Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Quán triệt tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong phong trào học tập suốt đời
(Dân trí) - Để được một nhận thức đúng đắn về ý nghĩa tầm quan trọng cũng như phương thức học tập suốt đời để xây dựng Xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của đất nước, thiết nghĩ chúng ta nên đọc những di huấn của Hồ Chí Minh về giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục người lớn về tư tưởng học tập suốt đời, về học tập, tu dưỡng và tự học, tự giáo dục…
Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ.TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020” (gọi là Đề án 281) và trực tiếp giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Đề án này.
Đến nay, việc triển khai Đề án 281 mới đang ở giai đoạn thí điểm, các bộ tiêu chí đánh giá công nhận những danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập”. Giai đoạn này sẽ kết thúc vào cuối năm 2015.
Để được một nhận thức đúng đắn về ý nghĩa tầm quan trọng cũng như phương thức học tập suốt đời để xây dựng Xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của đất nước, thiết nghĩ chúng ta nên đọc những di huấn của Hồ Chí Minh về giáo dục thế hệ trẻ và giáo dục người lớn về tư tưởng học tập suốt đời, về học tập, tu dưỡng và tự học, tự giáo dục…
Nhằm xây dựng một xã hội học tập, trong đó ai cũng được học hành. Trước hết, phải có một nền giáo dục dân chủ - một nền giáo dục không được loại trừ bất cứ người dân nào (nói theo cách của Jacques Delors – nguyên Chủ tịch Ủy ban phát triển giáo dục Thế kỷ XXI của UNESCO). Tư tưởng chống nền giáo dục “loại trừ” này đã được Hồ Chí Minh nói trước Jacques Delors trên 50 năm.
“Mỗi năm cứ đến ngày khai trường, các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường. Và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đẩy vào cảnh ngu dốt vì không có đủ trường sở cho chúng đi học…”
Hồ Chí Minh – Nạn thiếu trường học- Báo L’Humanite’, 5/2/1923. Toàn tập, Tập 1, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2011, trang 172)
Ngày ấy, Hồ Chí Minh đấu tranh đòi Chính phủ bảo hộ Pháp mở trường cho con em người Việt không đứng ngoài giáo dục. Ngày nay, trường rất nhiều nhưng đến trường ngày khai trường, không biết bao nhiêu người cầm tiền chạy trường, chạy lớp cho con, không biết bao nhiêu vị phụ huynh chạy vạy vì học phí và khoản thu của nhà trường quá sức chịu đựng của túi tiền nơi họ. Cái cảnh mà Hồ Chí Minh nói ngày đó và tình hình trường lớp hôm nay đã khác xa nhau, nhưng chỗ giống nhau là trẻ con không tới trường vẫn là tình trạng không thể bỏ qua được. Cảnh này cứ tiếp tục trong những năm tới thì liệu chúng ta có được một xã hội học tập đúng với nghĩa của nó không?
Hồ Chí Minh luôn nói đến sứ mạng cao cả của giáo dục: Chống sự dốt nát và phải chiến thắng được “giặc dốt”. Mỗi người phải phấn đấu để vượt ra khỏi tình trạng dốt nát bằng học tập và quan trọng hơn là bằng tự học.
“Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.
(Hồ Chí Minh – Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc, 7/9/1957)
Nhiều người đọc đoạn viết này đã nghĩ rằng, Hồ Chí Minh muốn dân ta nhanh chóng thoát khỏi tình trạng dốt nát chứ không phải là nói đến những người ở cương vị quản lý, lãnh đạo dân. Như vậy là hiểu sai tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Cần nhớ rằng, câu này Cụ nói ở trường Đảng, nói đến cái dốt của cả một dân tộc, trong đó không loại trừ ai, cả trẻ con lẫn người lớn, cả dân thường đến cán bộ. Cái tâm lý thông thường của cán bộ là tự cho mình không dốt, chỉ có người khác mới dốt. Biết cái tâm lí ấy, Hồ Chí Minh đã nói với cán bộ:
“Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời.Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
(Hồ Chí Minh – Bài nói ở lớp Huấn luyện đảng viên mới, 14/5/1966).
Căn bệnh lười học hiện nay đang rất phổ biến trong cán bộ có chức có quyền. Do lười học, cho là mình giỏi hơn dân rồi, chỉ có dân mới là người cần đi học, từ đó, cứ từng bước tụt hậu về tri thức.
Có cán bộ lãnh đạo đi dự hội nghị nào cũng nhờ cấp dưới viết hộ bài nói. Tới hội nghị, trước dân chúng, cứ nói theo những gì cấp dưới đã viết. Cấp dưới dốt nên chỉ viết được dăm câu ba điều chung chung, không sai nhưng vô bổ. Cấp trên dùng toàn khái niệm và những phạm trù mà cấp dưới gài vào bài nói.Về thực chất những khái niệm và những phạm trù đó do cấp dưới vay mượn nơi khác, và rồi để cấp trên của mình vay mượn lại. Tình trạng này đã dẫn đến dư luận xã hội ngày càng lan rộng: “Muốn nâng cao dân trí, trước hết hãy nâng cao quan trí”.
