Quá bao bọc con, bố mẹ đang “kìm” khả năng sinh tồn của con

(Dân trí) - Quanh chia sẻ của PGS.TS. Văn Như Cương về khóa học quân sự, nhiều bạn đọc Dân trí đã kể thêm những mẩu chuyện “cười ra nước mắt” của các phụ huynh thời nay. Cùng với đó là những bàn luận đáng suy ngẫm về phương pháp giáo dục con.

Con đi học quân sự, bố mẹ yêu cầu lắp thêm điều hòa, quạt mát

Bài viết “Con tôi chỉ biết uống nước nhập ngoại, sợ nó không biết uống nước của ta” trên báo Dân trí đã nhận được rất nhiều chia sẻ, tương tác của bạn đọc gần xa ở nhiều độ tuổi.

Anh Hoàng Lam chia sẻ, là một phụ huynh bản thân anh cũng đã gặp trường hợp các bậc cha mẹ cho con đi rèn luyện học kỳ quân đội nhưng lại mang tư tưởng o bế, bao bọc. “Mình cũng từng gặp trường hợp các ông bố bà mẹ cho con tham gia học kỳ quân đội nhưng đến đơn vị yêu cầu lắp thêm quạt, thêm điều hòa để các cháu nằm cho mát. Trong khi đó trong phòng đã được trang bị nhiều quạt trần và quạt treo tường”, anh kể.

Bạn trẻ Nhật Văn kể: “Đợt mình đi khóa học quân sự cũng trùng với một trường cấp 3, các em hầu như bỏ hết nguyên cả khay thức ăn, lôi toàn đồ hộp bố mẹ mang tiếp tế ra ăn. Và ngày nào cũng là ngày thăm nuôi của các em ấy”.

Các em học sinh trong một “học kỳ quân đội” tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Đại Dương)
Các em học sinh trong một “học kỳ quân đội” tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Đại Dương)

Chị Nguyễn Thị Minh lại nhìn thấy đâu đó những chi tiết trong câu chuyện học sinh ở chính gia đình chồng. Chị tâm sự: “Chồng tôi 48 tuổi, cách đây 1 năm anh ấy đi công tác vài ngày. Ấy thế mà mẹ chồng tôi vẫn bắt tôi gọi điện để cho bà hỏi thăm con, cụ thể là hỏi con có đói không, có khổ không. Đi công tác có mấy ngày mà cứ làm như cả thế kỷ. Con trai sắp nghỉ hưu rồi mà vẫn lo vậy. Bởi vậy làm sao con nó lớn được...”.

Không ít người thì cho rằng, nhiều phụ huynh Việt dường như đang “sính ngoại” trong cách ăn, cách ở và lầm tưởng đó là phương pháp nuôi dạy con an toàn, tốt nhất.

“Họ nuôi con theo phương pháp công nghiệp với kỳ vọng con họ thành siêu nhân! Vậy mới biết vợ chồng tỷ phú hãng Microsoft không để lại gia tài cho các con của mình để con tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình là cách dạy con vô cùng sáng suốt”, bạn đọc Trần Lan nhận xét.

Anh Lê Tuấn Anh cho rằng, các phụ huynh Việt nếu “sính ngoại” đúng tinh thần phương pháp nuôi dạy con của các nước tiên tiến thì quá tốt. “Tôi thấy họ (phụ huynh) cứ khen cách dạy con của những nước phát triển. Nhưng họ lại không học theo cách của những nước đó, đó là rèn luyện cho con tính tự lập để sau này ra ngoài xã hội để hòa hập để tồn tại và phát triển. Bao bọc con thái quá và nghĩ đó là thương, thực trạng xuất hiện trong không ít người có trình độ về học vấn và kinh tế. Thật đáng buồn!”.

Từ cách biểu hiện tình thương của phụ huynh người nước ngoài, bạn đọc Phạm Thị Thanh so sánh: “Chuyện người Việt Nam hỏi người nước ngoài về chăm sóc giữa chó và con. Sao con chó lại được ông chăm sóc chu đáo thế mà con trai ông thì lại để nó tự lập. Người ngoại quốc trả lời con chó là động vậy nó không tự chăm sóc mình được… Còn con tôi nó là người đủ chân, đủ tay, đủ trí tuệ thì nó phải tự lập chứ! Nếu tôi ôm ấp nó như con chó cưng này, thì khi ra ngoài xã hội ai là người sẽ ôm ấp nó?”.

Bố mẹ đang “chặt” bớt khả năng sinh tồn của con

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh, gia đình đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong hình thành nhân cách của con cái.

Theo TS Hương, rất nhiều phụ huynh hiện đại nuôi dạy con kiểu tiểu thư, công chúa, hoàng tử. Cứ nghĩ là yêu con, thương con nhưng thực tế là hại con! Đó là cách nuôi dạy con có phần “ngược quy luật tự nhiên”.

Lý giải vấn đề này, bà Hương cho biết: “Hại còn vì chính phụ huynh đã làm giảm, thậm chí mất khả năng chịu đựng và vượt khó của con họ. Và khi khả năng này mất đi, đứa trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái.

Lấy ví dụ: một bạn nhỏ bố mẹ sợ hăng nên không cho con ăn hành từ nhỏ, đến lớn cũng không ăn hành. Rõ ràng với các món ăn nhiều hành, bạn ấy không cảm nhận được sự ngon miệng. Với một sinh vật bất kì, càng sống tốt ở nhiều môi trường, người ta gọi là sinh vật rộng sinh cảnh, thì khả năng sinh tồn càng tốt và sức chiến đấu càng mãnh liệt. Với sinh vật mà chỉ sống được ở một môi trường hạn hẹp thì khi rời khỏi môi trường đó, sinh vật sẽ chết hoặc thoi thóp”.

“Quy luật tự nhiên là vậy. Các bố mẹ bảo bọc, chăm bẵm con thái quá là đã chặt bớt khả năng sinh tồn của con đi rồi”, nữ tiến sĩ tâm lý lưu ý.

Lệ Thu (ghi)

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm