Phó Thủ tướng: Song song với học phí là an sinh xã hội

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Không có học phí, đời sống cán bộ và điều kiện giảng dạy rất khó nhưng song song với đó là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội với người yếu thế, khuyến khích học sinh học giỏi, nhân tài".

Trên đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, diễn ra ngày 25/5 tại Hà Nội.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã trả lời Phó Thủ tướng và Trung ương Hội Khuyến học, liên quan đến kinh phí hoạt động của các cấp hội; thù lao cho cán bộ chuyên trách hội; kiện toàn bộ máy, tổ chức về xây dựng xã hội học tập…

Phó Thủ tướng: Song song với học phí là an sinh xã hội - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Song song với học phí là an sinh xã hội

Trao đổi một số vấn đề về giáo dục, đào tạo với sự tham gia của các cấp hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đó là các quy định của pháp luật về liên thông giữa các bậc học, loại hình giáo dục, đào tạo (phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học), bảo đảm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho nỗ lực phấn đấu học tập của mỗi cá nhân.

Đề cập đến chính sách giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh mục tiêu phát triển, làm sao giải quyết mặt trái của cơ chế thị trường, có chế độ chính sách khuyến khích nhân tài, an sinh xã hội để cân bằng trong quá trình phát triển.

Về vấn đề học phí và sách giáo khoa hiện nay đang có nhiều ý kiến trong dư luận, Phó Thủ tướng nói rằng, không có học phí, đời sống cán bộ và các điều kiện để giảng dạy rất khó nhưng song song với đó là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội với người yếu thế, khuyến khích học sinh học giỏi, nhân tài.

Trên bước đường tiếp cận theo cơ chế thị trường, trong giáo dục và đào tạo phải luôn chú ý đến chính sách an sinh với địa phương khó khăn, người yếu thế và với học sinh tài năng.

Phó Thủ tướng cũng "đặt hàng" Hội Khuyến học nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý hài hòa mối quan hệ giữa định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ chế kinh tế thị trường trong phát triển giáo dục.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện phổ cập giáo dục (trước hết ở bậc mầm non, tiểu học, trung học); đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi; chính sách an sinh xã hội bảo đảm quyền học tập cơ bản đối với đối tượng khó khăn, yếu thế, khuyến khích học sinh, sinh viên nghèo tài năng, học giỏi; bảo đảm đời sống của cán bộ, giáo viên…

Phó Thủ tướng cho rằng, giáo dục đang đổi mới theo tinh thần khuyến khích học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tiếp cận về chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, lấy người học làm trung tâm…

Do vậy, hội khuyến học cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp liên quan đến vấn đề còn ý kiến khác nhau về sách giáo khoa trên cơ sở khoa học, phù hợp xu thế quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội Khuyến học phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập suốt đời phù hợp với thực tiễn.

Các cấp hội tiếp tục tham gia vào hoạt động đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục một cách khoa học, độc lập, dựa trên đánh giá từ doanh nghiệp, người dân, người đi học; đồng thời hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Thủ tướng: Song song với học phí là an sinh xã hội - 2

GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Minh Khôi).

Giao Bộ GD&ĐT "đặt hàng" Hội Khuyến học

Theo Phó Thủ tướng, hiện tổ chức của Hội đã hình thành lớn mạnh với số hội viên khuyến học cả nước lên đến hơn 23 triệu người, trong đó có 16.706 số Hội khuyến học cơ sở; 131.408 chi hội khuyến học và 129.775 ban khuyến học.

Hội Khuyến học Việt Nam có trọng trách, sứ mệnh đặc biệt cao cả là liên kết các tổ chức, các lực lượng xã hội triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhân dân.

Đóng góp quan trọng vào chủ trương đó, thời gian qua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp hội đã tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án góp phần quan trọng trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.

Tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục có những bước tiến quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giáo dục nước nhà và phát triển toàn diện của đất nước.

Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với nhiều quyết sách hiệu quả.

Trao đổi về mối quan hệ khăng khít giữa Bộ GD&ĐT cùng Hội Khuyến học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự phối hợp này có trọng tâm, trọng điểm, đúng lúc, như: Đánh giá về đổi mới giáo dục phổ thông; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW; phổ cập giáo dục, vận động đưa trẻ đến trường…

Phó Thủ tướng: Song song với học phí là an sinh xã hội - 3

Nhiều bạn trẻ muốn được học tập suốt đời (Ảnh minh họa: Asia Property Awards).

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ từ Hội Khuyến học Việt Nam nhằm lan tỏa các chính sách; đồng thời ghi nhận ý kiến phản hồi, phản biện, những khó khăn vướng mắc từ xã hội khi triển khai chính sách giáo dục, đào tạo.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Khuyến học trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền có cách tiếp cận mới, chủ động triển khai công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Khuyến học chọn một số nhiệm vụ, mục tiêu khả thi trong Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" để có phương án hỗ trợ kinh phí cho Hội tham gia thực hiện đến năm 2025.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần "đặt hàng" Hội Khuyến học đánh giá, tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào học tập suốt đời, xã hội học tập để tạo ra bước phát triển mới về tư duy, cách tiếp cận trong xây dựng xã hội học tập.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng để tham mưu đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về mô hình tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách của hội khuyến học ở Trung ương, địa phương", Phó Thủ tướng nói.