Phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng có lợi như thế nào?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng là một cách tiếp cận thông minh hơn để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của mình.
Irina Gorelik, một nhà tâm lý học trẻ em tại Williamsburg Therapy, Mỹ cho biết: "Niềm tin của phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng là trẻ em vốn sinh ra đã là những đứa trẻ ngoan và những hành vi quấy rối thường là kết quả của việc rối loạn điều chỉnh cảm xúc hoặc không được tiếp cận với kỹ năng đối phó tốt hơn trong các thời điểm".
Thế nào là nuôi dạy con nhẹ nhàng?
Gorelik nói: "Thông thường, cách nuôi dạy con cái truyền thống nhấn mạnh đến hậu quả nhưng đôi khi hình phạt không thực sự khiến trẻ thay đổi hành vi hoặc thái độ.
Nhiều hình phạt thường không tương quan chính xác với chính các hành vi. Vì thế, điều này thường có xu hướng làm tăng mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái".
Mặc dù cách nuôi dạy nhẹ nhàng vẫn yêu cầu trẻ phải có quy tắc, nhưng nó tập trung vào việc tôn trọng và hiểu cho cảm xúc hoặc mong muốn của trẻ thay vì chỉ la mắng, trừng phạt con trẻ khi chúng làm sai.
Phong cách nuôi dạy con nhẹ nhàng bao gồm bốn yếu tố chính: Đồng cảm, tôn trọng, thấu hiểu, đặt ranh giới. Bố mẹ sẽ tập trung vào việc bồi dưỡng những phẩm chất mà họ mong muốn ở con mình.
Cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng ủng hộ tính kỷ luật phù hợp với lứa tuổi, dạy cho trẻ những bài học cuộc sống quý giá.
Những người thực hành cách nuôi dạy con nhẹ nhàng khuyến khích con cái bày tỏ cảm xúc của mình theo cách phù hợp với lứa tuổi và được xã hội chấp nhận. Nuôi dạy con nhẹ nhàng được xem là một phương pháp hữu ích để nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc, độc lập và tự tin.
Lợi ích của việc nuôi dạy con nhẹ nhàng
Nuôi dạy con nhẹ nhàng tập trung vào trạng thái nhận thức của con trẻ để thiết lập các nguyên tắc và ranh giới nhất định phù hợp với lứa tuổi và có lợi cho sự phát triển của con.
Bởi vì phương pháp nuôi dạy này nhằm mục đích nuôi dưỡng những đặc điểm tích cực ở trẻ em, cha mẹ dịu dàng sẽ làm gương cho hành vi của chính họ đối với con cái.
Nghiên cứu cho thấy rằng sự khích lệ nhẹ nhàng cũng có thể làm giảm nguy cơ lo lắng. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy, cách nuôi dạy nhẹ nhàng của cha mẹ đặc biệt hữu ích với trẻ nhút nhát.
Các bậc cha mẹ dịu dàng kỷ luật con cái, mục đích là để dạy dỗ đứa trẻ hơn là trừng phạt chúng vì hành vi của chúng. Những hành động này giúp trẻ hiểu rõ hơn về cách chúng nên cư xử.
Tiến sĩ tâm lý học của Mỹ Allison Andrews cho biết: "Khi chúng ta thể hiện sự dịu dàng, bình tĩnh, nhẹ nhàng và kiên quyết, đặc biệt là trong những thời điểm căng thẳng, chúng ta sẽ tạo ra sự tích cực cho sự phát triển của con cái".
Điều gì phân biệt việc nuôi dạy con nhẹ nhàng với các phương pháp khác?
Điều quan trọng cần lưu ý là cách nuôi dạy nhẹ nhàng khác với cách nuôi dạy dễ dãi. Cha mẹ dễ dãi thường không bao giờ kỷ luật con cái, trong khi cha mẹ dịu dàng kỷ luật bằng cách sử dụng các "chiến thuật" phù hợp với lứa tuổi.
Mặc dù cha mẹ dễ dãi đôi khi có mối quan hệ tích cực hơn với con cái của họ nhưng họ thường phải vật lộn với những tình huống đòi hỏi phải tuân theo quy tắc. Cách nuôi dạy nhẹ nhàng tạo ra sự cân bằng, đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ đồng thời xác định rõ ranh giới.
Những người áp dụng phong cách nuôi dạy con cái cứng rắn có thể coi cách nuôi dạy nhẹ nhàng là quá khoan dung.
