Phân tầng đại học: Sẽ rất "nguy hiểm" cho sự phát triển của các trường!

(Dân trí) - “Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, bởi để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường “rất dễ rơi vào tầng 5” mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất "nguy hiểm" cho sự phát triển của các trường...”.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phan-tang-dai-hoc-nen-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-dang-o-dau-951247.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Phân tầng đại học: Nền giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu?</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-viet-nam-se-duoc-phan-thanh-5-hang-950945.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đại học Việt Nam sẽ được phân thành 5 hạng</b></a>

Đó là ý kiến góp ý của PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi khi trao đổi với PV Dân trí về dự thảo Nghị định Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo xin ý kiến góp ý về phân tầng đại học với 5 thứ hạng và 3 tiêu chí, là người làm và nghiên cứu GDĐH nhiều năm qua, ông thấy nội dung của Dự thảo Bộ đưa ra như thế nào, có phù hợp với thực tế nền GDĐH Việt Nam hiện nay?

Việc cơ quan quản lý có dự kiến phân tầng các trường ĐH là phù hợp với xu hướng thế giới đang xếp hạng các trường ĐH tiên tiến, đó là một dấu hiệu tích cực trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền GD Việt Nam.

Trong dự thảo ban đầu lần này dự kiến 5 tầng (mỗi tầng lại còn chỉ rõ khoảng số lượng các trường cụ thể 10 hoặc 20%...) theo cá nhân tôi không thể định tính dự kiến như thế được. Bởi lẽ cứ theo các tiêu chí của loại trường thì số lượng các trường ở mỗi tầng có thể nhiều hoặc ít, thậm chí hoặc không có trường nào được nằm ở tầng như thế mới thực sự là đánh giá khách quan, không lệ thuộc ý kiến chủ quan trong phân tầng.

Một điều cần lưu ý nữa là những ĐH như ĐH quốc gia, ĐH vùng có nhiều trường ĐH thành viên với chức năng nhiệm vụ khác nhau (có trường là ĐH nghiên cứu, có trường chỉ đơn thuần đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề…) thì nằm ở tầng nào. Cần cân nhắc thật kỹ các tiêu chí để phù hợp với thực trạng nền giáo dục hiện nay, nghĩa là để đạt được các tiêu chí chất lượng cao nhiều trường “rất dễ rơi vào tầng 5” mà không cần đánh giá kiểm định chất lượng. Như thế là rất "nguy hiểm" cho sự nghiệp phát triển của nhà trường.

Như ông nói, việc phân tầng, xếp hạng rất “nguy hiểm” hiện nay cho sự nghiệp phát triển của nhà trường. Tại sao lại như vậy?

Chúng ta đã và đang triển khai kiểm định chất lượng các trường ĐH theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT hoặc của AUN… một số trường đánh giá trong, đánh giá ngoài cho thấy kết quả ở mức khá khiêm tốn, nay triển khai phân tầng (dự kiến 10 năm mới xếp hạng lại - Điều 11) nghĩa là 2 hoặc 3 nhiệm kỳ của Hiệu trưởng khác nhau đấy.

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về xếp hạng nhà trường này? Hay cả 2-3 hiệu trưởng ấy? Còn xếp loại (dự kiến 2 năm/lần - điều 13) thì mấy cơ quan được phân công nhiệm vụ này có đủ sức đi 1 vòng các trường đánh giá hết không? Có thể là quá sức hoặc không cụ thể, chính xác mà đánh giá không chính xác thì nguy hiểm thật đấy chứ.

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên phân biệt hai loại trường đại học, gắn với hai loại mục đích đào tạo khác nhau. Loại thứ nhất là những trường đại học tinh hoa, có mục đích đào tạo những nhân tài cho đất nước, và loại thứ hai là những trường đại học đại chúng, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực, hay nói cách khác là người lao động thông thường. Còn ý kiến của ông?

Hẳn chúng ta đều biết mỗi kiểu xếp hạng các trường ĐH trên thế giới có tiêu chí riêng, rô bốt vào trang web tiếng Anh của trường tự động phân tích số liệu rồi công bố xếp hạng, rất khách quan nhưng vì tiêu chí do họ đặt ra khác với tiêu chí (thói quen quản lý) của Việt Nam nên không ít ý kiến chưa hài lòng cách xếp hạng như vậy.

Chúng ta nay mới bắt đầu, hẳn không tránh khỏi khó khăn, nhưng càng phân nhiều loại (muốn rạch ròi từng tầng từng bậc) thì chắc khó khăn càng nhiều. Vấn đề là các tiêu chí đưa ra phải đạt mức độ “tâm phục khẩu phục” thì không hề đơn giản, nhất là bộ phận chịu trách nhiệm làm công tác phân tầng đó có chuyên nghiệp thực sự hay không, có độc lập với cơ quan quản lý hay không…cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Tuy nhiên, nếu Bộ vẫn thực hiện với phương án mình đưa ra, với số lượng khoảng 450 trường ĐH, CĐ, việc xếp hạng các cơ sở được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần như dự thảo đưa ra, theo ông cần phải xếp hạng như thế nào?

Ta nhẩm thử con số: Mỗi trường được đánh giá ngoài nhanh cũng mất 5-7 ngày, thảo luận với lãnh đạo nhà trường nhanh là 10 ngày; chắc không thể xếp hạng kịp theo cách làm cũ! Chắc chắn phải dùng đến công nghệ đánh giá xếp loại tiên tiến mà thế giới đang sử dụng, tôi tin thế.

Có thể giai đoạn đầu, một số trường sẽ “chưa muốn phân tầng”, nhất là các trường ngoài công lập chưa được hưởng chính sách ưu đãi, đầu tư của Nhà nước, cho dù nếu không tham gia phân tầng thì cũng chịu “ẩn dật” (như không tham gia cuộc thi Hoa hậu nào đó, thì tự an ủi là biết đâu mình đẹp hơn các cô đoạt giải mà!).

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nhu cầu nhân lực khá đa dạng, hệ thống GDĐH nước ta khá rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Cần lưu ý, hệ thống GDĐH cần được phân tầng về chức năng chứ không chỉ về chất lượng, vì đào tạo tầng nào cũng cần bảo đảm chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng hợp với mục tiêu. Trong thời gian qua, sự quản lý của ngành GD chưa theo các định hướng đó, cho nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt sinh viên kém chất lượng như nhau. Ông nghĩ sao?

Việc phân tầng các ĐH là thuộc tính bản chất của chính trường ĐH đó, tôi nghĩ, mỗi Hiệu trưởng đều biết (có thể chưa thật cụ thể chi tiết) trường mình đang nằm ở tầng nào (như 1 anh ra dự hội đình làng đã tự biết đâu là chiếu trên và ai sẽ ngồi chiếu đó vậy!), chẳng qua cơ quan quản lý chưa phân tầng cụ thể, chứ định tính cũng đã có, ví dụ cả nước chỉ có 2 ĐHQG, 5 ĐH vùng, 10 ĐH trọng điểm...

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cách phân tầng phân loại theo quy mô, theo truyền thống 100 năm trở lên, theo lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu... cho dù có hay chưa có phân tầng, kiểm định thì các Hiệu trưởng (dù trường to hay bé) đều đang hết sức cố gắng, tâm huyết và có trách nhiệm để xây dựng và phát triển thương hiệu của nhà trường.

Vấn đề quan trọng, theo tôi, là cơ chế chính sách cần xem lại, phân cấp và giao trách nhiệm cho các trường (trực tiếp là Hiệu trưởng) cần rõ ràng minh bạch, khi đó hệ thống giáo dục đại học thực sự là trăm hoa đua nở!

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)
 
 
Dòng sự kiện: Xếp hạng đại học