Phụ huynh chăm thí sinh 18 tuổi như… em bé

(Dân trí) - “Bố mẹ luôn nói em chẳng làm được việc gì hết, mỗi việc ăn cũng không xong nhưng họ lại muốn em phải đỗ đại học, trở thành một bác sĩ giỏi, kiếm được thật nhiều tiền”- chia sẻ của em Nguyễn Hoàng Duy, một thí sinh được bố mẹ “tháp tùng” trong kỳ thi THPT quốc gia.

“Nó mỗi việc ăn cũng không xong”

Năm nào cũng vậy, hình ảnh phụ huynh từ các tỉnh tay xách nách mang theo con lên phố đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc trong các kỳ thi. Năm nay, với những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia, thi theo cụm nên việc đi lại của thí sinh nhẹ nhàng hơn phần nào, nhưng các ông bố bà mẹ không vì thế mà bớt tất tả.

Đó có thể là mong muốn được quan tâm, muốn đồng hành cùng con trong trong một bước ngoặt quan trọng. Nhưng có lẽ hơn hết là sự lo lắng, mong muốn được chăm bẵm con từng ly từng tý một cách thái quá của các bậc làm cha mẹ.

Bố mẹ dắt con vào tận phòng thi, nhìn con ngồi vào chỗ... vẫn chưa yên tâm quay ra
Bố mẹ dắt con vào tận phòng thi, nhìn con ngồi vào chỗ... vẫn chưa yên tâm quay ra.

Nguyễn Hoàng Duy, một thí sinh đến từ Bình Dương, cách TPHCM chỉ hơn 50 cây số kể, em cùng bạn bè đã xuống thành phố rất nhiều lần. Còn có người anh họ học ĐH ở dưới lo chỗ ăn ở, lo việc đi lại… nên Duy đã đề nghị để mình tự lo liệu việc đi thi. Nhưng gia đình không chịu để Duy tự đi, người mẹ vẫn xin nghỉ việc gần một tuần để theo con.

“Bố mẹ luôn nói em chẳng làm được việc gì hết, mỗi việc ăn cũng không xong nhưng họ lại muốn em phải đỗ đại học, trở thành một bác sĩ giỏi, kiếm được thật nhiều tiền”, Duy nói.

Con ở nhà bác ruột chỉ cách địa điểm thi chưa đến hai cây số, vô cùng thuận lợi, vợ chồng cô Hoàng Thị Hảo ở Long An vẫn thu xếp đi cùng con bằng được. Ông anh nhắc nhà cửa chật chội, ở đông người không tiện, ảnh hưởng đến việc cháu nghỉ ngơi thì cô Hảo vẫn khăng khăng lý giải vì "con bé không làm được gì hết, đến ăn cũng không xong nên phải có mẹ bên cạnh".

Hình ảnh thí sinh đủng đỉnh bước đi trước, cha mẹ theo sau cầm đồ ăn, chai nước uống cùng tập giấy tờ thi, bút viết, thước kẻ… quá dễ bắt gặp tại các địa điểm thi. Không chỉ dặn dò, nhắc đi nhắc lại trao con trước cổng trường thi mà nhiều phụ huynh… phải theo con vào tận phòng thi mới an lòng.

Đến giờ làm thủ tục thi, tất cả mọi người phải ra ngoài trường thi vẫn có những ông bố, bà mẹ lưu luyến, bám lại phút chót dặn dò, tạm biệt con. Khi con vừa ra khỏi cổng trường, có người đã chìa sẵn ổ bánh mỳ, chiếc bánh bao, chai nước… năn nỉ con ăn một miếng mặc cho đứa con vùng vằng, khó chịu. Nhiều phụ huynh cư xử với những đứa con 18 tuổi của mình như em bé, như với một đứa trẻ ngày đầu tới trường.

Những đứa trẻ phụ thuộc

Một học sinh đã học hết lớp 12 hoàn toàn có thể tự lên thành phố, tự tìm nhà trọ, tự cầm bản đồ tìm đường… Nhất là khi việc đi lại bây giờ rất thuận tiện, chỉ cần lên phố là các em sẽ nhận được ngay sự hỗ trợ của lực lượng xã hội, tình nguyện.

Nhưng với không ít cô cậu học trò của chúng ta, có lẽ nói đến việc “tự đi thi” là điều quá to tát và xa vời. Bởi ngay những việc nhỏ nhặt hơn như chăm sóc bản thân, chuyện ăn uống, đi thi phải mang theo cái gì… không ít em đã không lo nổi. Không hẳn vì các em không làm được mà điều này trước hết tồn tại trong suy nghĩ của chính các bậc phụ huynh.

Chúng ta đang có một lớp thanh niên lớn về thân thể nhưng hành vi, suy nghĩ chẳng khác nào một đứa trẻ: yếu đuối, non nớt, ngây ngô… Đừng nói là các em học sinh lớp 12 mà đến khi vào ĐH, ra trường những vẫn như “bé mẫu giáo” trong mắt mẹ cha. Các em không thể trưởng thành chưa hẳn vì bản thân yếu kém mà trước hết là "không được phép trưởng thành" vì sự chăm bẵm, bao bọc của mẹ cha.

Nhu cầu, khát khao được chăm sóc con của nhiều bậc phụ huynh đã lấn át cả những khát khao được tự lo, tự lập của trẻ. Họ bất chấp sự ngột ngạt, cau có, nhăn mặt… của con trẻ trước sự chăm bẵm thái quá của mình. Bằng bản năng, tình yêu thương mù quáng, nhiều phụ huynh tự tay biến trẻ thành những con người thiếu kỹ năng, thiếu trách nhiệm, phụ thuộc và trở thành những người con người dễ gây phiền toái. Sự yêu thương, muốn thay con làm hết mọi việc của bố mẹ trở thành sự áp đặt, trói buộc những đứa trẻ. 

Hoài Nam

..