Phân tầng, xếp hạng đại học: Trường nào sẽ "chui" vào tầng thấp?
Để sắp xếp lại mạng lưới gần 450 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, Chính phủ đã bắt buộc các trường phải được phân tầng và xếp hạng kể từ ngày 25/10. Tuy nhiên, các trường vẫn chần chừ bởi quyền lợi chưa rõ nhưng nguy cơ đã thấy được.
Đua nhau mở ngành cốt để tuyển sinh
Trong số gần 450 trường ĐH, CĐ trên cả nước hiện nay, trường nào cũng đang hoạt động theo định hướng đa ngành, đa nghề, đa cấp bậc, ngoại trừ một vài trường đặc thù như nghệ thuật, y, dược… Thực tế, các trường vẫn thi nhau thành lập mới, nâng cấp, mở thêm ngành. Chỉ tính trong năm 2015, đã có 177 trường đăng ký mở 447 ngành đào tạo. Mục đích thiết thực nhất với các trường là tuyển đủ người học.
Trường nào cũng tự cho mình là trường nghiên cứu trong lúc đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất khiêm tốn. Tình trạng trường này lấn át trường kia vì cùng tuyển sinh cả hệ chính quy lẫn tại chức, từ xa. Trường nào cũng cố mở chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ dù điều kiện đội ngũ giảng viên phải “vay mượn” trường bạn. Đó là chưa kể tình trạng nhiều trường cao đẳng, trường nghề cố nâng cấp thành ĐH, tỉnh nào cũng phải có ĐH…
Hiện tại, việc “phân tầng” các trường ĐH, CĐ chủ yếu được mặc định dựa trên điểm trúng tuyển của các trường. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, điểm trúng tuyển thể hiện sự phân tầng của các trường và kết quả tuyển sinh phản ánh sự đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường.
Tuy nhiên, do thiếu những căn cứ khách quan, thí sinh vẫn chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm nhận để lựa chọn trường đã gây mất cân đối nguồn nhân lực; chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu sử dụng, chưa kể sự lãng phí thời gian, tiền bạc khi vào cơ sở đào tạo không phù hợp với năng lực, mong muốn của người học. Để thoát khỏi tình trạng này, quy định phân tầng, xếp hạng chính thức có hiệu lực từ ngày 25-10 sẽ giúp các trường định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo và công khai chất lượng, uy tín của từng trường để người học và xã hội biết, lựa chọn.
Chưa biết được gì đã lo mất
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT khẳng định, các trường sẽ thể hiện được đẳng cấp của mình qua phân tầng và xếp hạng. Song, điều các trường quan tâm là phân tầng và xếp hạng liên đới như thế nào với việc phân bổ ngân sách và xác định mức học phí thỏa thuận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trường, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Theo GS. Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường ĐH KH-XH&NV, ĐHQG Hà Nội, các trường đại học được phân tầng là cơ sở để Nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp với sự phát triển của từng nhóm trường khác nhau.
Số lượng các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam quá lớn, nếu đầu tư giống nhau thì không có nguồn lực. Nhưng nếu không đầu tư cho những trường trọng điểm thì cũng không có điều kiện để tạo thành một nền tảng cho sự phát triển khoa học, công nghệ lâu dài cho đất nước. Chính điều này khiến các trường lo ngại bởi theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT: “Nói đến phân tầng, người ta sẽ nghĩ đến sự so sánh cao, thấp. ĐH chia ra 3 tầng, phải chăng tầng trên cùng là thượng lưu, giữa là trung lưu, dưới là hạ lưu? Vậy thì trường nào sẽ chịu chui vào tầng cuối đây?”
Theo ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Bộ tiêu chí phân tầng cần được xây dựng để phân loại cho hợp lý. Nếu không, sẽ dẫn tới việc phân loại không chính xác, thiếu khách quan, gây tổn thương cho nhiều trường”. Ông Nguyễn Văn Cương khẳng định, quá trình phân loại này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các trường, nhất là khi tình hình tuyển sinh khó khăn.
Trước các thắc mắc nói trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Thông tư hướng dẫn chi tiết phân tầng và xếp hạng do Bộ GD-ĐT xây dựng sẽ quy định cụ thể để tất cả các trường thực hiện. Khi đã thực hiện phân tầng, xếp hạng, nếu một số trường chưa thực hiện ngay thì có thể ảnh hưởng đến uy tín của chính các trường đó. Thí sinh, phụ huynh sẽ không đánh giá cao những cơ sở giáo dục không có thông tin hoặc thiếu minh bạch về phân tầng, xếp hạng.
Theo Duy Anh
An Ninh Thủ Đô