TPHCM:

Phát hiện HS chơi game không lành mạnh qua hòm thư góp ý

(Dân trí) - Lập “hòm thư góp ý” tại nhà trường nhằm phát hiện những HS, SV chơi trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực và nghiện trò chơi trực tuyến để có biện pháp phối hợp, quản lý, giáo dục.

Đó là một trong những nội dung của Sở GD-ĐT TPHCM nhằm thực hiện kế hoạch chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến (TCTT) có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HS, SV trong ngành giáo dục giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV và HS-SV sẽ được tăng cường cũng như đẩy mạnh việc rèn luyện kỹ năng sống cho HS-SV để phòng, tránh tác hại của TCTT có nội dung bạo lực và không lành mạnh.

Phát hiện HS chơi game không lành mạnh qua hòm thư góp ý - 1

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các nhà trường lập hòm thư góp ý nhằm phát hiện HS chơi game không lành mạnh.

Kế hoạch thực hiện, trong dịp họp với phụ huynh học sinh (PHHS) vào đầu các năm học, đề nghị nhà trường có kế hoạch tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức đến PHHS về tác hại của TCTT để làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục HS.

Yêu cầu 100% PHHS phải ký cam kết trong việc quản lý HS chơi các TCTT, hướng HS đến với các trò chơi lành mạnh, tránh xa trò chơi tác hại (bạo lực và cờ bạc) và kiểm soát thời gian chơi các TCTT của con. Trong các buổi họp PHHS theo định kỳ, GV chủ nhiệm lồng ghép thêm nội dung về tác hại của TCTT để PH có biện pháp quản lý, giáo dục con ngoài giờ lên lớp.

GV chủ nhiệm theo dõi chặt chẽ sĩ số HS hàng ngày, trong từng tiết học của lớp phối hợp quản lý không để xảy ra tình trạng HS đến trường nhưng trốn học, bỏ tiết. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của HS thì phải tìm hiểu và liên lạc với gia đình để cùng có biện pháp ngăn chặn, giáo dục kịp thời.

Phổ biến, giáo dục về tác hại của TCTT lồng ghép vào môn giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, các hoạt động giáo dục, ngoại khoá… giúp HS-SV nhận thức được giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống, định hướng hành vi và nhận thức đúng tác hại của TCTT có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Qua đó, giáo dục, vận động HS-SV theo phương châm “3 không”: Không chơi trò chơi bạo lực; không làm ngơ khi biết bạn nghiện TCTT; không làm ngơ khi biết cơ sở kinh doanh TCTT cách trường học dưới 200m.

Nhà trường cũng như các đoàn thể chú trọng xây dựng các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian… lành mạnh để thu hút HS-SV tham gia tạo sân chơi giải trí lành mạnh cho đối tượng này.

Đồng thời, đẩy mạnh chương trình giáo dục kỹ năng sống cho HS-SV các cấp nhằm giúp các em nhận thức và có kỹ năng tốt trong việc phòng và tránh những tác hại của TCTT có nội dung bạo lực và không lành mạnh.

Hoài Nam