Phụ huynh thắc mắc về cách đánh vần “khó hiểu” của Tiếng Việt trong sách lớp 1

(Dân trí) - Một đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều phụ huynh hoang mang bởi cách đánh vần "khó hiểu" với cả người lớn và trẻ em.

Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy “ngờ ngợ” và có vẻ khác thường.

Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường mà trước đây các phụ huynh từng được học. Do đó, nhiều người đã chỉ trích về cách dạy học của cô giáo trong đoạn clip.

Cách đánh vần khó hiểu của Tiếng Việt gây tranh cãi

Được biết, đây là cách đánh vần theo bộ sách Công nghệ giáo dục, khi đánh vần sẽ theo Âm, không đánh vần theo Chữ.

Ví dụ : ca: /cờ/ - /a/ - ca/

quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/

Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo Luật chính tả : Âm /cờ/ đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u.

Đánh vần theo cơ chế 2 bước :

Bước 1: Đánh vần tiếng thanh ngang (Khi đánh vần tiếng thanh ngang, tách ra phần đầu / phần vần)

Ví dụ : ba : /bờ/ - /a/ - /ba/

Bước 2: Đánh vần tiếng có thanh (Khi đánh vần tiếng có thanh khác thanh ngang: tạm thời tách thanh ra, để lại thanh ngang)

Ví dụ : bà: /ba/ - huyền - /bà/

Học sinh chỉ học tiếng có thanh khi đã đọc trơn được tiếng thanh ngang.


Cô giáo đang hướng dẫn học sinh phát âm. (Ảnh chụp lại từ clip)

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh phát âm. (Ảnh chụp lại từ clip)

Nhận xét về cách đánh vần này, GS. TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết trên trang cá nhân: "Thật ra cách đánh vần như clip là cách đánh vần theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại".

Theo GS Nguyễn Văn Lợi, cô giáo trong clip tuân thủ đúng theo phương pháp của giáo trình này. Trong clip, cô giáo dạy học sinh phân biệt cách viết phân biệt ia, ua, ưa (âm tiết không có âm cuối) với iê, uô, ươ (khi có âm cuối). Cô cũng dạy cách viết phân biệt C (khi có nguyên âm u, o, ơ) với cách viết K (khi có nguyên âm i), với cách viết Q (khi có âm đệm u).

Ở chương trình này, ngay từ lớp 1, đã dạy cho học sinh phân biệt khái niệm âm (vị) (ví dụ âm /cờ/ và chữ (kí tự) (c, k (ca), q (cu), dạy HS lớp 1 các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, âm đệm.

Đây là những vấn đề, kiến thức, khái niệm của ngữ âm học và khoa học về chữ viết. Theo các tác giả của chương trình cải cách, để cho học sinh hiểu sâu về cấu tạo âm tiết Tiếng Việt, từ đó phát huy sức sáng tạo của học sinh, có thể và cần thiết dạy cho học sinh lớp 1 các kiến thức, khái niệm ngữ âm học.

Đó chính là sự khác biệt giữa chương trình cải cách và chương trình dạy Tiếng Việt truyền thống.

“Tôi không thể đưa ra câu trả lời đánh giá tính đúng/sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình cải cách, dù chỉ giới hạn trong sự cái cách dạy học sinh lớp1 đánh vần Tiếng Việt. Bởi vì,đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá.

Được biết chương trình cải cách đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, tính hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy Tiếng Việt nói riêng”, GS Lợi cho hay.

Cũng theo GS Lợi, chúng ta có thể hiểu và thông cảm với những lo lắng, thậm chí hoang mang của nhiều phụ huynh, khi xem clip cải cách cách đánh vần Tiếng Việt bởi nhiều người lo lắng, cách dạy đánh vần tiếng Việt như clip trình chiếu sẽ được/bị đưa vào sách khoa lớp 1 sắp tới…

Theo ghi nhận của PV, được biết, bộ sách đã được áp dụng thử nghiệm nhiều năm và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía phụ huynh. Năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình này, tạo nên 2 lứa học sinh lớp 1 có 2 cách phát âm khác nhau.

Đây cũng không phải năm đầu tiên, việc phát âm "khó hiểu" trong Tiếng Việt theo sách Giáo dục công nghệ được đưa ra công luận mà mỗi dịp năm học mới, một số phụ huynh lại tiếp tục băn khoăn về cách phát âm không giống truyền thống. Phóng viên đã liên lạc với người được cho là tác giả của bộ sách này nhưng chưa có phát ngôn chính thức.

Mỹ Hà