Nuôi dạy con cứng rắn là một phong cách nuôi dạy con cái nghiêm khắc, tập trung vào việc nuôi dạy những đứa trẻ có động lực và thành tích cao. Do đó, bố mẹ thường yêu cầu con cái của họ rèn luyện mọi kỹ năng hoặc học tập trong thời gian dài, bỏ qua các hoạt động nhàn nhã như vui chơi.
Những đứa trẻ được nuôi dạy cứng rắn và kỷ luật có thể bị rơi vào tình trạng lo lắng, trầm cảm.
Làm thế nào để thực hành nuôi dạy con nhẹ nhàng?
Nếu bạn quan tâm đến phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng, bạn có thể thắc mắc nên bắt đầu như thế nào. Thật ra, việc áp dụng các nguyên tắc nuôi dạy con nhẹ nhàng vào cuộc sống hàng ngày của bạn khá đơn giản và tất cả đều bắt đầu bằng việc tôn trọng cảm xúc và sự phát triển của con bạn.
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường không có khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình. Bằng cách nhận ra lý do tại sao chúng cư xử theo một cách nhất định, bạn có thể điều chỉnh phản ứng của mình cho phù hợp với con bạn, ghi nhớ khả năng nhận thức của chúng để hiểu phản ứng của bạn.
Ví dụ, việc dỗ dành đứa con đang khóc thay vì khó chịu với chúng nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng xét về khía cạnh nuôi dạy con nhẹ nhàng, điều đó cũng có nghĩa là bạn đang dạy con mình sự đồng cảm ngay từ khi còn nhỏ.
Mặc dù cha mẹ có thể bực bội khi trẻ mới biết đi trằn trọc suốt đêm, khó ngủ, nhưng những bậc cha mẹ dịu dàng hiểu rằng con không có hành động nghịch ngợm. Bằng cách an ủi thay vì trừng phạt đứa trẻ, cha mẹ làm gương về sự đồng cảm.
Thiết lập quy tắc và ranh giới là những khía cạnh quan trọng của việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng. Khi bố mẹ tạo ra các hướng dẫn rõ ràng về những gì phù hợp và không phù hợp, trẻ em sẽ cảm thấy đủ yên tâm để khám phá cuộc sống. Điều này khuyến khích sự tự tin của con trẻ.
Với những đứa trẻ lớn hơn, hãy ghi nhớ tuổi của chúng trước khi phản ứng với hành vi của chúng. Làm như vậy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ của con để giúp con vượt qua cảm xúc của mình một cách phù hợp.
Như bất kỳ phong cách nuôi dạy con cái nào, các phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn.
Không giống như cách nuôi dạy dễ dãi, cách nuôi dạy nhẹ nhàng không dựa trên việc thiếu kỷ luật đối với con cái. Thay vào đó, cách nuôi dạy nhẹ nhàng có nghĩa là hiểu cảm xúc của trẻ vào từng thời điểm và phản ứng phù hợp theo cách có lợi cho tình cảm của trẻ.
Việc thực hiện phương pháp này một cách hiệu quả có thể là một thách thức đối với những bậc cha mẹ vì việc nuôi dạy con nhẹ nhàng đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng cảm.
Hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có thực sự có thể "lùi một bước" và rèn luyện khả năng tự kiểm soát bản thân thay vì phản ứng mạnh mẽ trước hành vi của con bạn hay không. Như với bất kỳ phương pháp nuôi dạy con cái nào khác, chìa khóa thành công của việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng là sự nhất quán trong hành động, cách ứng xử của cha mẹ.
Mỗi gia đình có phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau. Tuy nhiên, cách nuôi dạy con nhẹ nhàng đã được công nhận là một trong những phong cách lý tưởng để bố mẹ nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với con cái.
Để bắt đầu nuôi dạy con nhẹ nhàng, hãy nhớ rằng các mục tiêu của phương pháp này có thể không đạt được kết quả ngay lập tức. Dạy con trở thành một người có những đặc điểm tích cực là một quá trình liên tục và bạn có thể không thấy kết quả của việc nuôi dạy con nhẹ nhàng chỉ sau một vài ngày.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là thiết lập cho con những công cụ để thành công thông qua sự hướng dẫn nhẹ nhàng và lòng trắc ẩn.
Phần thưởng của việc nuôi dạy con nhẹ nhàng sẽ đến sau này, khi bạn thấy con mình áp dụng những điều mà bố mẹ từng làm mẫu cho chúng trong một thời gian dài.