Nghệ An:

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gia đình 2-3 đứa con vào năm học mới, nhiều phụ huynh phải vay mượn để sắm thêm máy móc phục vụ học online. Thậm chí, không có máy, phụ huynh phải chở con đến nhà bạn học nhờ.

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 1

Hiện Nghệ An có gần 70.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, toàn ngành giáo dục đang tập trung tháo gỡ khó khăn này để tạo điều kiện học tập cho các em.

Vay tiền mua máy cho con học online

Gia đình chị Lưu Thị Thanh (SN 1993, trú xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, Nghệ An) có 5 đứa con, trong đó 2 cháu lớn năm nay lên lớp 3 và lớp 2. Bản thân chị Thanh không có việc làm còn chồng là thợ hồ, nay dịch giã cũng không thể đi làm, nhà lại đông con, thành thử lo đủ ngày ba bữa ăn đã may lắm rồi.

Vào năm học mới, hai vợ chồng quyết định mua một chiếc điện thoại cũ trị giá 700 nghìn đồng cho con học. Thế nhưng cả hai cháu lại học trùng một khung giờ nên máy điện thoại phải nhường cho chị học, còn chị Thanh chở con đến nhà bạn cùng lớp ở trong xóm học nhờ.

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 2

Việc trang bị máy tính cho con học online là điều không dễ dàng với nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình có đông con đi học.

"Điện thoại cũ, mạng yếu, kết nối kém nên cứ vào buổi học là mẹ con như đánh vật với máy. Chưa kể đứa có máy để học, đứa phải đi học nhờ, tị nạnh nhau chí chóe cả lên", chị Thanh kể.

Năm học 2021-2022, gia đình anh Hồ Công Đào (SN 1981, trú xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 3 con đi học, cháu Hồ Trung Thông học lớp 9, Hồ Trung Tiến học lớp 5 và Hồ Thị Khánh Linh học lớp 3.

"Hai vợ chồng tôi làm nông, dịch giã khiến rau màu khó tiêu thụ, bản thân tôi cũng không đi phụ hồ được như trước nên nói để sắm thiết bị cho con học trực tuyến không phải là dễ. Tôi có đề đạt với giáo viên của đứa lớn là nhờ cô gửi bài in trên giấy về cho cháu học nhưng cô giáo nói học như thế ít hiệu quả bởi toàn kiến thức mới", anh Đào chia sẻ.

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 3

Ngành giáo dục trao điện thoại cho các trường học thuộc vùng khó khăn của tỉnh để phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến.

Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, biết rằng trong thời điểm dịch giã, không có phương án nào tốt hơn học online, anh Đào bắt đầu nghĩ cách để con có thể học cùng với các bạn.

"Nhà 3 đứa học, mua máy tính thì cũng mất ít nhất 7-8 triệu, nếu giờ học của các con luân phiên nhau thì còn được chứ trùng giờ học là rất căng. Suy đi tính lại, tôi quyết định vay anh em, bạn bè được 5 triệu đồng mua 2 chiếc điện thoại thông minh cho các con thay nhau sử dụng khi học bài", anh Đào cho biết thêm.

Có máy nhưng không kêu được thợ lắp mạng Internet, anh Đào phải tốn thêm một khoản phí 3G để con vào phòng học, chưa kể tín hiệu sụt, lúc vào được, lúc không. Vợ chồng anh đều là nông dân, máy móc công nghệ không rành lắm, chủ yếu là các con được thầy cô hướng dẫn rồi làm theo, đến giờ mở máy để vào lớp học.

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 4

Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Diễn Châu ủng hộ ngày lương mua 30 điện thoại thông minh tặng học sinh khó khăn trên địa bàn huyện.

Cũng không yên tâm giao máy cho 2 cậu con trai đang tuổi chơi, tuổi nghịch, vợ chồng anh Đào lại phải cắt cử nhau giám sát, trông nom. Vị phụ huynh này chỉ mong việc học tập của các con sớm quay trở lại trạng thái bình thường như trước kia để đỡ vất vả cho cả thầy, cả trò lẫn phụ huynh.

Mô hình thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến

Qua khảo sát, thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, cho thấy toàn tỉnh có 69.729 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, chiếm tỉ lệ 11%; trong đó có 42.449 (tỷ lệ 6,7%) học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi năm học mới bắt đầu, ngành giáo dục đã vận động đóng góp từ cán bộ, giáo, công nhân viên lao động trong ngành để hỗ trợ các em học sinh có thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến. Sau 10 ngày triển khai, đến nay, đã có 60 máy tính, 583 điện thoại được trao tặng cho các nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với giá trị quy thành tiền gần 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa thể đáp ứng được nhu cầu về thiết bị học trực tuyến hiện tại.

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 5

Với mô hình "Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến", các nhà trường và học sinh được trang bị máy tính, điện thoại theo hình thức cho mượn và có trách nhiệm bảo quản, sử dụng hiệu quả...

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh VP Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết: "Sở GD&ĐT đang phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức vận động, triển khai chương trình "Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến". Với sự chung tay, góp sức của ngành giáo dục, các tổ chức chính trị, xã hội... chúng tôi hướng tới trang bị máy tính, điện thoại thông minh cho các em học sinh, các nhà trường để phục vụ cho việc dạy và học online.

Các thiết bị này sẽ được trang bị theo diện cho mượn để nhà trường và các cháu có trách nhiệm bảo quản, sử dụng hiệu quả trong thời gian học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, cần phải chủ động mọi điều kiện để triển khai hình thức dạy học này theo từng thời điểm".

Phụ huynh chạy đôn, chạy đáo khi nhà có đông con cùng học online - 6

Đoàn viên thanh niên huyện miền núi Quế Phong hỗ trợ học sinh cài đặt phần mềm để học trực tuyến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc huyện Diễn Châu, cán bộ, công an huyện này đã đóng góp một ngày lương để hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn. Từ sự chung tay của các chiến sĩ công an, 30 chiếc điện thoại thông minh trị giá gần 75 triệu đồng đã được trao tới tay các em học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến ở các xã.

Gia đình chị Lưu Thị Thanh, ở xã Diễn Tân là một trong 30 gia đình may mắn được đón nhận món quà này của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Diễn Châu.

"Nay hai cháu có 2 máy để học trực tuyến, tôi không phải lo chở con đi, đón con về, có thời gian để kèm các con học và chăm 3 đứa nhỏ cũng như làm thêm việc nhà nữa", chị Thanh mừng rỡ nói.