Phân loại cụm thi: Mất đi sự công bằng giữa các thí sinh
(Dân trí) - Với việc Bộ GD-ĐT dự tính phân loại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi do các trường ĐH tổ chức khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng. GS Đào Trọng Thi cho rằng, nếu tính toán không kỹ sẽ làm mất đi sự công bằng giữa các thí sinh.
Ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giải trình về một kì thi THPT Quốc gia trước Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Đây là buổi giải trình theo yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và cử tri, từ đó thống nhất những nội dung, cách làm cụ thể về kì thi đang được dư luận rất quan tâm. Buổi giải trình đặc biệt “nóng” với thảo luận tổ chức phân loại hai cụm thi: Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và Cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Ở kì thi THPT quốc gia sẽ chủ yếu tổ chức cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho những thí sinh (TS) chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ hình thành một số cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
Sự cần thiết hình thành cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì cũng xuất phát từ thực tế, phần lớn các tỉnh miền núi phía Bắc, một huyện rộng bằng cả tỉnh dưới xuôi, thí sinh không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ mà lại bắt các TS đi lại quá xa xôi là điều không cần thiết.
Bộ trưởng Luận khẳng định: Hướng tổ chức kỳ thi tại các địa điểm thi phải công bằng, giao cho các trường đại học tổ chức thi ở cụm đều phải kiểm tra đánh giá, yêu cầu các Sở, UBND tỉnh làm tốt. Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm thanh tra, giám sát để cố gắng có kỳ thi tin cậy, công bằng với tinh thần phải đổi mới. Bộ cũng cân nhắc tính toán đảm bảo, không có chuyện dễ dãi thi ở cụm địa phương.
Mất sự công bằng và có thể gây “sốc”
Mặc dù Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã bày tỏ sự quyết tâm của ngành nhưng GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Mục đích của việc tổ chức cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì là không rõ ràng. Lúc đầu xác định tạo điều kiện cho TS chỉ đăng ký xét tốt nghiệp nhưng về sau thì lại nói là vẫn có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH.
“Phân loại hai cụm thi thì chắc chắn tính nghiêm túc sẽ không đồng đều bởi cụm thi ĐH và cụm thi địa phương là khác nhau. Không tạo mặt bằng chung về kết quả thi dẫn đến sự không công bằng giữa các thí sinh. Hai mặt bằng khác nhau nhưng lấy kết quả xét cùng một mục tiêu để đỗ tốt nghiệp THPT, thậm chí là xét tuyển vào ĐH. Đây là điểm yếu mà Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu khắc phục hạn chế một cách tối đa” - GS Đào Trọng Thi nói.
GS Đào Trọng Thi phân tích thêm: Với những địa phương có cụm thi do ĐH chủ trì thì sẽ không có cụm thi của Sở GD-ĐT. Như vậy, nếu thí sinh chỉ muốn đăng ký xét tốt nghiệp nhưng vì không có cụm thi của Sở GD-ĐT nên bắt buộc phải tham gia cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Đây cũng là sự mất công bằng giữa các TS cùng có nguyện vọng dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp.
“Cụm thi do các trường ĐH chủ trì là giải một giải pháp mạnh, tương lai thì cần phải làm triệt để bởi lâu nay xã hội lo lắng khâu coi thi, chấm thì chưa nghiêm túc của kì thi tốt nghiệp THPT nhưng lại tin tưởng vào kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, TS dự thi ở các cụm thi do ĐH chủ trì chắc chắn kết quả thi sẽ thấp hơn so với các năm trước đây. Chính vì thế cần phải có lộ trình nếu không sẽ tạo “sốc” với xã hội” – GS Đào Trọng Thi cảnh báo.
Quan điểm của GS Đào Trọng Thi cho rằng, nhìn nhận thẳng vào thực tế thì kết quả của thí sinh cao hay thấp chưa hẳn đã là do mỗi nguyên nhân đề thi mà nó còn xuất phát từ việc coi thi, chấm thi có nghiêm túc hay không, đây mới là vấn đề cốt lõi. Với tính nghiêm túc của kì thi ĐH, CĐ hàng năm thì cụm thi do trường ĐH chủ trì chắc chắn kết quả điểm thi sẽ thấp. Chính vì thế Bộ GD-ĐT phải tính toán đề thi như thế nào để làm sao khi xét tính điểm tốt nghiệp phải đạt mức trung bình.
