TPHCM:

Nhiều trường bội thu hồ sơ nhưng vẫn lo

(Dân trí) - Sau 4 ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhiều trường đại học tại TPHCM đã nhận được hàng ngàn hồ sơ đăng ký trực tiếp của thí sinh. Tuy nhiên, các trường vẫn lo lắng bởi khả năng hồ sơ đăng ký ảo rất cao

Mỗi trường ĐH có hàng ngàn thí sinh đăng ký

Trường ĐH Nông lâm TPHCM là một trong những trường hiếm hoi xác định mức điểm nhận đăng ký xét tuyển khá cao với 18 điểm nhưng lượng thí sinh đăng ký cũng đạt con số rất khả quan. TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết đã có hơn 2.500 thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường thông qua hình thức trực tuyến. Nhìn chung, đa số thí sinh nộp hồ sơ đều có mức điểm như ngưỡng điểm xét tuyển của trường.

Nhiều phụ huynh, thí sinh đến tìm hiểu thông tin xét tuyển tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Nhiều phụ huynh, thí sinh đến tìm hiểu thông tin xét tuyển tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành

“Nhà trường quyết tâm theo hướng nâng cao chất lượng đầu vào nên đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển này. Đây cũng là ngưỡng điểm gần với mức điểm chuẩn hơn đồng thời cũng là cách để trường sàn lọc được một lượng lớn thí sinh đăng ký ảo”, ông Lý cho biết. Vẫn còn một tuần nữa mới kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển nên trường lạc quan khả năng hoàn toàn có thể tuyển đủ chỉ tiêu trong năm nay.

Tương tự, Ths Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết sau 4 ngày xét tuyển đã có hơn 3.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Đây là điều bất ngờ so với dự đoán ban đầu của trường. “Với cách xét tuyển năm nay, trường dự tính sẽ không nhiều thí sinh đăng ký sớm. Mức điểm bình quân của thí sinh nhìn chung tương đối cao”.

Tính đến hết ngày 4/8, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhận được khoảng 3500 phiếu đăng kí xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia từ các hình thức trực tuyến, trực tiếp và qua bưu điện. Đặc biệt trong ngày 4/8 lượng các em đăng ký trực tuyến có tăng lên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng nhà trường nhận định có thể những ngày đầu các em tìm hiểu thông tin và đến bây giờ mới quyết định lựa chọn, và đây là tín hiệu tốt cho công tác hướng nghiệp và tuyển sinh trong năm 2016.

Tại trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết tới thời điểm này có hơn 3.000 thí sinh đăng ký vào trường. Dù vậy, ông Thông cũng cho biết so với năm ngoái có thể chưa bằng vì năm nay thí sinh không được rút lại hồ sơ. Đặc biệt là năm nay thí sinh được đăng ký cùng lúc 2 trường nên về mặt toán học phải tính gấp đôi với số chỉ tiêu nên trường vẫn khá lo.

Theo ông Thông, nhìn chung mức điểm thí sinh đăng ký vào không có cao đột biến mà dàn trải nhiều mức. Ông Thông lưu ý, thí sinh nên cân nhắc mức điểm của mình cũng như điểm chuẩn năm ngoái trước khi đăng ký, đặc biệt thí sinh điểm cao không nên thấy có nhiều thí sinh đăng ký mà “chùn chân”. Dù trường nhận được nhiều hồ sơ nhưng thí sinh cao điểm có rất cơ hội.

Tương tự, tình hình thí sinh đăng ký tại các trường ĐH tư thục cũng có vẻ khả quan nhưng đại diện những trường này cho biết họ đang sợ tình trạng đông ảo. Theo ThS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM, tính riêng lượng thí sinh xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì trường đã nhận được hơn 2.050 hồ sơ,trong khi tổng chỉ tiêu vào ĐH-CĐ chính quy chỉ hơn 5.000.

Đông nghịt thí sinh đến đăng ký xét tuyển tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Đông nghịt thí sinh đến đăng ký xét tuyển tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM

“Chưa tính lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến thì con số có vẻ khả quan nhưng ảo sẽ rất nhiều, do đó phải trừ hao 1/3 là ít. Trường tư thục chủ yếu trông vào đợt xét tuyển bổ sung bởi cầm chắc đợt này chỉ là trường dự bị, trúng tuyển thì chắc chắn các em sẽ chọn trường công”, ông Quốc Anh nói.

Dù cũng có hơn 2.000 hồ sơ xét tuyển nhưng phía trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tỏ ra lo lắng. Ths Nguyễn Bá Anh - Phó Trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh nhìn nhận “con số này thật sự không thể an tâm bởi ảo rất cao. Đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, cơ hội các em nhập học là 50-50. Nhưng với đối tượng xét tuyển bằng học bạ thì khả năng rất thấp bởi các em có quyền nộp ở tất cả các trường tư. Nhiều em đến trường xét tuyển nhưng đã nắm trong tay giấy báo trúng tuyển của 2-3 trường khác”.

Ngược lại, nhiều trường có học phí “khủng” thí sinh có vẻ e dè hơn khi đăng ký xét tuyển. Như tại trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM mới chỉ nhận khoảng 700 hồ sơ xét tuyển; trường ĐH Hoa Sen cũng có hơn 1000 thí sinh đăng ký xét tuyển…

Dưới điểm sàn cũng đăng ký xét tuyển ĐH

Theo ông Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong những ngày qua trường nhận được không ít trường hợp thí sinh dưới điểm sàn của Bộ GD-ĐT vẫn đăng ký xét tuyển vào trường. Các thí sinh này đăng ký qua hình thức trực tuyến (online) nên trường không thể can thiệp được. Theo ghi nhận, số lượng thí sinh điểm dưới 15 vẫn đăng ký xét tuyển lên đến vài chục em. Trường đã báo Bộ GD-ĐT nhưng đến nay vẫn chưa can thiệp được.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh nhầm lẫn giữa trường CĐ Kinh tế TPHCM và trường ĐH Kinh tế TPHCM nên dù điểm thấp vẫn đến trường đăng ký trực tiếp. Đây là lỗi của bản thân thí sinh không tìm hiểu kỹ và sau đó nhà trường phải hướng dẫn lại thí sinh đến đúng trường muốn đăng ký vào.

Còn tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng trường cho biết những ngày qua có khá nhiều trường hợp sai sót hồ sơ (khoảng gần 60/300), đặc biệt là hồ sơ gửi qua đường bưu điện, phần lớn lỗi là ghi sai thông tin mã đăng ký xét tuyển và hội đồng tuyển sinh trường đã chỉ đạo bộ phận nhận tuyển sinh liên hệ qua điện thoại đến thí sinh để xác nhận lại thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các em an tâm.

Ngoài ra, có hơn 20 trường hợp các em vừa đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng vẫn nộp thêm phiếu đăng ký qua đường bưu điện. Ông Nguyễn Xuân Hoàn cho biết đã chỉ đạo liên hệ điện thoại đến các em để thông báo về việc các em đã đăng ký trực tuyến thì không thể đăng ký thêm bằng phiếu đăng ký xét tuyển nên phiếu đăng ký xét tuyển gửi bằng bưu điện là không hợp lệ.

Lê Phương