Phụ huynh nghèo “bóp bụng” góp tiền trường
(Dân trí) - Con đi học phải lo đủ thứ tiền, nhiều gia đình khó khăn vô cùng chật vật, thậm chí bế tắc trong việc lo các khoản tiền trường cho con.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-sinh-mam-non-cung-ganh-hang-chuc-khoan-thu-951511.htm'><b> >> Học sinh mầm non cũng "gánh" hàng chục khoản thu</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-thanh-chu-no-thi-con-day-do-gi-noi-951225.htm'><b> >> Giáo viên thành “chủ nợ” thì còn dạy dỗ gì nổi”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-ra-cong-van-chan-chinh-tinh-trang-lam-thu-951068.htm'><b> >> Bộ GD-ĐT ra công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu</b></a>
Đã nghèo lại thêm “eo”
Trước đây, anh Nguyễn Văn Khánh, làm bảo vệ tại một công ty tư nhân ở Bình Thạnh, TPHCM thường ăn sáng với tô cháo lòng vỉa hè giá 10.000 - 12.000 đồng. Nhưng gần hai tháng nay, khi con vào năm học mới, bữa sáng “ăn sang” đó của anh phải cắt bỏ, thay vào đó anh ăn cơm nguội, ổ bánh mỳ không hoặc bắp ngô 3.000 đồng, còn phần lớn anh bỏ bữa sáng.
“Dành tiền đóng tiền học cho con”, anh Khánh cười gượng gạo. Con anh đang học ở Trường tiểu học Sông Lô (Phú Nhuận), đầu năm đóng gần 3 triệu tiền trường, vợ chồng đã phải chạy đôn chạy đáo vay mượn. Trước khi vào năm học, anh chị đã lo tiền sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho con.
Liên quan đến khoản thu đầu năm học, nếu có ý kiến gì về khoản thu của các trường, bạn đọc có thể phản ánh thông tin tới báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email: dantri@dantri.com.vn Xin trân trọng cảm ơn! |
“Nhà nghèo, đâu tiêu gì nhiều lấy gì để cắt giảm ngoài việc ăn uống. Nhịn ăn sáng đã đành, bữa ăn trong nhà giờ toàn rau củ, các loại cá biển rẻ tiền…”, anh Khánh thật tình.
Quanh năm lo tiền chi tiêu trong gia đình đã hết sức chật vật, con vào năm học, vợ chồng chị Trần Thị Hoa, công nhân may mặc ở Gò Vấp, TPHCM rơi vào khó khăn cùng cực. Hai đứa con, đứa út 3 tuổi chị gửi ở nhà trẻ tư với chi phí 1,5 triệu đồng, đứa đầu học tiểu học.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng không quá 8 triệu đồng là khi đã tăng ca hết sức. Chưa kể những lúc công ty không có đơn hàng, muốn tăng ca kiếm thêm cũng chẳng có việc để làm. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 2 triệu, tiền gửi trẻ của đứa út, tiền chi tiêu, ăn uống… Chưa kể, hàng tháng anh chị phải gửi tiền về quê lo cho bố mẹ.
Trước đây, mỗi ngày tiền ăn uống cuả cả gia đình chị Hoa chỉ 40.000 - 50.000 đồng thì nay chị không dám mua đồ ăn quá 30.000 đồng/ngày cho 4 miệng ăn. Nhiều bữa, chả nhà chỉ cơm trắng chan nước tương với đĩa rau.
"Cả hai vợ chồng đều phải ứng trước lương đóng tiền học cho con, chưa biết mai mốt sống thế này. Ngay các khoản tiền theo quy định với nhà tôi đã khó lo nổi cho con nhưng giờ trường học đẻ ra đủ loại tiền. Công nhân kiếm từng chục mà đi học toàn tiền trăm, tiền triệu”, chị Hoa thở dài.
Không chỉ chị Hoa, nhiều công nhân cũng cùng cực trong việc lo cho đến trường do thu nhập thấp, gánh nặng cuộc sống xa quê. Họ mang theo nỗi bất lực, bế tắc mà không biết bấu víu vào đâu. Cũng vì nghèo, nhiều gia đình sống trong cảnh chia lìa khi phải con về quê.
Cám cảnh huynh “trốn nợ”
Sau buổi họp phụ huynh, nghe thông báo đủ các loại tiền phải đóng cho con gồm tiền quy định, tiền thu hộ, tự nguyện…, chị Lê Ngọc Mai, có con học tại Trường THCS ở Q. Tân Phú đã rã rời chân tay. Từ hôm đến giờ, chị chỉ mới đủ tiền đóng học phí, còn các khoản tiền khác đang… tạm khất, vợ chồng đang tìm cách xoay.
Con gái ngày nào cũng hỏi “Mẹ ơi, đóng tiền”, nhiều lần bực mình chị quát con ầm ĩ. Chị Mai làm phụ bếp ở khách sạn, chồng làm công việc giao hàng, thu nhập thấp lại bấp bênh lại còn lo cho mẹ chồng đang nằm viện vì tai biến.
“Vay mượn được ai mình đã vay hết rồi. Năm trước, tui tránh mặt, cô giáo phải tìm đến tận nhà. Mình trốn được, thương con lên lớp hàng ngày. Vì mẹ không có tiền đóng đúng hạn mà cháy sợ đến lớp, nhiều lần đòi bỏ học”, chị Mai bộc bạch.
Quanh năm gánh nỗi trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, vào năm học mới, anh Bùi Văn Thái (quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) rơi vào tận cùng của nỗi cực khổ. 4 đứa con anh, hai cháu học đại học, hai cháu học ở quê.
Vợ bị bệnh tim, một cô con gái thứ ba nhiều năm nay hàng tháng phải từ quê vào TPHCM điều trị ung thư, gia đình anh đã rơi vào kiệt quệ. Bệnh tình cháu có dấu hiệu hồi phục, anh Thái lại quay cuồng lo cho các con đến trường.
Anh Thái vào TPHCM làm đủ nghề kiếm sống nhiều năm nay, giờ đang đi gom dầu nhớt ở các bến xe. Đêm về, anh còn chạy xe ôm kiếm thêm, chuyện nhịn bữa, nhịn ăn sáng hay trốn nợ “tiền trường” của con với anh là chuyện… hàng ngày. Gắng đến đâu hay đến đó chứ anh Thái không dám nghĩ đến những ngày phía trước - ngày mà có thể con cái anh phải dang dở việc học.
Ở nhiều trường học ở TPHCM cũng có không ít những đứa trẻ vừa đi học vừa mang theo tập bán vé số kiếm tiền tự nuôi mình, phải nhịn ăn sáng đến trường… Cái nghèo của gia đình đang đè nặng lên vai các em.
Nghèo đến vậy, cùng cực đến vậy nhưng để con đến trường, các ông bố bà mẹ này vẫn phải chạy theo cuộc sống xa xỉ. Hầu hết nhiều trường hiện nay nhiều khoản tự nguyện, xã hội hóa được “khơi mào” theo chế độ con nhà có điều kiện từ những phụ huynh khá giả cùng sự tiếp tay của nhà trường. Họ chẳng có cách nào khác đua theo nhu cầu người khác đặt ra, còn việc họ phải nhịn ăn sáng, vắt sức làm thêm đủ nghề thậm chí là vay nợ… để con đến trường là góc khuất ít ai biết đến.