“Nếu ở kì thi ĐH chỉ xét theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp thì xét tốt nghiệp phải lấy điểm trung bình. Không ai bảo bài thi đạt 3 điểm trên thang 10 mà lại đạt yêu cầu. Vì thế, phải ra đề làm sao để thí sinh đáng được đỗ tốt nghiệp phải đạt mức 5 điểm hoặc gần 5 điểm, đây là một vấn đề khó” – GS Đào Trọng Thi chỉ ra khó khăn đối với Bộ GD-ĐT.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đặt ra vấn đề: TS dự thi ở cụm thi ĐH mà điểm thấp hơn trung bình nhiều thì có xét tốt nghiệp hay không? Nếu không xét thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có thể sẽ quá thấp mà thấp ở đây không phải do TS có kiến thức kém mà có thể do khâu tổ chức thi đổi mới năm nay…
Sẽ tính toán lại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì
Tiếp thu những ý kiến phản biện của GS.TS Đào Trọng Thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ xem xét lại vấn đề cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
Một trong những giải pháp mà GS Đào Trọng Thi đưa ra để Bộ GD-ĐT nghiên cứu đó là: Nếu xác định tạo điều kiện cho thí sinh vùng khó khăn chỉ có mục đích xét tốt nghiệp mà không có nguyện vọng vào ĐH thì đưa ra các đối tượng cụ thể ở phạm vi hẹp, không nên mở rộng ra cả nước. Khi đã xác định được đối tượng thì có thể vẫn tổ chức thi như kì thi tốt nghiệp THPT những năm qua, nghĩa là TS không phải về cụm thi mà thi tại trường phổ thông. Điều này đồng nghĩa sẽ xóa bỏ cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Đối với những thí sinh xác định có nguyện vọng vào ĐH thì bắt buộc phải về cụm thi do trường ĐH chủ trì để đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.
Khi đưa giải pháp này hỏi một số lãnh đạo các địa phương thì nhiều cho rằng tổ chức thực hiện việc này rất khó. Cơ sở dữ liệu thực tế cho thấy hàng năm mỗi địa phương có khoảng 20% thí sinh tốt nghiệp THPT nhưng không dự thi tốt nghiệp. Chính vì thế, không thể có sự phân biệt đối tượng được thi tại trường phổ thông và đối tượng về cụm thi do ĐH chủ trì khi mà các em đều có cùng mục đích là chỉ xét để công nhân tốt nghiệp.
Những băn khoăn lo lắng về cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì cũng đã được các đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc chia sẻ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi về tham dự Hội nghị Hội nghị Triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một trường ĐH ở Hà Nội chia sẻ: Nếu chúng ta xác định rõ ràng thì mọi việc không có gì quá khó bởi đây cũng là lúc để TS tự lựa chọn để đánh giá năng lực của mình. Nếu có khả năng thì các em mạnh dạn đăng ký dự thi xét vào ĐH và về cụm thi do ĐH chủ trì để dự thi xét tốt nghiệp THPT đồng thời lấy kết quả xét tuyển vào ĐH. Còn nếu các em chỉ xác định dự thi để xét tốt nghiệp thì có thể về cụm do Sở GD-ĐT chủ trì để dự thi. Mỗi địa phương nên hình thành một cụm thi do Sở GD-DT chủ trì để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp.
“Về cơ hội vào ĐH của các thí sinh dự thi ở cụm thi Sở GD-ĐT chủ trì tôi nghĩ là không nhiều bởi qua Hội nghị phần lớn đều khẳng định chỉ dùng kết quả của thí sinh dự thi ở cụm thi do ĐH chủ trì. Cơ hội cho TS dự thi cụm thi Sở GD-ĐT chỉ là đề án tuyển sinh riêng, phần lớn sẽ là các trường ngoài công lập. Năm 2014, chúng ta cũng có 62 trường ĐH, CĐ dùng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét tuyển vào ĐH và dư luận cũng không có ý kiến gì cho dù kết quả kì thi vẫn được đánh giá là chưa nghiêm túc. Chính vì thế, cách tổ chức thi như tôi nói ở trên sẽ hợp lý” - lãnh đạo này phân tích.
Cũng tại buổi giải trình sáng 23/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho biết: Khi các trường ĐH, CĐ (đặc biệt là trường công) đã sử dụng kết quả tại cụm thi do ĐH chủ trì thì phần lớn sẽ không sử dụng kết quả tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì.
Một nguồn tin riêng của Dân trí cho biết: Để đơn giản hóa trong việc công nhận tốt nghiệp cho thí sinh ở kì thi THPT quốc gia thì Bộ GD-ĐT dự tính bỏ xếp loại tốt nghiệp.