Phụ huynh, sỹ tử "chạy đua nước rút" xét tuyển ĐH, CĐ
(Dân trí) - Không còn tình trạng rối loạn tuyển sinh diễn ra như năm 2015, năm nay với những đổi mới trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, cuộc chạy đua của các thí sinh vào các trường đã giảm nhiệt. Tại nhiều trường dù đã là những ngày cuối nhận hồ sơ nhưng lượng thí sinh khá thưa thớt và vắng vẻ.
Khác với năm 2015, năm nay Bộ GD&ĐT đã cho phép thí sinh ngồi nhà đăng ký xét tuyển qua mạng. Theo đó, thí sinh chỉ cần dùng tài khoản, truy cập vào trang web tuyển sinh và điền những thông số đơn giản là có thể hoàn thành hồ sơ xét tuyển của mình.
Đặc biệt, quy định không được rút ra – nộp vào hồ sơ đã giúp giảm tải đáng kể áp lực, vất vả cho thí sinh và đơn vị tuyển sinh của các trường. Theo ghi nhận của PV Dân trí, dù đã là ngày áp chót nhận nộp hồ sơ xét tuyển song tại một số trường ĐH ở Hà Nội, lượng thí sinh đến đăng ký khá thưa thớt và vắng vẻ.
GS.Ts Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết, cho đến thời điểm này trường đã nhận được khoảng 3.500 hồ sơ bao gồm hồ sơ từ các Sở Giáo dục và hồ sơ trực tiếp của các thí sinh. Con số này chưa kể lượng thí sinh đăng ký trực tuyến.
GS.TS Đinh Văn Sơn cho rằng, rất khó để dự kiến phổ điểm chuẩn của trường bởi theo kinh nghiệm có thể lượng thí sinh sẽ tăng đột biến trong ngày xét tuyển cuối cùng: “Ngày 11/8 việc đăng ký xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc, không loại trừ khả năng nhiều thí sinh sẽ cân nhắc và quyết định nộp trong ngày cuối cùng.
Hơn nữa theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ được nộp hồ sơ cùng lúc 2 trường với 4 ngành nhưng chỉ được chọn 1 ngành, 1 trường để học, lượng thí sinh ảo vì thế không phải là không có. Thời điểm này rất khó để đưa ra phổ điểm chuẩn cho từng nghành”, ông Sơn nói.
Ông Phan Lại Khánh – cán bộ tuyển sinh trường ĐH Thương mại cho biết, các em học sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường sẽ được các cán bộ chuyên môn tư vấn về mức điểm, chuyên ngành cũng như hướng dẫn về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để tránh sai sót. Dù đã có hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến song nhiều thí sinh ở các tỉnh xa vẫn lặn lội, khăn gói lên tận trường để nộp hồ sơ cho chắc chắn.
Em Hoài Linh (Hải Dương) đang cùng bố hoàn thiện hồ sơ xét tuyển. Linh cho biết, năm nay em đạt 22,25 điểm đăng ký vào Khoa Kinh tế và Tài chính Ngân hàng của ĐH Thương mại Hà Nội. Dù cách trường khá xa song Linh vẫn quyết định cùng bố đi xe khách lên Hà Nội để nộp hồ sơ trực tiếp. Năm nay dù đã có những cải cách trong việc xét tuyển ĐH, CĐ song Linh cho biết em vẫn rất căng thẳng trong việc lựa chọn trường. “Điểm của em không quá cao, tỷ lệ chọi cũng không được công bố nên em rất lo lắng”, Linh nói
Quy chế mới trong kỳ thi xét tuyển ĐH - CĐ năm nay là không được thay đổi hồ sơ khi đã nộp nên các thí sinh khá căng thẳng khi lựa chọn ngành học phù hợp với mình
Em Nguyễn Quang Huy (Quảng Ninh) được cả bố và mẹ đưa đi nộp hồ sơ. Huy cho biết đây là năm đầu tiên em dự thi nên khá hồi hộp, căng thẳng. Với mức điểm là 21,35 Huy đăng ký vào khoa Quản trị Kinh doanh và Hệ thống thông tin Quản Lý - ĐH Thương mại Hà Nội. Để cho chắc chắn, em nhờ bố mẹ tư vấn giúp mình ngành học phù hợp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng
Năm nay, dù đã phổ biến khá kỹ quy chế và cách thức đăng ký xét tuyển song nhiều thí sinh vẫn mắc các lỗi như: đặng ký sai ngành học, sai khối... trong hồ sơ dự tuyển. Đặc biết, nhiều thí sinh dựa vào thông tin của các trang tin tuyển sinh không chính thống dẫn đến việc đăng ký các mã ngành đã quá cũ, không chính xác, hoặc nhầm lẫn giữa hệ đào tạo Cao đẳng và Đại học trong cùng một trường.
Trong buổi sáng ngày 11/8, Trường ĐH Thương mại tiếp nhận khoảng hơn 100 lượt hồ sơ đăng ký nộp trực tiếp. Con số này được xem là giảm đáng kể so với những ngày đầu của đợt xét tuyển
Em Vũ Thị Nga (Ý Yên - Nam Định) cùng bố lên nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH Công nghiệp. Nga cho biết, em đã gửi hồ sơ xét tuyển qua bưu điện từ những ngày đầu tháng 8, tuy nhiên khi kiểm tra trong hệ thống đăng ký online lại không thấy tên mình. Đến hôm nay, Nga quyết định lên tận trường nộp cho chắc chắn. Cầm trên tay tờ giấy biên nhận tiền, Nga thở phào cho biết đến bây giờ em mới chắc chắn hồ sơ của mình đã được tiếp nhận.
Theo dự kiến của nhiều trường, khả năng trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển tức là ngày 12/8, lượng thí sinh có thể sẽ tăng đột biến. Nguyên nhân là do các em vẫn có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thông tin từ các trường rồi mới quyết định lựa chọn để đảm bảo chắc chắn.
Hà Trang
Ảnh: Trần Văn