Phụ huynh nói gì về chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?
(Dân trí) - Một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục cho rằng tài liệu này dùng từ địa phương để học sinh phân biệt.
Xin giới thiệu chia sẻ của một phụ huynh đang có con học lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục, nội dung bài viết tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên dạy lớp 1 và tài liệu “Thiết kế tiếng Việt 1” dành cho giáo viên:
Hiện đang có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến phương pháp dạy trẻ theo mô hình “vuông, tròn, tam giác” trong sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục". Phải nói rõ rằng, tên gọi chính xác của sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục" là “Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục" do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Về thông tin cho rằng sách sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng miền hoặc không có nghĩa như: “quện nhau, quằn quặn, gà qué, quả chấp, bé huơ...”.
Quan điểm của "Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục": Khi học sinh mới bắt đầu học tiếng Việt lớp 1 là “chân không về nghĩa”. Giai đoạn này học sinh lớp 1 mới bắt đầu học âm, vần, đọc từ. Các em chưa thể nhận biết nghĩa của từ, do vậy cơ bản giáo viên chưa giải thích nghĩa từ ngữ cho học sinh.
Cuốn sách hướng đến 3 mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù chữ (nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được và đọc được). Các em được phát triển tư duy khoa học theo các việc làm bằng sức lao động và sản phẩm của mình.
Do đó, toàn bộ các bài học trong Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục đã quét hầu hết tất cả các tiếng có trong tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc mà trước đây chương trình hiện hành không đưa vào (ví dụ quện, qué, quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng...).
Mỗi bài học các em được học rất nhiều tiếng và từ. Ví dụ, khi dạy bài “ênh, êch”, các em sẽ được học và tự chiếm lĩnh hết tất các tiếng có chứa hai vần đó (khác với chương trình hiện hành các em chỉ học vần, các từ khóa và từ ứng dụng). Ngoài ra, học sinh còn nắm được luật chính tả vần “êch” chỉ có dấu thanh sắc, thanh nặng đi kèm.
Một số từ nghe lạ như “quện nhau”, nhiều cư dân mạng với đầu óc người lớn khá “đen tối” đã suy nghĩ rằng đây là từ “bậy bạ”. Tuy nhiên đọc tài liệu thì thấy từ "Quện nhau" có nghĩa “kiệt sức mà chết, hết đời”, đó là từ cổ xuất hiện trong bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào".
Bản thân bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện" ám chỉ một hiện tượng tự nhiên, đó là khi con tò vò bắt con nhện về và đẻ trứng vào người con nhện, con nhện sẽ sống dở chết dở, khi ấu trùng tò vò non nở ra, nó sẽ ăn thịt con nhện để trưởng thành. Thế nên mới nói "quện nhau đi" tức là "chết đi”.
Một số từ như “gà qué” (tiếng vùng Nghệ An để gọi con gà với ý chê trách), “con ĩ” (con heo/lợn), quả chấp (cùng họ quả chanh)… là ngôn ngữ thuần Việt, dân gian, địa phương và điều đó có nghĩa.
Ý đồ cuốn sách đưa các từ này để khi dạy, cô giáo sẽ chỉ cho học sinh phân biệt được một số từ ngữ là ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng khi viết các cháu nên chọn lọc từ ngữ để viết.
Trong sách còn cố ý xuất hiện những từ viết sai chính tả ngay bên cạnh từ đúng, mục đích để học sinh phân biệt tìm ra từ đúng; từ đó học sinh không viết từ sai mà chỉ sử dụng từ viết đúng chính tả. Chẳng hạn sách in 3 từ cạnh nhau “giô ra”, “dô ra”, “vô ra”; các cháu sẽ được dạy từ “vô ra” là đúng chính tả.
Hoàng Nguyễn Việt Tiến