Phải bồi thường kinh phí người học nếu văn bằng không được công nhận

(Dân trí) - Đó là một trong những nội dung của dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế đối với hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH.

Theo dự thảo, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; được phép mở tài khoản tiền ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định mức thu cụ thể theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí và có tích luỹ để tái đầu tư và phát triển. Mức thu học phí của toàn khóa học phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh.

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm trích lập Quỹ học bổng khuyến khích học tập tối thiểu bằng 2% tổng số thu học phí. Hàng năm, khi quyết toán, phần kinh phí không sử dụng hết hoặc sử dụng không đúng mục đích từ nguồn Quỹ này phải bổ sung vào chênh lệch thu lớn hơn chi của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước…

Dự thảo nêu rõ: Các bên tham gia liên kết đào tạo có trách nhiệm bồi hoàn kinh phí cho người học nếu văn bằng, chứng chỉ không được cơ quan có thẩm quyền công nhận; vi phạm các điều kiện đảm bảo chất lượng đã cam kết và công khai trước khi tuyển sinh; vi phạm pháp luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoặc chấm dứt liên kết đào tạo.

Về phía Bộ GD-ĐT chủ động, phát hiện và kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến quản lý tài chính đối với hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định trong Thông tư liên tịch này; trong trường hợp cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung. Tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất các cơ sở liên kết đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm, tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất các cơ sở liên kết đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề.

Các góp ý cho dự thảo có thể tập trung vào các vấn đề như cơ chế quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục tham gia hoạt động liên kết đào tạo và của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Các vấn đề khác dự kiến có thể phát sinh vướng mắc khi văn bản được triển khai thực hiện; Đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định chưa phù hợp. Văn bản góp ý đề nghị gửi về Bộ GD-ĐT (bằng văn bản, fax hoặc email) trước ngày 10/2/2014.

Hồng Hạnh