Hồ Chí Minh hiểu rõ tình hình lười học và sự yếu kém hiểu biết của một bộ phận cán bộ. Nếu ta đọc kỹ cuốn “Sửa đổi lối làm việc” thì sẽ thấy có rất nhiều chỗ Người nói cái dốt của cán bộ như lý luận không gắn được với thực tiễn, chỉ nói mà không làm, bệnh ba hoa, bệnh sáo rỗng…
Ở một xã hội nông nghiệp với trình độ dân trí thấp, trình độ canh tác lạc hậu, khoa học và công nghệ đang còn kém phát triển, ta thấy có “mẫu” người chỉ nói lý thuyết suông, đôi khi họ ngộ nhận mình là cán bộ chính trị. Cái quan niệm sai lầm chết người là ở chỗ này – làm chính trị là ở trên làm chuyên môn, cán bộ chính trị là cán bộ “đường lối”… Những người này nói về Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà không hiểu rằng, muốn hiểu Chủ nghĩa Mác – Lê nin thì phải biết khoa học, công nghệ, kỹ thuật bởi chủ nghĩa Mác – Lê nin hình thành trên những thành quả phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội – nhân văn. Hồ Chí Minh quy những cán bộ chỉ nói suông về Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào loại người thuộc Chủ nghĩa cá nhân.
“Nhưng có đồng chí thuộc lòng một số sách vở về Chủ nghĩa Mác – Lê nin. Họ tự cho mình là hiểu Chủ nghĩa Mác – Lê nin hơn ai hết. Song, khi họ gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác – Lê nin, nhưng không học tinh thần Mác – Lê nin. Học để trang sức, chứ không phải là để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó là chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
(Hồ Chí Minh – Xem mục “Đạo đức cách mạng” trang “Sửa đổi lối làm việc”, 1947).
Hồ Chí Minh đã thấy sự tai hại của những cán bộ loại này. Bây giờ, sau gần 70 năm ra đời của “Sửa đổi lối làm việc”, ta thấy căn bệnh và tác hại của của Chủ nghĩa cá nhân kiểu này có vẻ nhiều lên trong hiện tại.
Hồ Chí Minh đã từng nhắc cán bộ phải chịu khó học, vừa học, vừa làm: “Cán bộ chính trị phải học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật phải học chính trị để trở nên những cán bộ toàn diện”.
(Hồ Chí Minh – Thư gửi cán bộ nông trường nhà nước. Báo Nhân dân, số 2389. 3/10/1960)
Do quá hiểu hiện trạng cán bộ không đủ năng lực làm việc và không thích nghi với sự thay đổi trong công việc, Hồ Chí Minh có lúc đã nói với cán bộ rằng, cách mạng phải được hiểu là một công việc mà muốn làm phải qua đào tạo, qua huấn luyện, qua tự học và tu dưỡng. Cách mạng là một công việc không chỉ bằng lời hô hào suông.
“Cách mạng cũng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học”.
(Hồ Chí Minh – Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây (cũ) 10/2/1967. Báo Nhân dân số 4713 ngày 5/3/1967).
Chúng ta đang triển khai Đề án 281 và hầu như chúng ta dang tập trung vào việc học suốt đời của người lao động công, nông – những lao động trên cánh đồng và trong nhà máy – chưa chú ý nhiều đến cán bộ làm công tác quản lý, điều hành trong công việc hành chính – sự nghiệp và những người được gọi là cán bộ chính trị, chỉ chuyên họp hành, thuyết giáo, việc gì cũng có ý kiến những không bắt tay vào bất kỳ công việc cụ thể nào.
Họ tham gia với chúng ta trong các cuộc vận động nhân dân học tập suốt đời và họ không coi mình là đối tượng phải đi học. Chính vì vậy, có một số cán bộ nói về xã hội học tập chẳng kém ai, kêu gọi nhân dân học suốt đời cũng khá lưu loát, thế nhưng họ ít quan tâm đến việc tạo điều kiện và cơ hội cho người dân tham gia học tập, họ cũng chẳng mấy để ý đến việc muốn để người dân được học tập thường xuyên thì địa phương cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nào…
Đến nay, cán bộ tiêu chí đánh giá gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đang được hàng vạn gia đình dân lao động, hàng nghìn dòng họ và hàng trăm cộng đồng dân cư đang thực hiện. Nhưng, qua theo dõi hình như nếu gia đình nào đó mà có cán bộ quản lý, cán bộ chỉ làm công việc “thuần túy chính trị” theo cách hiểu của người dân thì e những cán bộ này chưa chắc đã đạt yêu cầu học tập mà các Quyết định 89/QĐ.TTh, 281/QĐ-TTg đã nêu ra.
Những người đang triển khai Đề án 281 nên một lần nữa cần khẳng định rằng, muốn toàn dân thực hiện việc học tập suốt đời thì trước hết cán bộ phải gương mẫu học tập suốt đời, không để một cán bộ nào chỉ động viên dân học mà mình không học.
Nếu năm nay, Hội Khuyến học chọn được trên dưới 5 triệu gia đình hiếu học mà toàn là gia đình nông dân, công nhân và những người thợ thủ công, những người chạy xe ôm, những bà bán hàng rau, hàng cá..thì phải xem vì sao những gia đình cán bộ, việc chức ít tham gia vào cuộc vận động này.
GS.TS Phạm Tất Dong