Trẻ học trực tuyến: "Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi?"

Kiều Phương

(Dân trí) - Nhiều lần mạng lỗi, giáo viên bị tắt mic hoặc bị thoát ra thì các con nhao lên "Cô ơi, con không thấy cô?", "Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi?"... Những câu hỏi đại loại như thế vang lên không ngớt.

Đó là chia sẻ của nhà giáo Vũ Thu Hương (Hà Nội) về việc dạy học trực tuyến. 

Gặp nhiều sự cố vì rớt mạng

Có con trai học lớp 9, phụ huynh Đoàn Như Nhâm (Gia Lai) cho biết, theo thời khóa biểu của trường, các con có tiết học đầu tiên vào lúc 7h trên phần mềm Zoom. Tuy nhiên, gần một tiếng sau đó, hai bố con vẫn loay hoay do không truy cập được vào hệ thống, có lúc vào được 5 phút thì bị "văng" ra. Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ phía giáo viên, phụ huynh này phải khởi động lại máy tính thì tình trạng mới cải thiện được.

Chị Hoàng Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) (có con học lớp 1) cho hay, ngay từ buổi đầu tiên, việc học đã gặp rất nhiều sự cố.

"Lúc đầu kết nối thì khá suôn sẻ. Tuy nhiên, trong 2 tiếng học trực tuyến, chẳng hiểu sao mà tài khoản cứ tự "out" ra. Loay hoay vào được một lúc thì mạng lại chập chờn, hình ảnh một đằng âm thanh một nẻo dù rằng laptop để gần modem.

Một số học sinh trong lớp cũng gặp phải tình trạng tự dưng bị thoát ra như vậy. Phụ huynh chúng tôi còn đùa nhau: Học trực tuyến mà cứ như xem phim kiếm hiệp, bị đá văng bất thình lình rồi lại lao vào".

Trẻ học trực tuyến: Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi? - 1
Học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến (Ảnh minh họa).

Không chỉ các bậc phụ huynh, nhiều giáo viên cũng vướng phải không ít tình huống bi hài trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến. Nhà giáo Vũ Thu Hương (Hà Nội) chia sẻ:

"Có hôm đang dạy học, tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại tới từ phụ huynh với những thắc mắc như: tại sao đang học lại bị thoát ra, làm thế nào để vào lại lớp học, sao đăng nhập mãi mà không vào được lớp…

Nhiều lần mạng lỗi, giáo viên bị tắt mic hoặc bị thoát ra thì các con nhao lên tìm cô. "Cô ơi, con không thấy cô?", "Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi?"... Những câu hỏi đại loại như thế vang lên không ngớt.

Học trực tuyến nhưng nhiều trẻ vẫn quen kiểu nói chuyện riêng nên đôi khi chat với nhau trong cửa sổ chung nên tôi lại phải nhắc nhở. Thỉnh thoảng, có bạn nào phát biểu buồn cười, các em cũng chê nhau luôn, vừa đáng yêu, nhưng cũng vừa cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập còn tồn tại trong quá trình dạy học trực tuyến".

Không chỉ lo ngại từ hệ thống các phần mềm ứng dụng học và quản lý học sinh bị trục trặc, nhiều phụ huynh còn tỏ ra băn khoăn trước hiệu quả của việc học trực tuyến.

Phụ huynh Đoàn Như Nhâm thẳng thắn thừa nhận: "Ngồi cạnh kèm con học, tôi thấy hình thức học không thực sự hiệu quả bởi bài dạy của giáo viên qua mạng không có cải tiến so với dạy trực tiếp (vẫn là trình chiếu giáo án điện tử và giảng theo). Học sinh có hiểu bài hay không, có chú ý hay không, không kiểm soát được".

Nhiều học sinh cũng "than trời" vì hiệu quả đạt được sau những buổi học trực tuyến không cao. Học sinh Tấn Hội (lớp 9) bày tỏ:

"Em thấy rất căng thẳng do phải ngồi và nhìn vào máy tính quá lâu. Ở lớp được nhìn thấy thầy cô, bạn bè khiến em có động lực học tập, thì nay lại vò võ một mình trong 4 bức tường, nhiều lúc thực sự chán nản.

Thỉnh thoảng gặp vấn đề về máy móc, em phải mất thời gian khắc phục. Khi quay trở lại, cô đã giảng đến phần khác, kiến thức cứ trôi đi, em chẳng bắt kịp nữa. Năm nay cuối cấp rồi, em lo lắm".

Với em Nguyễn Thùy Linh (học sinh lớp 7, Hà Nội), mặc dù việc học trực tuyến đã trở nên quen thuộc song cũng không tránh khỏi những thời điểm xao nhãng, gây ảnh hưởng đến kết quả. Theo Linh, nếu chia bốn mức là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì học online chưa đáp ứng được mức vận dụng và vận dụng cao.

Trẻ học trực tuyến: Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi? - 2
So với học trực tiếp, học trực tuyến sẽ đạt hiệu quả thấp hơn do nhiều yếu tố chi phối và tác động.

Cô Vũ Thu Hương cũng nhìn nhận hiệu quả của hình thức học trực tuyến không cao, mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh đạt từ 20-60% so với học trực tiếp.

"Nếu dạy trực tiếp, giáo viên có thể quan sát ánh mắt hay một cái nhíu mày của học trò thì có thể đoán được các em đang tiếp nhận kiến thức thế nào để kịp thời điều chỉnh. Nhưng dạy trực tuyến thì không thể. Nhiều em chưa hiểu bài nhưng do tâm lý e ngại, không phản hồi với cô, và rồi phần kiến thức đó nằm ở số 0 rồi rơi vào quên lãng. Rồi lại thêm điều kiện khách quan, mạng chập chờn, có khi tiếng được tiếng mất, khó có thể truyền tải đầy đủ những kiến thức đến học trò".

Cải thiện hiệu quả bằng chính… tinh thần tự học

Thừa nhận hiệu quả của việc dạy học trực tuyến không cao, song cô Vũ Thu Hương cho rằng, điều này có thể cải thiện khi học sinh có ý thức tự học.

"Cần thừa nhận rằng bản chất của việc dạy học trực tuyến là "tự học có hướng dẫn". Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, đóng vai trò phụ; học sinh là hạt nhân, trung tâm, có vai trò chính bằng việc tự học của mình. Do đó, sau mỗi buổi học, tôi khuyến khích các con tự đọc thêm tài liệu, làm nhiều bài tập để rèn luyện và tích lũy kỹ năng. Những phần nào chưa rõ, các con hãy thẳng thắn trao đổi với thầy cô, thầy cô sẽ có trách nhiệm hướng dẫn".

Bên cạnh học sinh, sự nỗ lực của giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng. Theo đó, các thầy cô cần xác định kiến thức trọng tâm, tối ưu hóa nội dung bài giảng nhằm tránh "quá tải" cho học trò.

Trong quá trình học trực tuyến, kết quả đạt được sẽ không như dạy trực tiếp, vì vậy, cha mẹ cũng không nên quá kỳ vọng, dẫn tới tâm lý gò ép các con. Hãy tạo cho trẻ tinh thần thoải mái, bởi thời điểm này, bên cạnh kiến thức, sức khỏe của con cũng là mối quan tâm cần đặt lên hàng đầu.

Là một phụ huynh, chị Hoàng Minh Nguyệt đề xuất: "Sau mỗi buổi học, giáo viên ghi âm lại bài giảng của mình và phổ biến cho học sinh. Trong buổi học chắc chắn sẽ có nhiều em bỏ sót vài nội dung nào đó. Đây cũng là một cách giúp cải thiện chất lượng học trực tuyến".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm