thông, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, góp phần phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Chương trình được thiết kế theo cấu trúc 70% là giáo dục phổ thông theo chương trình sách giáo khoa chuẩn và 30% cho kỹ thuật nghề. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện thì mô hình này đã biểu hiện nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Nhân cho rằng, mô hình không phù hợp với điều kiện thực tiễn, cơ sở vật chất phục vụ cho mô hình cũng chưa được đảm bảo. Vì vậy, Sở đã đề xuất UBND tỉnh này chuyển mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật Lệ Thủy sang mô hình trường trung học phổ thông bình thường. “Những lớp hiện đang theo học mô hình trường học này thì sẽ học cho xong, tuy nhiên đến năm học 2017-2018 , chúng tôi sẽ chấm dứt ở những lớp đầu cấp”, ông Nhân khẳng định.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đề xuất với UBND tỉnh này không nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN).

Một trường học ở Quảng Bình chưa đảm bảo cơ sở vật chất nhưng vẫn thực hiện mô hình VNEN
Một trường học ở Quảng Bình chưa đảm bảo cơ sở vật chất nhưng vẫn thực hiện mô hình VNEN

Mô hình VNEN được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm học 2013-2014. Theo đó, tại Quảng Bình có 14 trường tiểu học thực hiện dự án. Qua hàng năm, Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các trường tiểu học nhân rộng toàn phần và nhân rộng mức độ 1. Đến năm học 2015-2016, Sở này tiếp tục chỉ đạo thí điểm mô hình trường học mới đối với cấp trung học cở sở.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, ngoài những ưu điểm thì mô hình cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường khi áp dụng còn bị phụ huynh phản đối quyết liệt. Vì vậy, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã đề xuất lên UBND tỉnh không nhân rộng thêm.

Về vấn đề này, ông Nhân nêu quan điểm, nếu trường nào đủ điều kiện thực hiện mô hình VNEN thì báo cáo sở, sở sẽ nhất trí. Nhưng trường đó phải làm đề án về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên rồi phụ huynh học sinh, xem đảm bảo hay không. Nơi nào đảm bảo thì mở, mà không thì thôi.

“Kể cả những nơi phụ huynh đồng tình, nhất trí áp dụng mà không đảm bảo được các điều kiện khác thì cũng không thể mở theo kiểu đó được. Học thì phải đảm bảo một cách khoa học chứ không thể theo một ý thích nào”, ông Nhân nói thêm.

Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm